Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Trong marketing và truyền thông, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm mang lại những hiệu quả nhất định, giúp cho thương hiệu quảng bá rộng rãi hơn đến khách hàng,tăng doanh số bán hàng rất lớn. Tuy nhiên hiện nay không hiếm những trường hợp người nổi tiếng quảng cáo quá lời, quá công dụng, sai sự thật. Tình trạng người nổi tiếng (diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ), người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) tham gia quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Trong đó, không ít sản phẩm còn nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.
Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xem là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính thuộc vào nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể thấy pháp luật về cạnh tranh không quy định cụ thể về hành vi quảng cáo sai sự thật, nhưng có thể thấy nếu hành vi quảng cáo đó đưa ra thông tin gian dối (sai sự thật) nhằm thu hút khách hàng thì vẫn thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm mà Luật Cạnh tranh điều chỉnh.
Để có thể xác định cụ thể mức độ xử lý đối với việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng thì cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP (Nghị định này có hiệu lực vào ngày 01/6/2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, cụ thể khoản 5 Điều 51 Nghị định này quy định:
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 68, điểm c khoản 3 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 72, điểm b khoản 1 Điều 75 và khoản 1 Điều 78 Nghị định này; b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 68, điểm a khoản 3 Điều 69 và khoản 4 Điều 70 Nghị định này; c) Quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo; … |
Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (thay thế Nghị định 158/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 01/6/2021, đã nâng mức xử phạt.
Điều 34. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này. |
Cần lưu ý mức phạt tiền ở quy định này là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7, Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP như: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; Buộc cải chính thông tin.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc bị kết án về tội "Quảng cáo gian dối", chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Quảng cáo gian dối" theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.
Trong trường hợp khách hàng xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.
Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH
Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
Pháp luật chưa có quy định cụ thể việc sử dụng logo, giấy phép ra vào trụ sở các cơ quan