/ Luật sư - Bạn đọc
/ Xe tạm giữ bị cháy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Xe tạm giữ bị cháy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường?

02/04/2021 16:28 |

(LSVN) - Theo Luật sư Nguyễn Văn Cận, Trưởng Văn phòng Luật sư Như Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Cảnh sát giao thông TP. Thủ Đức là cơ quan tạm giữ những phương tiện nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ngoài ra, người được giao quản lý bãi xe thiếu trách nhiệm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả cháy bãi xe này thì người này có thể bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

  

Hơn 70 xe máy cháy trơ khung trong bãi giữ xe Cảnh sát giao thông TP. Thủ Đức. Ảnh: VNE.

Thông tin từ cơ quan điều tra, khoảng 22h10 ngày 30/3, người dân phát hiện một đám cháy lớn xảy ra tại bãi xe trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ do Cảnh sát giao thông TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh quản lý.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy TP. Thủ Đức đã nhanh chóng điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy. Đám cháy sau đó được dập tắt hoàn toàn.

Theo nguồn tin, thì bãi xe này là khu vực kho giữ xe vi phạm giao thông, tang vật của Cảnh sát giao thông TP. Thủ Đức. Vậy, trách nhiệm bồi thường cho những chủ xe có phương tiện bị cháy sẽ thuộc về ai? Ai chịu trách nhiệ pháp lý khi để xảy ra vụ việc này?.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Cận, Trưởng Văn phòng Luật sư Như Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, những chiếc xe bị cháy tại khu vực kho giữ xe vi phạm giao thông, tang vật là tài sản của chủ phương tiện đang bị tạm giữ để chờ xử lý hành chính, phương tiện của họ đã bị tạm giữ thông qua Biên bản tạm giữ xe vi phạm. Nếu để xảy ra cháy nổ thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cơ quan đang tạm giữ phương tiện này.

Trong trường hợp nêu trên, Cảnh sát giao thông TP. Thủ Đức là cơ quan tạm giữ những phương tiện nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Việc xử lý vi phạm trong trường hợp là tang vật của vụ án, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, Nghị định 31/2020/NĐ-CP quy định việc bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu phải đảm bảo các điều lý bảo quản tang vật, phương tiện. Nghị định 31/2020/NĐ-CP cũng có quy định về trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. 

Điều 6 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu cụ thể như sau:

Điều 6. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

1. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nhà, kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều này.

2. Điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi

a) Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy;

b) Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng;

c) Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

...

Điều 13 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP về chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu cụ thể như sau:

Điều 13. Chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

1. Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc phân loại từng tang vật, phương tiện và báo cáo người đứng đầu cơ quan được giao trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện để bố trí, sắp xếp và có biện pháp quản lý, bảo quản phù hợp; cụ thể:

a) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là máy móc, phương tiện có sử dụng xăng, dầu hoặc các nhiên liệu dễ gây cháy, nổ thì khi đưa vào nơi tạm giữ phải để cách biệt với nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng chữa cháy;

b) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là hàng hóa, vật phẩm dễ gây ô nhiễm môi trường thì phải đưa vào nhà, kho hoặc nơi quản lý, bảo quản bảo đảm an toàn không gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tạm giữ;

c) Đối với tang vật bị tạm giữ, tịch thu là chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ, chất độc, chất phóng xạ thì phải đưa vào nhà, kho hoặc nơi quản lý, bảo quản bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ, phòng độc, chống phóng xạ, phòng ngừa sự cố môi trường.

Trong vụ việc trên, nếu người được giao quản lý bãi xe thiếu trách nhiệm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả cháy bãi xe này thì người này có thể bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể, người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

LINH CHI 

Không còn là những chuyện khó tin

Lê Minh Hoàng