/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Cần hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người

Cần hoàn thiện Bộ luật Hình sự 2015 về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người

01/01/2024 07:57 |

(LSVN) - Các tội phạm xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Loại tội phạm này không chỉ xâm hại đến sự phát triển bình thường, lành mạnh của con người mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tâm, sinh lý của người bị hại về lâu dài, làm tổn thương tinh thần người bị hại cũng như gia đình của họ.

Ảnh minh họa.

Mặc dù BLHS năm 2015 đã được sửa đổi một cách toàn diện các vấn đề còn hạn chế và bất cập trong BLHS năm 1999, trong đó có các sửa đổi liên quan đến các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Tuy nhiên, nhận thấy BLHS năm 2015 vẫn còn một số quy định cần tiếp tục hoàn thiện hơn để tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc giải quyết các vụ án xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Thứ nhất, về việc xác định hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác: BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm một dạng hành vi mới trong cấu thành tội phạm (CTTP) của một số tội phạm về tình dục để khắc phục những hạn chế do việc chỉ quy định hành giao cấu trong CTTP của những tội phạm này trong BLHS 1999. Tuy nhiên, BLHS không quy định các hành vi quan hệ tình dục khác là gì, bao gồm những hành vi nào để phân biệt rõ hơn với các hành vi của tội dâm ô.

Do đó, theo tác giả, thay vì quy định “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” nhà làm luật chỉ cần quy định “thực hiện hành vi quan hệ tình dục” và sẽ giải thích thế nào là hành vi quan hệ tình dục trong văn bản hướng dẫn vì giao cấu cũng là một dạng của hành vi quan hệ tình dục.

Thứ hai, về dấu hiệu trái ý muốn: Theo quy định của BLHS hiện hành, một dấu hiệu định tội trong các tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em là dấu hiệu “trái với ý muốn của nạn nhân”. Quy định này là tương tự trong BLHS 2015. Tuy nhiên, việc quy định dấu hiệu này sẽ chuyển sự tập trung vào thái độ của nạn nhân hơn là hành động của người phạm tội. Để định tội danh trong những trường hợp này cần chứng minh dấu hiệu trái ý muốn của nạn nhân. Việc chứng minh này có thể sẽ làm ảnh hưởng, tổn thương đến tâm lý nạn nhân. Thay vì dấu hiệu “trái với ý muốn của nạn nhân” nhà làm luật có thể chuyển thành dấu hiệu “không có sự đồng ý của nạn nhân” thì sẽ phù hợp hơn.

Thứ ba, về vấn đề tuổi của nạn nhân trong tội giao cấu với trẻ em (Điều 145 BLHS). Theo quy định tại Điều 145 BLHS thì nạn nhân của tội giao cấu với trẻ em là từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Mặc dù hành vi giao cấu trong tội giao cấu với trẻ em là thuận tình, tức là có sự đồng ý của trẻ nhưng hành vi giao cấu thuận tình này vẫn bị coi là tội phạm nhằm mục đích bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ em, khi mà các em còn chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý để quyết định hành vi tình dục của mình. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số bản án về loại tội phạm này, tác giả nhận thấy hầu hết các trường hợp người phạm tội là người yêu, người chồng sắp cưới hoặc thậm chí là người chồng sau này của nạn nhân. Xuất phát từ tình yêu nên cả hai đã cùng nhau thực hiện hành vi quan hệ tình dục mà hoàn toàn không có sự ép buộc hay sử dụng thủ đoạn nào khác. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, không ý thức được hành vi của mình là phạm tội. Rõ ràng quy định về tội giao cấu với trẻ em là cần thiết, tuy nhiên thực tế cho thấy độ tuổi bắt đầu có hành vi quan hệ tình dục ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Do đó, tác giả cho rằng việc quy định độ tuổi của nạn nhân trong tội giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trong giai đoạn hiện nay là chưa thật sự phù hợp. Vì vậy có rất nhiều vụ án về tội giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là trẻ em nữ từ đủ 15 đến dưới 16 tuổi có quan hệ tình cảm trai gái với người phạm tội nhưng vì gia đình tố cáo nên chấp nhận nhìn người yêu vướng vào vòng lao lý và chờ đợi trong nhiều năm để được kết hôn khi người yêu mãn hạn tù. Hình phạt áp dụng trong những trường hợp này không phát huy được hết tính hướng thiện, không bảo vệ tối đa được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà nhiều khi còn làm xáo trộn cuộc sống và đe dọa hạnh phúc của gia đình họ. Do đó, tác giả cho rằng, tuổi của đối tượng tác động trong tội giao cấu với trẻ em chỉ nên quy định là từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi.

Thứ tư, theo quy định tại Điều 54 BLHS, điều kiện để tòa án có thể quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) được quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS. Như vậy, trường hợp người phạm tội tuy có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS nhưng trong đó chỉ có một tình tiết được quy định trong khoản 1 Điều 54 BLHS thì cũng không thỏa mãn điều kiện để quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật có thể là quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật trong trường hợp điều luật có từ hai khung hình phạt trở lên và người phạm tội bị truy cứu TNHS không phải theo khung hình phạt nhẹ nhất hoặc cũng có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình khác nhẹ hơn nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đang áp dụng là khung hình phạt nhẹ nhất. Tuy nhiên, với cách quy định hiện nay trong BLHS, nhiều khi gây ra những cách hiểu khác nhau khi áp dụng quy định này.

Khung hình phạt liền kề nhẹ hơn thông thường được quy định ở khoản ngay phía trước khung hình phạt đang áp dụng như giả sử khung hình phạt đang áp dụng quy định tại khoản 3 thì khung hình phạt liền kề nhẹ hơn quy định tại khoản 2, hoặc khung hình phạt đang áp dụng quy định tại khoản 2 thì khung hình phạt liền kề nhẹ hơn quy định tại khoản 1 của điều luật. Tuy nhiên, trong BLHS hiện nay có một số điều luật quy định không theo cách thông thường đó dẫn đến những cách hiểu không thống nhất, vì vậy việc áp dụng những quy định về quyết định hình phạt trong những trường hợp tương tự là chưa nhất quán ở nhiều địa phương.

Ví dụ theo quy định tại Khoản 4 Điều 141 BLHS: “Phạm tội hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm”. Tuy nhiên khung hình phạt liền kề tại khoản 3 Điều 141 BLHS lại không phải là khung hình phạt liền kề nhẹ hơn vì khoản 3 Điều 141 quy định khung hình phạt là: “phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân”. Thậm chí khung hình phạt tại khoản 2 Điều 141 cũng không thể coi là khung hình phạt liền kề nhẹ hơn vì khoản 2 Điều 141 BLHS quy định “phạt tù từ 7 năm đến 15 năm”. Như vậy, nếu người phạm tội bị truy cứu theo khoản 4 Điều 141 BLHS và có từ hai tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS trở lên, được áp dụng các quy định tại Điều 54 BLHS thì họ sẽ được quyết định một hình phạt dưới mức tối thiểu của khung khoản 4 nhưng nằm trong “khung hình phạt liền kề nhẹ hơn” lại là khoản 1 Điều 141 BLHS.

Do đó, tác giả cho rằng, trường hợp phạm tội hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên được xác định là trường hợp phạm tội thuộc CTTP tăng nặng thứ nhất của tội hiếp dâm.

Trong thời gian qua, việc đấu tranh phòng chống của các cấp đối với các loại tội phạm này ngày càng được nâng cao song vẫn không thể tránh khỏi những khó khăn khi thực tiễn áp dụng pháp luật còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với sự thay đỏi của đời sống xã hội, BLHS 2015 được ban hành đã phần nào khắc phục được những hạn chế này. Tuy nhiên BLHS 2015 cũng chưa hoàn toàn loại bỏ được những thiếu sót trong các quy định của pháp luật. Một số quy định cần có hướng dẫn và giải thích cụ thể đơn đảm bảo áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

HOÀNG THÙY LINH

Tòa án quân sự Quân khu 7

Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật tại Kỳ họp thứ 7

Nguyễn Mỹ Linh