Công an TP. Hồ Chí Minh đã được giao nhiệm vụ cấp in gửi lại giấy đi đường có chữ ký, đóng dấu cho cơ quan đầu mối là các sở, ngành. Sở, ngành sau đó sẽ gửi lại cho các cơ quan, đơn vị để chuyển lại cho cán bộ, nhân viên nằm trong nhóm các đối tượng được phép ra đường theo công văn 2800, 2850 của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Số giấy đi đường được cấp hiện đã đạt con số hơn 80.000 giấy. Số lượng giấy cấp cho nhóm 3A (nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối) chiếm hơn 1/2 tổng số giấy được cấp ra.
Nhóm 3A do Sở Công thương chủ trì quản lý, cấp giấy và được phép hoạt động từ 6h đến 18h mỗi ngày trong địa bàn một quận, huyện.
Công an thành phố chỉ quản lý lượng giấy cấp ra bao nhiêu, cấp cho đơn vị nào, trong giấy có quy định một số nội dung về kỹ thuật để quản lý, có mã QR để người sử dụng quét và khai báo thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Với giấy đi đường do Công an TP. Hồ Chí Minh phát hành, trên giấy có hiển thị đầy đủ họ tên, địa chỉ và đơn vị công tác. Lực lượng làm nhiệm vụ chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR khai báo y tế, thông tin của người đi đường sẽ được hiển thị toàn bộ.
Việc kiểm tra sẽ nhanh chóng hơn so với trước đây. Đặc biệt, việc tiếp xúc trực tiếp với người đi đường sẽ được hạn chế, đảm bào an toàn về phòng dịch.
Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã có hướng dẫn về việc kiểm tra giấy đi đường tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trong nội đô thành phố.
Theo hướng dẫn này, các xe vận tải hàng hoá mà không được cấp mã QR thì lái xe và người đi cùng phải có giấy đi đường theo quy định.
Các shipper đang hoạt động tại các quận huyện được cho phép, cũng sẽ bị kiểm tra giấy đi đường và không được đi liên quận.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ 18h đến 6h hôm sau sẽ tạo điều kiện lưu thông cho các ngành lao động đặc thù, tuy nhiên, phải có đầy đủ giấy đi đường cùng giấy xác nhận phân công công tác vào khung giờ này.
VĂN QUANG