Hoàn thiện pháp luật về kỷ luật lao động theo Bộ luật Lao động 2019
(LSVN) - Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động (NSDLĐ) ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định. Như vậy, kỷ luật lao động do NSDLĐ ban hành ở dạng nội quy lao động nhằm đặt ra các nguyên tắc, quy định áp dụng đối với người lao động (NLĐ) mà khi NLĐ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và nội dung lao động. Quy định về kỷ luật lao động trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần hoàn thiện.
1. Quy định về xây dựng nội quy lao động
Nội quy lao động do NSDLĐ xây dựng dựa trên quy định của pháp luật liên quan và đặc thù của NSDLĐ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 BLLĐ 2019, NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 NLĐ trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Như vậy, đối với NSDLĐ sử dụng dưới 10 lao động thì bắt buộc phải ban hành nội quy lao động nhưng lại không bắt buộc phải ban hành bằng văn bản.
Vậy nội quy lao động trong trường hợp này được ban hành dưới những dạng nào? Phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn gì? Có được ban hành nội quy lao động bằng lời nói không? Nếu có thì lưu giữ ở dạng nào, hình thức nào và cơ sở nào chứng minh rằng họ đã xây dựng nội quy lao động như đúng quy định của pháp luật? Vấn đề này còn nhiều bỏ ngỏ gây khó khăn cho NSDLĐ, NLĐ cũng như cơ quan chức năng trong quản lý, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp lao động.
Hiện nay, đối với những NSDLĐ sử dụng dưới 10 lao động, việc ban hành nội quy lao động được lựa chọn theo hướng ghi nhận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Đồng thời, nội quy lao động của NSDLĐ sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, càng khó khăn trong việc ghi nhận, quản lý và áp dụng nội quy lao động, nhất là việc quản lý nội dung của nội quy lao động có trái pháp luật hay không?
Về nội dung của nội quy lao động, so với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 đã bổ sung 5 nội dung là: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, trách nhiệm vật chất và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Nội quy sau khi ban hành phải thông báo đến NLĐ và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết trong nơi làm việc. Tuy nhiên, về hình thức thông báo đến NLĐ chưa được quy định cũng như việc xác định thế nào là “nơi cần thiết”.
Ảnh minh họa.
Nội quy lao động sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Đối với NSDLĐ sử dụng dưới 10 lao động thì hiệu lực của nội quy do NSDLĐ quy định. Quy định này một lần nữa thể hiện việc trao quyền quá lớn cho NSDLĐ sử dụng dưới 10 lao động, nằm ngoài phạm vi quản lý của các cơ quan chức năng, có thể dẫn đến việc tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích của NLĐ.
Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có xu hướng tăng, để khắc phục những hạn chế nêu trên, tác giả cho rằng cần sửa đổi quy định về xây dựng nội quy lao động theo hướng như sau:
Thứ nhất, bỏ quy định “đối với NSDLĐ sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản”, thay vào đó là tất cả NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản trừ trường hợp sử dụng lao động giản đơn như giúp việc, gia sử, chăm sóc cây cảnh,…
Thứ hai, đối với NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ, khi ban hành nội quy lao động không phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhưng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để quản lý.
Thứ ba, quy định rõ hình thức thông báo nội quy lao động đến NLĐ. Theo đó, việc thông báo có thể thực hiện dưới các hình thức niêm yết, thông báo tại cuộc họp, cuộc đối thoại, thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động, thông báo trên hệ thống thông tin nội bộ, hình thức khác mà pháp luật không cấm.
Thứ tư, quy định rõ tiêu chí xác định nơi nào là nơi cần thiết phải niêm yết nội dung cơ bản của nội quy lao động. Những tiêu chí này có thể dựa trên tần suất qua lại, khả năng tiếp cận của NLĐ; khu vực không bị hạn chế người ra vào; thông thoáng, không bị che khuất,…
Thứ năm, về thời điểm có hiệu lực của nội quy lao động. Đối với nội quy lao động của NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ thì phải thông báo cho cơ quan nhà nước, thời điểm có hiệu lực là ngày thông báo hoặc sau 05 ngày kể từ ngày thông báo.
2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động
Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
- NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ
NLĐ bị xem là có lỗi khi người đó có hành vi vi phạm nội quy lao động, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho chủ thể khác. Việc phải chứng minh được lỗi trước khi xử lý kỷ luật là phù hợp, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho NSDLĐ bởi việc này là rất khó.
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên
Tiếp tục là quy định hợp lý của BLLĐ 2019, việc tham gia của tổ chức đại diện người lao động khi xử lý kỷ luật NLĐ là cần thiết. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 mới chỉ dừng lại ở quy định chung, chưa cụ thể về số lượng thành viên, cách thức tham gia của tổ chức đại diện người lao động.
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật
Đối với nguyên tắc này, BLLĐ quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, trường hợp nhờ luật sư thì thủ tục như thế nào, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc này như thế nào hay việc thực hiện quyền tự bào chữa như thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm.
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất
- Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian theo quy định của BLLĐ 2019
- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình
Từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, căn cứ xác định lỗi của NLĐ: Có thể căn cứ vào nhận thức và thái độ của NLĐ và áp dụng tương tự như quy định vấn đề lỗi trong trách nhiệm hình sự với 4 hình thức cố ý (trực tiếp, gián tiếp), vô ý (do cẩu thả hoặc quá tự tin).
Thứ hai, bổ sung quy định về số lượng thành viên, cách thức tham gia của tổ chức đại diện NLĐ trong xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể, có thể quy định tương tự trường hợp tham gia đối thoại của tổ chức đại diện lao động hoặc số lượng tham gia tối thiểu là 01 người.
Thứ ba, quy định chi tiết quyền bào chữa, nhờ luật sư, tổ chức đại diện người lao động bào chữa của NLĐ. Những vấn đề cần làm rõ là thời điểm thực hiện quyền, cách thức thực hiện quyền, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc bảo đảm cho NLĐ thực hiện quyền.
3. Hình thức kỷ luật
Hình thức xử lý kỷ luật lao động (4 hình thức): Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức, sa thải.
Đối với hình thức khiển trách, đây là hình thức nhẹ nhất nhưng NSDLĐ vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình. Nhưng bởi tính chất ít nghiêm trọng của hình thức này cũng như hành vi vi phạm, NSDLĐ thường thực hiện rút gọn dẫn đến trường hợp nếu NLĐ lặp lại hành vi vi phạm đó thì không có cơ sở xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn.
Đối với hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng. Đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc HĐLĐ xác định thời hạn (thời hạn tối đa 36 tháng) thì sẽ rất khó áp dụng hình thức này bởi việc nâng lương do các bên thỏa thuận, thông thường tính bằng “năm”. Đồng thời, nếu không thỏa thuận về việc nâng lương thì cũng khó có cơ sở áp dụng hình thức này.
Đối với hình thức cách chức, pháp luật quy định nếu tái phạm thì sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn. Vậy “tái phạm” trong trường hợp này được hiểu như thế nào? Là đơn thuần lặp lại hành vi đã thực hiện khi không còn giữ chức vụ như trước hay lặp lại hành vi khi giữ chức vụ như lần đầu và nếu việc cách chức dẫn đến không còn chức vụ mà thực hiện hành vi tương tự thì có phải tái phạm không?
Đối với hình thức sa thải, BLLĐ quy định rất rõ các trường hợp được áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, xác định thế nào là “nơi làm việc”, là trong không gian làm việc hay cả bên ngoài không gian đó. Chưa hết, thế nào là “gây thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ.
Do đó, theo tác giả, cần có những sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, cần quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật nào phải tương ứng với loại HĐLĐ đã ký kết giữa NLĐ vi phạm và NSDLĐ.
Thứ hai, hướng dẫn thế nào là nơi làm việc và gây thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, nơi làm được được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi không gian địa điểm làm việc mà còn bao gồm cả địa điểm làm việc theo sự phân công của NSDLĐ. Đồng thời, quy định mức độ thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại theo một tháng cụ thể, trong đó chú trọng cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất.
Như vậy, các quy định về kỷ luật lao động theo BLLĐ 2019 còn những hạn chế nhất định cần được hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể. Qua đó nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, hạn chế tranh chấp, tạo thuận lợi và bảo vệ quyền và lợi ích cho cả NLĐ và NSDLĐ.
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân
Thành viên độc lập Hội đồng quản trị: Đã đảm bảo ‘độc lập’?
Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
(LSVN) – Hiện nay, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định như thế nào? Bạn đọc P.Q. hỏi.
Căn cứ Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, đối với trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo:
- Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và ra quyết định hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó.
Ảnh minh họa.
Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký, thông báo thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới;
- Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo về hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký có cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp:
- Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu, công ty cổ phần và công ty hợp danh: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thành viên hoặc cổ đông thuộc đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Quá thời hạn nói trên mà doanh nghiệp không đăng ký thay đổi thành viên hoặc cổ đông thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở quyết định của Tòa án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được quyết định của Tòa án.
Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này.
Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc xem xét nội dung giải trình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể theo quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo đề nghị của Cơ quan quản lý thuế.
Thông tin về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được nhập vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và gửi sang Cơ quan thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo, quyết định nêu trên đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và đăng tải thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương bị thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục thu hồi thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này. Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh mà không thu hồi Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Việc xử lý nội dung dự án đầu tư trên Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi quyết định thu hồi đến Cơ quan đăng ký đầu tư để phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
HỒNG HẠNH
Hôm nay, bãi bỏ 15 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Cộng Thương ban hành
(LSVN) - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2021/TT-BCT bãi bỏ toàn bộ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành. Thông tư nnày có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2021.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, Thông tư bãi bỏ toàn bộ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành sau đây:
1. Quyết định số 34/2002/QĐ-BCN ngày 28 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành quy định về giao nộp báo cáo địa chất và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản.
2. Thông tư số 07/2006/TT-BTM ngày 17 tháng 04 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn thủ tục cấp và quản lý việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa.
3. Thông tư số 08/2006/TT-BTM ngày 17 tháng 04 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn cách xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có xuất xứ không thuần túy theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa.
4. Thông tư số 10/2006/TT-BTM ngày 01 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thương mại sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2006/TT-BTM về việc hướng dẫn cách xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có xuất xứ không thuần túy theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa.
5. Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập.
6. Thông tư số 13/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng chi phí vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
7. Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.
8. Thông tư số 07/2011/TT-BCT ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu
9. Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương.
10. Thông tư số 40/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
11. Thông tư số 01/2013/TT-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.
12. Thông tư số 35/2013/TT-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương.
13. Thông tư số 10/2014/TT-BCT ngày 12 tháng 03 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia.
14. Thông tư số 35/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016 quy định việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
15. Thông tư số 24/2018/TT-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Như vậy từ hôm nay, 15 văn bản trên sẽ chính thức bị bãi bỏ và hết hiệu lực.
VĂN QUANG
Bãi bỏ 27 văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ
Điều chỉnh giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán
(LSVN) - Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 102/2021/TT-BTC ngày 17/11/2021 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Biểu giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán được ban hành kèm theo Thông tư này quy định giá dịch vụ chứng khoán đã có sự thay đổi so với hiện hành tại Thông tư 128/2018/TT-BTC. Cụ thể, quy định giá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh như sau:
- Tối đa 5.000 đồng/Hợp đồng tương lai chỉ số. Hiện hành theo Thông tư 128/2018/TT-BTC thì tối đa 15.000 đồng/Hợp đồng tương lai chỉ số.
- Tối đa 8.000 đồng/Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Hiện hành tối đa 25.000 đồng/Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) tối đa 0,45% giá trị giao dịch, trong khi hiện tại đang là tối đa 0,5% giá trị giao dịch;
Các mức giá trên chưa bao gồm khoản tiền giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý vị thế, dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ mà công ty chứng khoán nộp cho Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán theo quy định
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán đã được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến khi kết thúc hợp đồng.
HÀ ANH
Đề xuất hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho giảng viên học tiến sĩ trong nước
Đẩy mạnh phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia giai đoạn 2022-2030
(LSVN) - Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm thông tin đối ngoại chuyên nghiệp, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức của người làm báo, thành thạo ngoại ngữ, có kiến thức chuyên môn sâu, tâm huyết với nghề; thường xuyên đào tạo lại và bồi dưỡng kỹ năng làm báo hiện đại cho các phóng viên, biên tập viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1976/QĐ-TTg phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia giai đoạn 2022-2030.
Ảnh minh họa.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia giai đoạn 2022-2030 là nâng cao số lượng và chất lượng thông tin. Cụ thể, nâng cao số lượng và chất lượng thông tin đối ngoại, thông tin kịp thời, có sức thuyết phục về tình hình đất nước và con người Việt Nam.
Không ngừng đổi mới về nội dung thông tin, tăng số lượng, chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, nhu cầu của từng nước và theo lĩnh vực để thu hút độc giả. Tăng cường sử dụng chuyên gia nước ngoài có chuyên môn, trình độ ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch và tăng lượng thông tin đối ngoại viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài để phù hợp văn phong, ngôn ngữ và hấp dẫn độc giả.
Sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ số, cung cấp thông tin lên các trang mạng xã hội để thu hút độc giả.
Về công tác quảng bá và phát hành sản phẩm, đa dạng hóa các kênh phát hành của báo in thông qua các kênh ngoại giao, du lịch, đầu tư, hợp tác trao đổi thông tin với các hãng thông tấn báo chí quốc tế... Phát triển mạnh báo in dưới dạng điện tử (e-paper), báo điện tử để mở rộng phạm vi phát hành đến những địa bàn xa, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm.
Xây dựng kế hoạch quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm báo chí đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam theo đối tượng, mục tiêu từng giai đoạn. Tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội nhằm lan tỏa thông tin, tiết kiệm chi phí và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, sự thay đổi về phương thức tiếp cận thông tin của độc giả.
Nhiệm vụ và giải pháp khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ báo chí hiện đại; đầu tư trang thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu làm báo hiện đại, đa phương tiện ở tất cả các khâu sản xuất, biên tập, quản lý, lưu trữ, chế bản điện tử, quản lý điều hành...
Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm thông tin đối ngoại chuyên nghiệp, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức của người làm báo, thành thạo ngoại ngữ, có kiến thức chuyên môn sâu, tâm huyết với nghề; thường xuyên đào tạo lại và bồi dưỡng kỹ năng làm báo hiện đại cho các phóng viên, biên tập viên.
Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực với các hãng thông tấn lớn trên thế giới để tăng cường trao đổi, chia sẻ các sản phẩm thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam tới các đối tượng độc giả ở nước ngoài và nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên làm thông tin đối ngoại.
DUY ANH
Những trường hợp nào phải cách ly khi vào Hà Nội theo quy định mới nhất?
Tòa án Ba Lan ra phát quyết về tranh cãi pháp lý với EU
(LSVN) - Theo phóng viên tại Moskva, Tòa án Hiến pháp Ba Lan ngày 24/11 ra phán quyết rằng một phần Công ước Nhân quyền châu Âu không phù hợp với Hiến pháp Ba Lan. Phán quyết này là một thách thức đối với phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR).
Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền Đông Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.
Trên mạng xã hội Twitter, đề cập đến phán quyết hồi đầu năm nay về cải cách tư pháp gây tranh cãi của Ba Lan, Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan, ông Sebastian Kaleta viết: “Tòa án Hiến pháp đã quyết định rằng phán quyết của ECHR vi phạm hệ thống của chúng ta”.
Ông Kaleta cũng đánh giá đây là “ngày tốt đẹp đối với pháp quyền và chủ quyền của Ba Lan", đồng thời nhấn mạnh “nỗ lực mới nhằm can thiệp bất hợp pháp và từ bên ngoài vào hệ thống của Ba Lan đã bị chặn đứng".
Bộ Tư pháp Ba Lan đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp phân xử sau phán quyết của ECHR hồi tháng 5, trong đó Liên minh châu Âu (EU) nghi ngờ tính hợp pháp của việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Hiến pháp ở Ba Lan. ECHR cũng đã ra phán quyết chống lại “Phòng kỷ luật" các thẩm phán Ba Lan do chính phủ cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy nước này lập ra, vốn là tâm điểm của cuộc tranh chấp gay gắt giữa Brussels và Vacsava.
Mới đây nhất, ngày 19/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thư tới Ba Lan và Hungary trước khi kích hoạt cơ chế "điều kiện" mới cho phép đình chỉ các quỹ EU cho 2 nước này, trong trường hợp Ba Lan và Hungary vi phạm nguyên tắc pháp lý.
Trong thư, EC yêu cầu Vácsava giải thích về các vấn đề thiếu tính độc lập trong hệ thống tư pháp của nước này và thách thức về tính ưu việt của luật pháp châu Âu. Ba Lan có 2 tháng để cung cấp những thông tin theo như đề nghị của EC.
DUY TRINH/TTXVN
Bộ Y tế hoả tốc điều chuyên gia hỗ trợ Thanh Hoá cấp cứu, điều trị sau sự cố tiêm chủng vaccine
An Giang: Kẻ sát hại bé gái 7 tháng tuổi đối diện với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự
(LSVN) -
Khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam kẻ sát hại bé gái 7 tháng tuổi
Ngày 21/11 vừa qua, Công an tỉnh An Giang khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Nguyễn Văn Hồng (23 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc) về tội "Giết người" và "Cố ý gây thương tích".
Cơ quan điều tra cho biết tháng 10/2021, Hồng quen biết và chung sống như vợ chồng với Nguyễn Thị Mỹ (29 tuổi, ngụ phường Châu Phú A). Trong thời gian sống chung, mỗi khi thấy cháu Nguyễn Mỹ Thiên Kim (7 tháng tuổi, con riêng của Mỹ) khóc, Hồng bực tức nên nhiều lần hành hạ và làm bé gãy tay.
Tối 02/11, Hồng, Mỹ và Trần Điền (24 tuổi, ngụ Châu Phú A) sử dụng ma túy. Trong lúc Mỹ đi qua nhà hàng xóm mượn dụng cụ sạc pin điện thoại, Hồng lấy nước đổ vào miệng Kim khiến bé tử vong. Điền chứng kiến vụ việc nhưng không tố giác Hồng.
Sau khi từ nhà hàng xóm về, Mỹ thấy con gái tử vong nhưng không dám truy vấn người tình. Người mẹ này đã cùng Hồng đưa thi thể bé gái vào túi xách du lịch rồi mang xuống mé sông cạnh công viên 30/4 để đào hố chôn.
Ngày 08/11, cha của Kim đến nhà Mỹ chơi nhưng không thấy con gái. Anh này hỏi thì Mỹ kêu anh giữ Hồng lại để chị đến Công an trình báo vụ việc.
Tại cơ quan Công an, Mỹ khai bị Hồng khống chế, đe dọa, đánh đập gây thương tích nên không dám báo Công an dù nghi người tình giết con của mình. Từ lời khai của Mỹ, cơ quan điều tra tìm được thi thể bé gái. Lúc này, Hồng đã thừa nhận hành của mình.
Hiện, cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi không tố giác tội phạm của Trần Điền.
Kẻ sát hại bé gái 7 tháng tuổi đối diện với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng hành vi của đối tượng sát hại cháu bé bảy tuổi là rất tàn nhẫn, mất tính người lên đối tượng này sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi không tố giác tội phạm của các đối tượng và hành vi xâm phạm thi thể của cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với hành vi giết người, đối tượng Hồng sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 như: "giết người dưới 16 tuổi", "vì động cơ đê hèn" hoặc "có tính chất côn đồ", "thực hiện tội phạm một cách man rợ" nên hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy thì có thể đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì trước khi thực hiện hành vi giết người, cả ba đối tượng là Hồng, Điền và Mỹ đều sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy này để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi giết người trong tình trạng không nhận thức được hành vi do ảo giác từ chất ma túy thì đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người bởi bộ luật hình sự năm 2015 quy định hành vi sử dụng rượu, bia, chất cấm sau đó thực hiện hành vi phạm tội thì không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi mà không nhận thức được hành vi của mình do bệnh lý thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp mất năng lực hành vi dân sự do sử dụng rượu bia, ma túy hoặc các chất cấm khác thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả mà hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi và vai trò của mẹ cháu bé. Để xác định người này có bị xử lý với vai trò đồng phạm hay không. Đồng thời hành vi mang xác cháu bé đi chôn dấu là hành vi rất bất thường, cơ quan điều tra sẽ đấu tranh đối với các đối tượng về hành vi này để xác định vai trò đồng phạm cũng như xác định hành vi che giấu tội phạm, xâm phạm thì thể của cháu bé. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết. Đối với đối tượng Điền, nếu chứng kiến việc cháu bé bị đối tượng Hồng sát hại nhưng không trình báo với cơ quan điều tra thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Đây không phải là vụ án đầu tiên người tình sát hại con riêng của vợ. Trước đó đã có nhiều vụ án tương tự xảy ra, trong đó có thể kể đến vụ án xảy ra tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đối tượng là mẹ đơn thân nhưng chung sống như vợ chồng với đối tượng nghiện ma tuý, sau đó cùng sử dụng trái phép chất ma túy. Cứ mỗi lần sử dụng trái phép chất ma túy thì các đối tượng lại đánh đập, hành hạ cháu bé, cuối cùng hậu quả cháu bé tử vong.
Lối sống sa đọa đã khiến các đối tượng có suy nghĩ và hành động lệch lạc, xâm phạm đến thân thể, tính mạng của trẻ em. Trong lúc lên cơn ngáo đá, các đối tượng rất dễ dàng có thể thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé.
Bởi vậy qua những vụ án như thế này sẽ là những bài học cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ và đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Những suy nghĩ, hành động thiếu chín chắn, lối sống buông thả, sa ngã của những bậc làm cha, làm mẹ có thể tạo ra một môi trường thiếu an toàn, không lành mạnh và có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, tạo ra môi trường không tốt cho sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em.
PHƯƠNG HOA
Đồng Tháp: Chồng vô ý gây cháy nhà làm vợ và hai con tử vong