(LSO) - Trong thực tiễn hiện nay thì thẩm quyền của hội đồng xét xử theo điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 vẫn còn quan điểm khác nhau về việc ngoài tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị kiện, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có) thì hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện không, nếu người khởi kiện không yêu cầu tòa án giải quyết.
Điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về thẩm quyền của hội đồng xét xử như sau:
“2. Hội đồng xét xử có quyền quyết định:
b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy”.
Từ quy định này có thể thấy, hội đồng xét xử có quyền quyết định chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có). Quy định này của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là điểm mới so với quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Quy định này đã tháo gỡ được bất cập trước đây là trong trường hợp người khởi kiện chỉ khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định hành chính mà không yêu cầu tòa án hủy quyết định giải quyết khiếu nại.
Từ đó, dẫn đến việc mặc dù quyết định hành chính bị khiếu kiện đã bị tòa án hủy những quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn còn hiệu lực trong thực tế. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay thì thẩm quyền của hội đồng xét xử theo điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 vẫn còn quan điểm khác nhau về việc ngoài tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị kiện, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có) thì hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện không, nếu người khởi kiện không yêu cầu tòa án giải quyết.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngoài thẩm quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật thì hội đồng xét xử còn có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có). Quyết định hành chính trái pháp luật ở đây được hiểu chỉ là quyết định hành chính bị kiện. Còn đối với các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện, cho dù có trái pháp luật thì hội đồng xét xử cũng không được quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ các quyết định hành chính khác có liên quan này. Vì các quyết định hành chính khác có liên quan không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Cụm từ “quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có)” phải được hiểu là bao gồm các quyết định hành chính bị kiện, quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện (nếu có) và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có). Cho nên hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị kiện, quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện (nếu có) và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có). Mục đích là để giải quyết triệt để vụ án. Thực tế phần lớn các tòa án hiện nay khi giải quyết các vụ án hành chính cũng theo quan điểm thứ hai.
Theo tác giả, mỗi quan điểm nêu trên đều có tính hợp lý nhất định. Nếu người khởi kiện không yêu cầu tòa án hủy quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện mà tòa án lại tuyên hủy các quyết định hành chính khác có liên quan thì mâu thuẫn với quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện tại Điều 8 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật này).
Tuy nhiên, nếu tòa án không tuyên hủy các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện trái pháp luật thì không giải quyết triệt để vụ án. Việc khởi kiện sẽ kéo dài trong nhiều vụ án khác nhau. Vì vậy, vấn đề này đòi hỏi thẩm phán khi xây dựng hồ sơ vụ án cần phải giải thích và hướng dẫn cho đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án hủy tất cả các quyết định hành chính mà thẩm phán thấy rằng cần phải xét xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm giải quyết triệt để vụ án.
Vướng mắc nêu trên xuất phát từ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa thật sự rõ ràng. Rất cần tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể hơn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Luật sư DƯƠNG TẤN THANH