Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, về điều kiện hưởng BHXH một lần, tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định người lao động mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
"a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế".
Về ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp BHXH, tại khoản 6 Điều 18 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.
Về thủ tục hồ sơ để hưởng BHXH một lần, việc ủy quyền nộp hồ sơ nhận BHXH một lần theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam, hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm sổ BHXH và đơn đề nghị theo Mẫu số 14-HSB.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 4339/LĐTBXH-BHXH ngày 16/10/2018: Trường hợp người lao động ủy quyền cho người khác ký đơn đề nghị hưởng BHXH một lần không có trong quy định của pháp luật về BHXH thì áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết (như Điều 134 về đại diện, Điều 138 về đại diện theo ủy quyền, Điều 141 về phạm vi đại diện...). Trường hợp người lao động không đến nhận trực tiếp kết quả: Người đến nhận thay phải có giấy ủy quyền (Mẫu số 13-HSB) hoặc bản chính hợp đồng ủy quyền.
PV