Đất nước ta, triều đại nào cũng kính trọng người cao tuổi. Hội nghị Diên Hồng do nhà Trần tổ chức năm 1284 hỏi ý kiến các cụ “đánh” hay “hòa” khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Bác Hồ lúc sinh thời rất kính trọng các bậc phụ lão. Tháng 6/1941, Người viết thư cho các cụ phụ lão khẳng định: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. “Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi.
Ngày xưa chúc thọ, mừng thọ từng gia đình, từng dòng họ tổ chức. Có người mừng thọ từ tuổi 60. Nhưng phần lớn tổ chức mừng thọ, chúc thọ tuổi 70, tuổi 80, tuổi 90. Tổ chức to, nhỏ tùy theo từng gia đình, dòng họ. Tổ chức to, nhỏ nhưng đều uy nghiêm, kính trọng và mừng vui của con cháu, dân làng. Trong buổi lễ thường đọc thơ, đọc câu đối chúc mừng. Kết thúc buổi lễ các cụ thấy phấn khởi, còn con cháu thì tự hào. Có nhiều bài thơ hay chúc thọ, mừng thọ:
"Con mừng cha mẹ thọ trăm năm
Sống khỏe an vui gậy chẳng cần
Sầu lo phiền toái không còn vướng
Hưởng phúc thiên đường ngay tại tâm".
Câu đối hay có ý nghĩa:
"Tám chục tuổi đời, người vẫn trẻ
Ngàn năm gia tộc, phúc vô biên".
Tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ thường diễn ra đầu năm mới. Ngày cụ thể do từng địa phương. Đa số vào ngày mồng 04 Tết, sau khi đưa tiễn ông bà, tổ tiên ăn Tết xong về âm giới.
Tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ ngày đầu năm mới từ khi Đảng ta ra đời có khác xưa. Từ Hội Phụ lão cứu quốc đến Hội Người cao tuổi tổ chức bài bản quy củ, có chương trình đàng hoàng, thể hiện được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Hiện nay, lãnh đạo, chính quyền địa phương xem tổ chức Lễ mừng thọ, chúc thọ là một nhiệm vụ chính trị đầu năm, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện cho thật tốt. Có nhiều nơi tổ chức mừng thọ, chúc thọ tập trung cả toàn xã, cũng có nơi tổ chức từng thôn, xóm. Ban tổ chức gồm Hội Người cao tuổi kết hợp thôn, khối trưởng, cùng ban mặt trận. Con cháu mời các cụ đến tuổi chúc thọ, mừng thọ ra hội trường. Ban tổ chức giới thiệu chương trình, giới thiệu đại biểu, giới thiệu từng cụ được chúc thọ, mừng thọ. Sau khi giới thiệu Ban tổ chức đọc thư chúc thọ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, nêu thành tích đạt được trong năm của địa phương, nhiệm vụ trọng tâm năm tới, nêu vị trí vai trò người cao tuổi, biểu dương thành tích các cụ đóng góp cho xã hội, cho quê hương, gia đình trong thời gian qua. Đại diện Ban tổ chức trao Bằng chúc thọ, mừng thọ của Hội Người cao tuổi cho các cụ. Tiếp theo là phần văn nghệ con cháu chúc ông bà, cha mẹ bằng lời, bằng thơ, bằng câu đối.
Có nhiều người con phát biểu đối với cha mẹ rất cảm động:
"Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chấn giữ ghi lòng các con"
Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, phần văn nghệ thường do đội văn nghệ Hội Người cao tuổi đảm nhiệm, biểu diễn thành một chương trình, không thua kém các diễn viên chuyên nghiệp là bao.
Kết thúc buổi lễ đại diện cho các cụ được tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ phát biểu cảm tưởng. Ban tổ chức cảm ơn mọi người đến tham gia buổi lễ.
Sau khi tổ chức ở hội trường xã, hoặc thôn, xóm từng gia đình về tổ chức riêng. Lúc này bà con, họ hàng, làng xóm đến chia vui cùng các cụ. Nhiều gia đình con cháu tặng các cụ tiền, để làm quỹ dưỡng già. Cách làm này giúp các cụ phần nào đỡ khó khăn về tài chính.
Ngày nay, nhiều địa phương lấy ngày Mồng 4 Tết làm ngày lễ chúc thọ, mừng thọ các bậc cao niên. Các địa phương ngày chúc thọ, mừng thọ là ngày Hội Đền ơn, đáp nghĩa các bậc cao niên, nên tổ chức rầm rộ. Hội Người cao tuổi thống nhất trong toàn huyện, toàn tỉnh về chương trình, nội dung tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ cho các cụ. Do đó, lễ tổ chức long trọng, trang nghiêm, thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc, văn hóa vùng, miền, tôn vinh người cao tuổi, nhưng tiết kiệm.
HẢI HƯNG