Ảnh minh họa.
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa đưa ra cảnh báo tới người dân cần cảnh giác với việc người lạ mạo danh là Công an liên hệ qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook… yêu cầu, hướng dẫn đăng ký, kích hoạt, cập nhật ứng dụng VNeID.
Theo cơ quan Công an khẳng định, đây là hình thức nhằm đánh cắp thông tin cá nhân người dân và thực hiện hành vi lừa đảo. Nếu thực hiện theo hướng dẫn, người dân sẽ bị đọc trộm thông tin, theo dõi, cướp quyền điều khiển thiết bị di động cũng như các tài khoản ngân hàng đăng nhập thông qua điện thoại.
Lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua điện thoại, nhắn tin.
Người dân có thể tự cài đặt, cập nhật ứng dụng VNeID trực tiếp từ CH Play hoặc Appstore, tuyệt đối không cài đặt, cập nhật ứng dụng VNeID từ các đường link lạ. Nếu có thắc mắc về ứng dụng VNeID thì người dân liên hệ với cơ quan Công an khu vực gần nhất hoặc qua đường dây nóng Bộ Công an.
Tương tự như tình huống lừa đảo cập nhật, kích hoạt VNeID, BHXH Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo về việc mạo danh cơ quan BHXH để lừa đảo. Theo đó, một người dân ở Bình Dương mất gần 100 triệu đồng do bị lừa cập nhật lại thông tin ứng dụng VssID.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo mạo danh là cán bộ BHXH yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách vào đường link lạ. Sau khi bấm vào link lạ để cài đặt ứng dụng VssID, cung cấp thông tin cá nhân và làm theo hướng dẫn, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người này bị mất sạch.
Hiện nay, BHXH không có chủ trương gọi điện thoại hay nhắn tin yêu cầu cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID. Người dân chỉ nên tải, cập nhật ứng dụng VssID trên App Store hoặc Google Play, không cài đặt bằng các đường link lạ.
Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng rất khó thực hiện bởi người bị hại không thể biết kẻ lừa đảo mình là ai. Trong trường hợp này, người bị hại nên tố giác với cơ quan Công an được giải quyết.
Qua đó, việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như số điện thoại, nội dung tin nhắn… để làm chứng cứ.
Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết.
Khi đến cơ quan Công an trình báo, người dân cần chuẩn bị: CCCD; Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).
Ngoài ra, người bị hại cũng có thể trình báo qua đường dây nóng hoặc trang thông tin điện tử của các cơ quan Công an.
Về mức xử phạt thì người dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 02 triệu có thể bị phạt hành chính từ 02 đến 03 triệu đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu về trách nhiệm hình sự khi người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hiện nay, tội phạm lừa đảo qua mạng đang ngày càng phát triển với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, hành vi lừa đảo cập nhật VNeID, VssID như đã đề cập ở trên là những thủ đoạn mới mà người dân rất dễ mắc bẫy, do đó, cần phải đề cao cảnh giác.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Đề xuất mức thu phí sử dụng tài liệu đất đai từ Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai