/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cải cách tư pháp có nên xét xử trực tuyến?

Cải cách tư pháp có nên xét xử trực tuyến?

27/08/2021 10:47 |

(LSVN) - Ngày 26/8/2021, tại Hà Nội khi kết luận tại Phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận và chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành đề án “Thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và hình sự” trong tình hình mới.

Một phiên tòa xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ cho biết, ông ủng hộ chủ trương này vì nó thuận lợi cho quá trình hành nghề Luật sư, giảm thời gian đến toà mà vẫn bảo đảm cho Luật sư trình bày quan điểm của người bào chữa trong vụ án hình sự hoặc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.

Luật sư Mai Thị Ngọc Oanh cho rằng, việc xét xử trực tuyến chỉ nên đặt ra đối với các loại án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, còn án hình sự không nên xét xử trực tuyến vì liên quan đến “quyền về nhân thân”. Đặc biệt án hình sự cần phải có sự thẩm vấn, tranh tụng kỹ lưỡng để tránh gây ra oan sai. Các bị cáo cũng không muốn xét xử trực tuyến, từ tâm lý ra toà xét xử trực tiếp để gặp mặt người bào chữa, thân nhân, từ đó có lời khuyên cho họ bình tĩnh khai báo tại phiên toà và tự bào chữa cho mình nếu vụ án không có Luật sư bào chữa.

Hình ảnh một phiên tòa trong mùa dịch tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Thanh Bền - Thiếu tá quân đội nghỉ hưu nay hành nghề Luật sư thể hiện quan điểm, thời điểm này chưa thích hợp để xét xử trực tuyến bởi các lý do:

Thứ nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết bảo đảm cho việc xét xử trực tuyến (án hình sự). Đặc biệt hiện nay việc ghi âm, ghi hình khi lấy cung bị can mặc dù luật tố tụng hình sự đã quy định nhưng còn chưa thực hiện được đầy đủ, nơi làm, nơi không do thiếu phương tiện ghi hình, ghi âm.

Thứ hai, đương sự trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính thực sự chưa sẵn sàng cho việc xét xử trực tuyến. Qua quá trình hành nghề mà Luật sư tham gia thì nhiều đương sự còn chưa biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính hoặc các phương tiện kỹ thuật số. Đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Luật sư Đặng Trọng Toại lại có một cách nhìn khác. theo đó hiện tại chưa thể áp dụng “xét xử trực tuyến” mà nên chăng trước mắt “xét xử vắng mặt” các đương sự trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Toà án căn cứ hồ sơ, ý kiến của Luật sư (nếu vụ án có Luật sư tham gia) hoặc yêu cầu đương sự trong vụ án có ý kiến gửi đến toà. Sau đó, căn cứ hồ sơ để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết mà không cần thiết phải triệu tập đương sự đến toà. Việc này nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và thực tế Việt Nam ta cũng đã áp dụng khi xét kháng cáo, kháng nghị các quyết định của toà án cấp dưới, ví dụ như việc xét kháng cáo quá thời hạn.

Với các ý kiến khác nhau của các Luật sư, những người trực tiếp tham gia tố tụng trong tất cả các loại án đã cho thấy “xét xử trực tuyến” là một khái niệm thuật ngữ pháp lý hoàn toàn mới nên trong quá trình thí điểm Toà án nhân dân tối cao cần lấy ý kiến của các tổ chức bổ trợ tư pháp, đặc biệt là lấy ý kiến của giới Luật sư để đảm bảo cho Đề án khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có sức thuyết phục và nếu được chấp thuận thì khi được áp dụng trên thực tế không vướng mắc, phải thay đổi gây khó khăn cho đương sự, cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cơ quan, người tham gia tố tụng khác.

NGUYỄN THÀNH

Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu

Lê Minh Hoàng