Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, dự thảo bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đáng chú ý, lần sửa đổi này cũng quy định theo hướng linh hoạt về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Về nội dung này, tại Điều 64 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp cụ thể không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là người bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật của đơn vị sử dụng lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Góp ý về nội dung trên, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định của việc bổ sung trường hợp không được nhận bảo hiểm thất nghiệp là “người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức”.
Cơ quan này cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng như Bộ luật Lao động năm 2019 không quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì phải hưởng lương hưu; chỉ có quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động mà đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng lương hưu. Người lao động có quyền tiếp tục làm việc và tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật khẳng định nếu người lao động chưa làm thủ tục hưởng lương hưu thì không thể coi là không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ, không nên bổ sung trường hợp này để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Nếu cần giữ, ban soạn thảo phải làm rõ lý do.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Uỷ ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc bỏ đề xuất trên, tạo điều kiện cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do họ cũng có thời gian đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.