(LSVN) - Bộ Công an vừa chủ trì biên soạn dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trong đó đề xuất đấu giá biển số xe và chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an là một trong những điểm mới đáng chú ý.
Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB do Hội Luật gia tổ chức, ông Lưu Khắc Quang – Phó trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Hội Luật gia cho rằng: “Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT còn nhiều vấn đề cần giải quyết”. Trong đó có 2 vấn đề chính được ông Quang nêu ra đó là việc đấu giá biển số xe và chuyển giao đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Chưa thuyết phục
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: “Việc chuyển giao như thế này là không có căn cứ pháp lý, về lý luận thì trái với Nghị quyết số 17 ngày 01/8/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Cụ thể, Nghị quyết quy định: Đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lí nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thực hiện chủ trương này phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả.
Theo Thiếu tướng Bộ, nhiệm vụ gì dân sự làm được thì sẽ được phân cho bộ không thuộc Công an, Quân đội để họ có thể tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Theo ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (ATGTQG), lí do an toàn giao thông cũng là một phần của an ninh xã hội mà Bộ Công an đưa ra để chuyển đổi việc sát hạch, cấp GPLX sang cho Bộ Công an là chưa thuyết phục, 2 vấn đề này đều liên quan đến an toàn nhưng không thể vì thế mà đồng nhất thành vấn đề an ninh, an toàn xã hội.
Ông Minh cho rằng, an toàn là mục tiêu của tất cả lĩnh vực trong xã hội, và Bộ GTVT vẫn đang thực hiện rất tốt mục tiêu này. “Quá trình dịch chuyển của người và phương tiện trên một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo một phương án tổ chức giao thông đương nhiên là phải an toàn rồi, chứ không an toàn thì làm sao mà cung cấp cho người dân được”, ông Minh nêu quan điểm.
Đại diện Ủy ban ATGTQG đưa ra dẫn chứng, nhiều trường hợp người tham gia giao thông có những hành vi vượt chuẩn, không tuân thủ đúng quy định, quy tắc giao thông, cần phải xử lý vi phạm, đó là mảng Bộ Công an cần tập trung mạnh, chứ không phải việc dân sự như sát hạch hay cấp GPLX. “Để cho Luật Bảo đảm TTATGTĐB được tốt hơn, Luật này cần tập trung xử lý những hành vi vi phạm, những vấn đề về trật tự an toàn xã hội phát sinh trong vấn đề trật tự an toàn giao thông”, ông Minh góp ý.
Nhiều vướng mắc về mặt pháp lý
Bà Nguyễn Bình Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá, thời gian gần đây Bộ GTVT đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ quản lý giao thông. Thực tế cho thấy khi giao thông ngày càng phức tạp, đòi hỏi đối với phương tiện, con người tham gia giao thông cần chặt chẽ hơn. Sự huy động, vào cuộc của tất cả các cấp các ngành đã được tăng cường, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Công an.
Đối với vấn đề chuyển đổi sát hạch, cấp GPLX, bà Liên đặt ra một số vần đề như việc chuyển đổi như vậy trách nhiệm quản lý nhà nước (thủ tục, cấp phép, gia hạn, hoặc sau này toàn bộ hệ thống quy trình, quy chuẩn Bộ GTVT đã thiết lập...) đặt ra vấn đề Bộ Công an sẽ kế thừa hay thay đổi? Những người dân đã được Bộ GTVT cấp bằng lái liệu sau này có phải học lại, cấp lại không? Có phải bổ túc theo quy trình mới của Bộ Công an không? Các trung tâm đào tạo, sát hạch đã đầu tư, quy hoạch theo quy chuẩn của ngành Giao thông thì bây giờ sang ngành Công an có đổi mới hay không? Có phát sinh chi phí gì khi chuyển đổi không? “Những cái đó 2 ngành phải có đánh giá tác động, vấn đề này hiện nay sẽ đưa ra để Quốc hội xem xét”, bà Liên nhấn mạnh.
Một thực tế đặt ra, đó là khi chuyển việc sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ dẫn đến câu chuyện là hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức, gồm: 600 cán bộ công chức quản lý, 1700 công chức viên chức sát hạch lái xe đang làm tại các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải sẽ phải bố trí công việc như thế nào? Hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe hiện nay đang tiến hành xã hội hóa vẫn làm tốt việc đào tạo của mình. Đồng thời, khi chuyển giao sang Bộ Công an sẽ phải bố trí kinh phí và tổ chức lại hệ thống cán bộ, công chức viên chức để thực hiện công việc được chuyển giao.
Bên cạnh đó, một vướng mắc khác được ông Lưu Khắc Quang đặt ra đó là vấn đề giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ Công an. Chủ thể giám sát Bộ Công an trong trường hợp này là chủ thể nào chưa được quy định rõ.
“Bây giờ chuyển sang cho Bộ Công an làm thì Bộ nào sẽ giám sát bộ Công an? Kiểm soát, giám sát là nguyên tắc của Hiến pháp. Bộ Công an có đầy đủ thẩm quyền để thực hiện, xử lý hành vi vi phạm đối với những trường hợp cấp lỗi và sát hạch lái xe có hành vi tiêu cực. Nhưng Bộ Giao thông thì không có thẩm quyền đó, nếu tất cả các thủ tục từ khâu sát hạch, cấp GPLX đến kiểm tra, thanh tra đều do Bộ Công an đảm nhiệm thì sẽ không có ai đứng ra giám sát Bộ Công an, nếu có tiêu cực xảy ra sẽ không ai xử lý", ông Quang nêu ý kiến.
Theo ông, Bộ GTVT đã và đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong vấn đề trật tự an toàn giao thông. Và việc chuyển nhiệm vụ đào tạo sát hạch GPLX sang bộ Công an không phải vấn đề thuộc an ninh quốc gia, đã được dân sự hóa, 25 năm nay đã giao cho Bộ GTVT làm. Còn trên thực tế xảy ra sai phạm, sai phạm đó không phải do Bộ GTVT mà do các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra, chế tài xử lí đối với chủ thể vi phạm chưa nghiêm. Ông cho rằng, việc chưa cơ quan sát hạch GPLX nào bị buộc đóng cửa do vi phạm là một ví dụ cụ thể của việc sức răn đe của chế tài xử phạt chưa đủ.
Đấu giá biển số xe: Cần nghiên cứu kĩ
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý về đấu giá vì thế cũng đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Theo bà Liên, một phương tiện giao thông có rất nhiều vấn đề như kết cấu, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo độ an toàn, vấn đề môi trường khi kiểm soát khí thải của phương tiện thải ra ngoài không khí,... Cùng một vấn đề, cùng một phương tiện nhưng lại điều chỉnh bởi 2 luật khác nhau để phù hợp với việc phân định chức năng quản lý nhà nước. Ví dụ như Bộ GTVT quản lý việc đăng kiểm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật với phương tiện, còn Bộ Công an quản lý việc đăng ký biển số xe vì gắn liền với việc quản lý phương tiện cũng như tài sản của cá nhân, tổ chức.
“Bộ Công an đã lập đề án trình Chính phủ về việc bán đầu giá biển số xe. Về phía Bộ Tư pháp, nhìn dưới góc độ Luật Đấu giá rất ủng hộ”, bà Liên cho hay. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị Bộ Công an cần giải quyết thấu đáo một số vấn đề còn vướng mắc như có coi biển số xe được đấu giá như một loại tài sản hay không? Sau khi đấu giá xong rồi thì việc chuyển quyền tài sản với biển số đấy như thế nào? Kho số là loại tài sản công, sau khi đấu giá rồi chuyển chủ sở hữu của biển số này thì cá nhân sở hữu có các quyền năng đầy đủ của chủ sở hữu đối với tài sản hay không? Tiền thu được từ việc đấu giá biển số xe này sẽ giải quyết như thế nào? Việc chuyển quyền sở hữu biển số giữa các cá nhân sẽ như thế nào? Rất nhiều những vấn đề được nêu ra cần giải quyết để có thể hoàn thiện quy định của pháp luật sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn", bà Liên nói.
Trước đó, trả lời Tạp chí Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá cao tính khả thi của việc đấu giá biển số xe. Theo ông Hòa, thực tế, xã hội đang có nhu cầu rất cao về việc sở hữu những con số đẹp mà đặc biệt là biển số xe. Việc quy định đấu giá biển số xe vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội vừa góp phần tăng thu Ngân sách nhà nước.
THANH NHUNG