Ảnh minh họa.
Mới đây, thông tin từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&H) cho biết, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn diễn biến vô cùng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động.
Cụ thể, theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tình trạng mại dâm trá hình, biến tướng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là mại dâm trá hình dưới hình thức “hợp đồng” nhận con nuôi, bố nuôi ngày càng phổ biến. Theo đó, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín khác nhau để trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận thực hiện hành vi mua bán dâm hay như thời gian gần đây liên tục xuất hiện các đường dây bán dâm có mạng lưới liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đáng chú ý trong đó là vụ việc lực lượng Công an triệt phá đường dây mua bán dâm nghìn USD của các tiếp viên hàng không đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.
Trước thực trạng nêu trên, dư luận thắc mắc, về việc xử lý hình sự người môi giới mại dâm đã được luật hóa, nhưng tại sao hiện nay cơ quan chức năng không công khai danh tính người mua dâm để hạn chế tình trạng này? Và xử lý về hành vi mua bán dâm thế nào theo quy định pháp luật?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Còn tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, tại Điều 72, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) quy định rõ, chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả, gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Như vậy, việc xử phạt hành chính về hành vi mua dâm, bán dâm không thuộc trường hợp cơ quan chức năng được phép công khai quyết định xử phạt.
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) cũng quy định xử phạt hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó tại điểm i, khoản 3, Điều 8 với mức phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền bằng 1/2 mức quy định và buộc cơ quan báo chí xin lỗi, gỡ bỏ thông tin vi phạm đã đăng, phát.
Đối với ý kiến cho rằng cần công khai danh tính người mua bán dâm nhằm cảnh báo cho người khác và gián tiếp khuyến cáo không nên có thêm bất cứ trường hợp nào tương tự. Luật sư nhấn mạnh, việc làm này không phù hợp với quy định pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác.
Nếu muốn ngăn chặn và giảm thiểu đi các trường hợp vi phạm về việc bán dâm thì cơ quan chức năng có thể áp dụng những biện pháp khác như thông báo về đơn vị làm việc của người đó để xem xét kỷ luật tại đơn vị hoặc thông báo về người thân, gia đình để giáo huấn, giúp các đối tượng suy nghĩ lại và không tiếp tục hành vi trên.
Cũng theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 3, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003, hành vi mua dâm, bán dâm được quy định hành vi bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Còn hành vi mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Điều 4, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003 quy định mua dâm, bán dâm là những hành vi nghiêm cấm thực hiện.
Bên cạnh đó, về chế tài xử lý người mua dâm hiện nay, căn cứ Điều 22, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003, người có hành vi mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Theo đó, Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua dâm, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Trong trường hợp người mua dâm người dưới 18 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 329, Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Mua dâm người dưới 18 tuổi". Cụ thể, người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi (trừ trường hợp giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi) thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt tối đa đối với người có hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi nêu trên là từ 03 năm đến 07 năm tù giam. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 148, Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 07 năm tù giam.
QUÝ NGUYÊN
Cần đảm bảo tính răn đe trong xử lý các hành vi xâm phạm, mua bán thông tin cá nhân