/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Đạo đức là nền tảng cơ bản của người Luật sư

Đạo đức là nền tảng cơ bản của người Luật sư

13/02/2023 08:15 |

(LSVN) - Là người thực hành pháp luật, Luật sư phải là người tuân thủ pháp luật, tuyệt đối không làm bất cứ việc gì gây ảnh hưởng đến tính độc lập, liêm chính và uy tín của nghề Luật sư. Chính vì lẽ đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư chính là nền tảng cơ bản của người Luật sư khi hành nghề cũng như trong giao tiếp ứng xử.

Ảnh minh họa.

Quy tắc đạo đức đầu tiên và trên hết đó chính là người Luật sư cần phải nắm rõ sứ mệnh cao cả của mình. Theo Quy tắc 1, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định sứ mệnh của Luật sư như sau: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Cũng giống như mỗi người được sinh ra đều có quê hương, nguồn cội, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được ví như là gốc rễ, là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Luật sư hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật, bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp và uy tín của mình, có trách nhiệm bảo vệ công lý, công bằng và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Do vậy, để hành nghề Luật sư, trước hết phải xuất phát từ một nền tảng đạo đức. Nếu không xuất phát từ nền tảng này thì Luật sư khó có thể có ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật khi hành nghề. Chính vì thế, khác với một số ngành nghề thông thường, ngoài các quy chuẩn đạo đức chung, người Luật sư phải tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam để làm chuẩn mực cho cách ứng xử, rèn luyện trong quá trình hành nghề Luật sư và là công cụ để Luật sư hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Theo Quy tắc 2, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nêu rõ: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.

Như vậy, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan là một trong các đức tính cơ bản và cần thiết nhất của người Luật sư. Để duy trì và phát huy các đức tính đó, người Luật sư phải luôn tự rèn luyện bản thân, có tinh thần thượng tôn pháp luật và hướng tới bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong xã hội; biết nhìn nhận và khắc phục những thiếu sót; thường xuyên trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Có như thế, người Luật sư mới xây dựng được hình ảnh cá nhân tốt đẹp, uy tín cùng với cái tâm trong sáng, khách quan.

Bên cạnh đó, theo Quy tắc 3, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: 

“3.1. Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với Luật sư và nghề Luật sư.

3.2. Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề luật sư”.

Đặc thù của nghề Luật sư là nghề nghiệp có tác động rất lớn đến xã hội, vì trong mỗi hoạt động hành nghề của mình, Luật sư đã tác động đến việc bảo vệ và duy trì trật tự, công bằng của xã hội. Chính vì thế, nghề Luật sư có nhiều khả năng phát sinh các vấn đề về đạo đức và cách ứng xử. Sự phản ánh của xã hội chính là thước đo tính đạo đức và uy tín của người Luật sư. Do vậy, trong quá trình hành nghề, người Luật sư phải luôn mẫu mực và tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bởi lẽ người Luật sư không chỉ có trách nhiệm với bản thân, gia đình mà còn có trách nhiệm với xã hội, với Nhà nước và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư.

THANH THỊNH

Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp

Bùi Thị Thanh Loan