Xe dù cứu thương, ngang nhiên hoạt động?
Theo phản ánh, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thường xuyên xuất hiện gần 10 xe ô tô cứu thương của tư nhân không được Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp phép để vận chuyển cấp cứu nhưng vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng, ngang nhiên ra vào đưa đón bệnh nhân chuyển viện.
Tại đây, đội quân xe dù 115 có mặt khắp các nơi trong Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để chèo kéo, đưa đón bệnh nhân. Không chỉ vậy, đội ngũ xe không phép này còn tranh giành bệnh nhân với các xe cứu thương của Bệnh viện.
Xe dù cứu thương ngang nhiên hoạt động tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Đặc điểm các xe cứu thương giả là của các xe tư nhân, tự trang bị còi hú, đèn ưu tiên, dán chữ thập đỏ để “hợp thức hoá” thành xe cứu thương. Có người còn cho rằng đây là đội ngũ xe “bốn không”, gồm: Không có giấy phép hành nghề y tế, không có trang thiết bị cấp cứu tối thiểu, không có nhân viên y tế chăm sóc, hộ tống và không có bảng giá cước phí công khai, ổn định…
Tệ hại hơn, phần lớn các xe này là những chiếc xe giá rẻ được mua về sửa chữa, lắp một số thiết bị cứu thương như: Cáng, bình oxy, dán hình chữ thập đỏ, còi đèn ưu tiên để hoạt động nhằm đánh lừa người nhà bệnh nhân với chất lượng thấp kém, rất dễ mất an toàn cho người bệnh.
Việc xe cứu thương giả lộng hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nói riêng không những đe dọa về sự an toàn đến tính mạng của người cấp cứu, kinh tế của gia đình bệnh nhân mà gây hiểu nhầm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín về chất lượng dịch vụ chung của ngành y tế. Ngoài ra, còn thể hiện buông lỏng trong việc quản lý và trách nhiệm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Có buông lỏng quản lý?
Xe cứu thương 47B – 021.37 đậu đỗ và đưa đón bệnh nhân trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Việc các xe dù cứu thương này ngang nhiên hoạt động một cách công khai tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên gây hoài nghi cho dư luận đó là sự buông lỏng quản lý của Bệnh viện. Bên cạnh đó, các xe dù cứu thương này hoạt động chui không chịu sự quản lý các cấp có thẩm quyền, không đóng các khoản thuế, phí. Nguy hại hơn, khi sự cố có xảy ra thì sự thiệt thòi lại nằm về phía gia đình nạn nhân.
Theo thông tin người dân phản ánh, hằng ngày tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có rất nhiều xe cứu thương hoạt động ra vào. Điều đáng nói, một số chiếc xe cứu thương là của cán bộ, nhân viên của Bệnh viện này. Đơn cử như chiếc xe cứu thương mang biển kiểm soát 47B - 021.37 được đậu đỗ trong khuôn viên Bệnh viện và đưa đón bệnh nhân như những xe cứu thương được cấp phép?
Chiếc xe 47B – 027.03 đang đón bệnh nhân. Ảnh: Cắt từ clip.
Hay chiếc xe cứu thương mang biển kiểm soát 47B - 027.03 tự trang bị đèn ưu tiên, còi hú, logo cấp cứu cũng ngang nhiên hoạt động một cách công khai tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Được biết, chiếc xe dù cứu thương này của một người có biệt danh “Linh Cò”.
Luật sư Nguyễn Quốc Bảo, Công ty Luật TNHH MTV Phúc An Phát, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk.
Điều kiện hoạt động của xe cứu thương
Trao đổi về các vấn đề trên với Luật sư Nguyễn Quốc Bảo, Công ty Luật TNHH MTV Phúc An Phát, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT/CA-QP-YT-GTVT-KHCN, xe cứu thương bao gồm: Xe cứu thương của tất cả các bệnh viện (công lập và tư nhân), xe cứu thương của các trung tâm cấp cứu 115 các tỉnh, thành phố làm nhiệm vụ chuyên trách về hoạt động cấp cứu ngoại viện. Việc cấp phép và kiểm tra, giám sát hoạt động của xe cứu thương phải được tuân thủ theo quy định của Bộ y tế như cho các cơ sở hành nghề y & dược, cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất (máy móc trên xe, phương tiện đảm bảo…) và được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, tại Điều 2, Thông tư số 27/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương quy định:
"a) Có thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, còi phát tín hiệu ưu tiên. Việc cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Có bảng thông tin về đơn vị sử dụng được thể hiện ở hai bên cánh cửa lái chính và cửa lái phụ của xe ô tô cứu thương có kích cỡ tối thiểu (chiều cao: 45cm, chiều rộng: 50cm), trong đó đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về thông tin sau đây:
- Logo đơn vị sử dụng xe (nếu có): Kích cỡ tối thiểu (chiều cao: 18cm, chiều rộng: 18cm).
- Tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này.
- Số Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Bố cục của bảng thông tin về đơn vị sử dụng được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tiêu chuẩn đối với trang thiết bị bên trong xe ô tô cứu thương:
a) Cáng chính: Loại trượt, có dây đai an toàn, có bánh xe;
b) Ghế cho nhân viên y tế;
c) Tấm nhựa lót sàn xe: Chống trơn trượt, dễ vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng;
d) Đèn chiếu sáng trong xe (phục vụ cấp cứu người bệnh);
đ) Móc treo dịch truyền;
e) Ổ cắm điện 12V;
g) Hộc, giá, kệ, tủ đựng chuyên dụng để lắp đặt trang thiết bị y tế kèm theo của hệ thống ô xy, các trang thiết bị y tế, đựng thuốc, y dụng cụ cấp cứu bảo đảm thuận tiện khi thao tác, vận hành và dễ dàng vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng.
h) Búa thoát hiểm;
i) Trường hợp một kíp cấp cứu ngoại viện thì trên xe ô tô cứu thương phải bảo đảm cơ số thuốc và trang thiết bị y tế theo quy định tại Quyết định số 3385/QĐ-BYT ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Danh mục vali thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương;
k) Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế, yêu cầu về mặt chuyên môn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể trang bị thêm trang thiết bị y tế cần thiết khác để phục vụ chuyên môn, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc và dụng cụ phục vụ người bệnh".
MINH CHỈNH – TRẦN SƠN
Hà Tĩnh: Cần làm rõ việc đã cung cấp đủ hồ sơ nhưng không được khôi phục chế độ thương binh