/ Tư vấn
/ Căn cứ đòi lại phần đất bị lần chiếm đã được cấp GCNQSDĐ

Căn cứ đòi lại phần đất bị lần chiếm đã được cấp GCNQSDĐ

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Gia đình tôi có diện tích đất rừng và lâm nghiệp khoảng 1,5ha được UBND huyện cấp. Sau đó, gia đình tôi có cho gia đình ông P. diện tích 100m2 đất rừng, lâm nghiệp đó để làm nhà ở, khi cho không có giấy tờ gì cả, chỉ cho bằng miệng. Nay gia đình tôi phát hiện ông P. đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lớn hơn 100m2 diện tích đất gia đình tôi đã thỏa thuận cho, lấn chiếm sang phần đất của gia đình tôi. Vậy tôi cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình? Liệu có căn cứ gì để gia đình tôi đòi lại phần đất đã bị lần chiếm không? Bạn đọc G. (Lạng Sơn) hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch Công ty Luật Onekey & Partners), căn cứ tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Đất là bất động sản, theo quy định trên thì việc bà G. cho ông P. diện tích đất 100m2 phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký. Nhưng ở đây, không có hợp đồng tặng cho, việc tặng cho đất bằng miệng trong trường hợp này chưa là cơ sở để có thể làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nên ông P. được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lớn hơn 100m2 diện tích đất gia đình bà G. đã thỏa thuận cho là trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, ông P. không phải là chủ sở hữu đối với diện tích đất đó. Để lấy lại diện tích đất đó, bà G. cần phải có giấy tờ chứng minh được mảnh đất này là thuộc quyền sử dụng của bà.

Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.”

Như vậy, hành vi của ông P. lấn chiếm sang phần đất của gia đình bà G. đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà. Về nguyên tắc, các công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm sẽ phải phá dỡ và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho gia đình bà G.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bà G. có thể gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013 về hòa giải tranh chấp đất đai. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong trường hợp chủ tịch UBND xã hòa giải không thành, bạn phải gửi đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp để yêu cầu được giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Cụ thể, theo quy định tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

THANH THANH

/muon-xay-nha-tren-dat-vuon-thi-phai-thuc-hien-trinh-tu-thu-tuc-nhu-the-nao.html