Ảnh minh họa.
Phóng viên, báo chí là một nghề nghiệp “đặc biệt”, cần phản ảnh nhanh, phản ánh đúng đắn các sự việc của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động báo chí, nhiều nhà báo, phóng viên đang bị “gây khó” khi làm việc tại một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Thậm chí, bị đe dọa, hành hung, phá hoại tài sản. Vậy, việc đe dọa, cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…
Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Việc cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hay hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…
Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP: Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này. |
Có thể thấy, mức xử phạt cho các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí trong Nghị định 119/2020/NĐ-CP đã được tăng cao hơn rất nhiều với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng cho đến 60.000.000 đồng so với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng cho đến 30.000.000 đồng trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP trước đây.
Bên cạnh đó, Luật sư Bình cũng cho biết, trong các trường hợp ở mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào từng vi phạm cụ thể thì các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng như tội “Giết người” (Điều 123 Bộ luật Hình sự), tội “Đe dọa giết người” (Điều 133 Bộ luật hình sự), tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật Hình sự), tội “Làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự), tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 157 Bộ luật Hình sự); tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178 Bộ luật Hình sự), hoặc tội “Lâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167 Bộ luật Hình sự)...
Ngày 22/9, Tạp chí Luật sư Việt Nam vừa ban hành Công văn về việc làm rõ hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk; Công an tỉnh Đắk Lắk; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, ngày 20/9/2021, Tạp chí Luật sư Việt Nam có nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Sỹ Hạnh, phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam thường trú tại tỉnh Đắk Lắk về việc đoàn cưỡng chế của UBND TP. Buôn Ma Thuột có hành vi cản trở, nạt nộ, thách thức kèm theo hành vi sử dụng vũ lực đối với Phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Cụ thể, sáng ngày 20/9/2021, Phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh nhận tin báo của người dân phản ánh về việc UBND TP. Buôn Ma Thuột thành lập đoàn cưỡng chế tại thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo video người dân cung cấp có đến gần 100 người tham gia hoạt động cưỡng chế, Phóng viên nhận thấy có dấu hiệu vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Để xác minh, làm rõ thông tin trên, hai Phóng viên Nguyễn Sỹ Hạnh và Trần Thị Hương, đều là Phóng viên của Tạp chí Luật sư Việt Nam đã trực tiếp xuống hiện trường để ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, khi xuống hiện trường Phóng viên chưa tác nghiệp, đang liên hệ với trưởng đoàn để đăng ký tác nghiệp theo quy định, nhưng khi Phóng viên mới tiếp cận hiện trường thì bị chiến sĨ công an là Đại úy Nguyễn Tiến Nguyên đang công tác tại Công an TP. Buôn Ma Thuột liên tục có hành vi, lời nói thô bạo, thái độ hung hãn, liên tục bóp tay, rồi nhấn đầu khóa tay phóng viên, kèm theo những lời nói không chuẩn mực một chiến sĩ Công an nhân dân. Mặc dù phóng viên muốn nói chuyện nhẹ nhàng để giải thích việc phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng quy định nhưng người này vẫn nạt nộ, thách thức, “đòi ‘bắt’ phóng viên đưa về. Sự việc này diễn ra quá nhanh ngoài dự tính của phóng viên, đoàn cưỡng chế của UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có hành vi cản trở, kèm theo hành vi sử dụng vũ lực với phóng viên dù phóng viên hoạt động theo đúng đề tài đã đăng ký, đã được Tạp chí Luật sư Việt Nam cấp Giấy giới thiệu số 365/GGT-TCLSVN ngày 08/9/2021 để tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bản tỉnh Đắk Lắk, phóng viên chưa có bất cứ hành vi nào để tác nghiệp hay cản trở đoàn cưỡng chế. |
LINH NHI
Tạp chí Luật sư Việt Nam đề nghị làm rõ hành vi cản trở Phóng viên tác nghiệp tại Đắk Lắk