Ảnh minh họa.
Có thể nói rằng, giới Luật sư có đặc điểm là một đội ngũ có trí thức, trình độ và luôn nhanh nhạy trước những cái mới. Bên cạnh đó, giới Luật sư cũng có khả năng nắm bắt, phán đoán các xu thế mới của thời đại rất nhanh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, tiền đề vững chắc để chúng ta thực hiện việc chuyển đổi số đối với hoạt động Luật sư hiện nay.
Từ chủ trương…
Hiện nay, cách mạng 4.0 đã trở thành mục tiêu, định hướng phát triển và hội nhập của Việt Nam trong dòng chảy chung của nhân loại. Trong đó, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh…
Điều này đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận định và có chủ trương, định hướng phát triển ở tầm quốc gia ngay từ khi cuộc cách mạng 4.0 mới bắt đầu manh nha xuất hiện trên toàn cầu.
Cùng với đó, để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.
Tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu và nêu rõ về chủ trương chuyển đổi số tầm quốc gia như sau: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra các tác động chưa từng có và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trên tất các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Đến nhận thức về chuyển đổi số với hoạt động hành nghề Luật sư
Trước hết, phải khẳng định rằng, chuyển đổi số đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số không có một khái riêng đối với mỗi ngành nghề, nhưng có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Do đó, chuyển đổi số đối với hoạt động hành nghề Luật sư cũng tương tự như chuyển đổi số của doanh nghiệp, đối với hoạt động hành nghề Luật sư là cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu (hoạt động của các văn phòng Luật sư, công ty luật hiện nay, ngoài việc được điều chỉnh bởi Luật Luât sư còn được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và những quy định khác liên quan).
Theo chúng tôi, đứng từ góc độ quản lý của mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phải chủ động dẫn dắt các tổ chức cấp dưới và Luật sư thành viên bằng cách số hóa nền tảng quản lý của mình từ việc quản lý hồ sơ Luật sư thành viên đến việc cấp thẻ hoạt động hành nghề Luật sư, sao cho việc tra cứu, kiểm tra và theo dõi các hoạt động của Luật sư thành viên trên một nền tảng điện tử được vận hành một cách thông minh và khoa học (có thể vận dụng theo mô hình Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế thời gian qua). Trên mô hình này, người quản lý hoặc chính các Luật sư thành viên dễ dàng sao chép và in ấn được hồ sơ của chính mình với đầy đủ thông tin, quá trình hoạt động hàng nghề Luật sư, các vụ án đã tham gia tố tụng…
Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động hành nghề Luật sư cũng phải chú ý đến việc quản lý, cấp phát thẻ hành nghề Luật sư. Việc này có thể thực hiện tương tự như đối với việc cấp căn cước công dân có gắn chíp, mã QR Code hoặc việc cấp thẻ nhà báo của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua…
Ngoài ra, mỗi văn phòng Luật sư, công ty luật, cá nhân Luật sư sẽ phải số hóa đối với các dữ liệu của mình trên nền tảng quản lý của riêng, nền tảng quản lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Về cơ bản, việc chuyển đổi số đối với hoạt động hành nghề Luật sư sẽ cần một đơn vị đứng ra cung cấp dịch vụ số hóa ban đầu trên một nền tảng riêng hoặc dùng chung theo yêu cầu. Sau đó, các văn phòng Luật sư, công ty luật hoặc cá nhân Luật sư sẽ số hóa và bảo mật các dữ liệu của mình trong các cơ sở dữ liệu riêng. Sau khi giai đoạn này hoàn thành, việc khai thác các dữ liệu phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý đối với khác hàng sẽ chuyển sang giai đoạn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách các văn phòng Luật sư, công ty luật hoặc cá nhân các Luật sư cung cấp dữ liệu đầu vào để AI phân tích đánh giá và đưa ra đáp số. Từ đó, các văn phòng Luật sư, công ty luật hoặc các cá nhân Luật sư có thể sử dụng kết quả này cùng với những phân tích, đánh giá, nhận định, so sánh, đối chiếu với thực tế để thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khác hàng một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất.
Thực tế xã hội đã cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động của Luật sư đang phải thay đổi, cần hướng tới xử lý trên các nền tảng trực tuyến (online) một cách nhanh chóng (họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến, nộp hồ sơ điện tử,…). Nắm bắt được những nhu cầu này, một số ứng dụng số hóa bước đầu đã được một số đơn vị cung cấp sử dụng miễn phí cho các tổ chức, cá nhân hành nghề Luật sư hoặc chính công dân có nhu cầu và khả năng tự thực hiện các dịch vụ công. Đó là ứng dung đăng ký doanh nghiệp tự động, xét xử trực tuyến, đấu giá trực tuyến, họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến (do Công ty luật TNHH WinLegal và Công ty cổ phần AutoDoc nghiên cứu và phát triển); Chương trình số hóa và chăm sóc khách hàng dành cho các tổ chức, cá nhân hành nghề Luật sư của Công ty Luật ICT...
Hiện thực chuyển đổi số đối với luật pháp trên thế giới và Việt Nam
Có thể thấy, dưới sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, với việc hình thành và phát triển các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (chuỗi khối), big data (dữ liệu lớn), machine learning (học máy), đã diễn ra một làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ pháp lý với gần 2 tỉ USD vào năm 2020 và hơn 4.600 doanh nghiệp hình thành. Sự bùng nổ diễn ra trước tiên ở Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc và chậm hơn ở Liên minh châu Âu.
Nhiều quốc gia đã tiến hành áp dụng chuyển đổi số trong quy trình tố tụng. Tại Mỹ, cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) được triển khai trong việc giải quyết các tranh chấp đơn giản như vi phạm giao thông, các vụ kiện nhỏ, các tranh chấp liên quan đến án hôn nhân gia đình.
Tòa án Pháp sử dụng hệ thống E-Barreau, các bên liên quan có thể truy cập dữ liệu liên quan đến quá trình tố tụng xử lý các vụ kiện. Tại Đức, việc nộp đơn kiện có thể thực hiện qua hệ thống chính quyền điện tử của chính phủ, hộp thư điện tử bảo mật của tòa án hoặc thông qua bản fax. Tòa án Singapore cũng cho phép các đương sự, Luật sư của họ có quyền nộp hồ sơ đơn kiện qua hệ thống online, thông qua tài khoản đăng ký được cấp riêng cho các Luật sư của các hãng luật hoạt động trong nước. Tòa án xem xét đơn kiện, án phí nộp online và phản hồi thông qua tài khoản điện tử này.
Bên cạnh tòa án, nhiều trung tâm trọng tài cũng đã ban hành bộ quy chế về thụ lý và giải quyết tranh chấp online để quá trình tố tụng trọng tài được nhanh chóng và chính xác hơn.
Thực tế tại Việt Nam, khung pháp lý về “chuyển đổi số” trong quá trình tố tụng cũng đã có nhưng chưa trở nên phổ biến. Cụ thể, Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã chỉ ra có cơ chế cho phép đương sự được thực hiện nộp đơn khởi kiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án. Điều 191 cũng quy định cách thức tiếp nhận, xử lý đơn và phản hồi kết quả xử lý cho người nộp đơn thông qua cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên đến nay, ngoài việc chấp thuận thụ lý đơn khởi kiện nộp qua bưu tín có bảo đảm, việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống cơ quan tư pháp xét xử của Việt Nam. Việc tống đạt văn bản tố tụng, triệu tập qua phương tiện điện tử cũng chưa được tòa án các cấp áp dụng, chấp nhận ngay cả khi có yêu cầu từ đương sự. Hiện việc nộp đơn trực tuyến được thực hiện tại trang web của Tòa án nhân dân tối cao (https://nopdonkhoikien.toaan.gov.vn/) và người nộp đơn phải có chữ ký điện tử, một hình thức giao dịch điện tử vẫn chưa được phổ biến trong ngành tư pháp.
Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ quá trình phát triển của công nghệ. Các công ty luật Việt Nam, trong nhiều năm qua, đã chứng kiến sự phát triển thần tốc từ các công ty luật ở Trung Quốc, cả về số lượng Luật sư, doanh thu và quy mô. Tuy nhiên, công nghệ cũng tạo ra các vấn đề, như việc thay thế con người trong quá trình hành nghề luật, từ đó, Luật sư phải tìm một chỗ đứng mới trong thời kỳ này. Ở Việt Nam hiện nay, đã có các doanh nghiệp theo xu hướng áp dụng các công nghệ đột phá trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý (đăng ký doanh nghiệp tự động WinLegal; Chương trình số hóa và chăm sóc khách hàng Công ty Luật ICT), nhưng chỉ là ở bước đầu như thu thập, tạo cơ sở dữ liệu, chứ chưa đạt đến trình độ phân tích và đưa ra các dự báo như các hệ thống học máy ở các quốc gia phát triển.
Ứng dụng Đăng ký doanh nghiệp tự động WinLegal do Công ty luật WinLegal nghiên cứu, đưa vào khai thác và được tích hợp ngay trên website Winlegal.vn. Theo đó, app AutoDoc có tính năng tự động soạn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo các yêu cầu cụ thể của chủ doanh nghiệp và có các ưu thế vượt trội như sau: giao diện thực hiện thao tác đơn giản, dễ hiểu (không cần chuyên viên có kiến thức pháp luật); thao tác nhập dữ liệu ít nhất (áp dụng công nghệ AI hướng tới quét, chuyển file); cửa sổ kiểm tra dữ liệu thuận tiện; thời gian soạn thảo hồ sơ chỉ bằng 10% so với cách làm truyền thống; tỉ lệ hồ sơ hợp lệ xử lý trong thời gian quy định hành chính đạt 90%. Ứng dụng (app AutoDoc) soạn hồ sơ tự động, nộp hồ sơ online, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, đăng ký trả hồ sơ tại trụ sở đáp ứng và tích hợp tốt với Cổng thông tin điện tử quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, app AutoDoc cũng hướng tới tiện ích tối đa cho các đối tượng sử dụng như cá nhân, doanh nghiệp, công ty dịch vụ tư vấn, phòng ĐKKD các địa phương… Theo đánh giá chung của nhiều người sử dụng ứng dụng Đăng ký doanh nghiệp tự động WinLegal (app AutoDoc) thời gian qua: Ứng dụng (app AutoDoc) có giao diện đơn giản, thân thiện; dễ dàng sử dụng theo hướng dẫn; thông tin cần kiểm tra ngắn gọn, súc tích; thời gian soạn thảo theo form mẫu hồ sơ chuẩn và được rút ngắn rất nhiều sơ với cách làm truyền thống; được cộng đồng doanh nghiệp đưa vào sử dụng rộng rãi và góp phần vào sự phát triển của dịch vụ hành chính công trong thời kỳ cách mạng 4.0. |
TUẤN TRUNG