Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS.
Kính thưa đoàn Chủ tịch cùng toàn thể Hội nghị,
Kính thưa các Quý vị Đại biểu,
Trước hết, xin được cảm ơn Chủ tịch Quỹ VIFOTEC Việt Nam và ban Tổ chức Hội nghị đã tạo điều kiện để Tập đoàn GFS và Viện Công nghệ GFS tham dự Hội nghị “Sáng tạo Khoa học công nghệ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”; thay mặt Tập đoàn GFS, Viện Công nghệ GFS, Tôi xin được trình bày Bài tham luận về đầu tư phát triển KHCN để đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất- kinh doanh tại doanh nghiệp nói chung và một số kết quả về đầu tư KHCN tại Tập đoàn GFS.
Kính thưa Hội nghị
Trong suốt hành trình gần 25 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn GFS luôn nhận thức rằng: KHCN là chìa khóa mở ra chân trời mới để doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh, KHCN là động lực để phát triển phát triển toàn diện xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Đầu tư phát triển khoa học và Công nghệ là đầu tư cho tương lại của chính doanh nghiệp.
I. Đầu tư phát triển KHCN để đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất- kinh doanh tại doanh nghiệp
1. GFS cho rằng: Đầu tư cho KHCN là con đường tất yếu của doanh nghiệp.
Công nghệ được xác định là một trong 5 yếu tố cấu thành tăng trưởng kinh tế, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế. Việc đầu tư cho KHCN đang là xu thế tất yếu và chính KHCN đã đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trên thế giới, thống kê Top 10 tỷ phú giàu nhất năm 2021 đều là lãnh đạo các doanh nghiệp đi đầu về công nghệ như Elon Musk người đang nỗ lực cách mạng hóa giao thông vận tải trên Trái đất, thông qua nhà sản xuất ô tô điện Tesla – và trong không gian, thông qua nhà sản xuất tên lửa SpaceX; hay Bill Gates người sáng lập Microsoft…
Hay như dịch Covid - 19 vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy: Những doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN, triển khai công nghệ mới, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới lại là những doanh nghiệp ít bị tổn thương nhất, đó là các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, sản xuất các sản phẩm sinh học, các loại vacxin như Pfizer hoặc Astrazeneca, khẩu trang y tế,…
Về đầu tư cho KHCN: Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu như trước đây, tỷ lệ đầu tư cho KHCN giữa nhà nước và doanh nghiệp là 70-30 (tức là 70% đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đầu tư 30% thì nay tỷ lệ này đã là 50-50. Trên thực tế doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho KHCN và tỷ lệ này chắc chắn sẽ còn tiếp tục cao hơn trong thời gian tới. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
2. Cơ hội và thách thức trong đầu tư KHCN tại doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ KHCN: Tính đến hết tháng 11 năm 2020, Việt Nam có 538 doanh nghiệp (chỉ chiếm 10,8 % trên tổng số 5.000 doanh nghiệp dự kiến đến hết năm 2020) được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DNKHCN), trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học (39,3%), công nghệ tự động hóa (21,3%), công nghệ thông tin (16%). Nếu phân loại theo vốn chủ sở hữu thì 97,7% DNKHCN đã được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN thuộc doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN hoạt động thực sự có hiệu quả còn khá khiêm tốn.
Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng và phát triển KHCN, trong đó có Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTC-BKHCN ngày 28/6/2016 Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về Hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế để tự đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất- kinh doanh.
Tuy nhiên, có một thực tế là: Tại sao phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để chủ động đầu tư, phát triển KHCN tại doanh nghiệp?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung tại một số điều sau:
1. Một số quy định về mức hỗ trợ, thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (nêu trên) khi áp dụng cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân) còn phức tạp, khó thanh quyết toán nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với nguồn quỹ này.
2. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ sử dụng Quỹ dành cho KHCN để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu mà chưa thể sử dụng Quỹ này để đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất của chính doanh nghiệp, trong khi đây là vần đề cốt lõi để DN đổi mới sáng tạo, chủ động đầu tư KHCN để phát triển sản xuất - kinh doanh.
3. Đổi mới công nghệ là nhu cầu sống còn của nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng để đổi mới công nghệ là rất khó khăn (nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiêp) do quy định bắt buộc về điều kiện tài sản bảo đảm đầu tư. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư, đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật.
4. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy: Phần lớn chưa dễ chấp nhận sự rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp,
5. Chưa tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các Viện, trường đại học và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ nên chưa thu hút được nguồn chất xám cùng tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại doanh nghiệp, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước khi doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm của KHCN do doanh nghiệp sản xuất.
II. Một số kết quả bước đầu về việc đầu tư KHCN, thực hiện đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xây dựng tại Tập đoàn GFS
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của KHCN đối với doanh nghiệp, năm 2015 Tập đoàn GFS đã chủ động đề xuất tới Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập Viện Công nghệ GFS, Viện GFS đã là nơi hội tụ và đóng góp trí tuệ quý của nhiều Chuyên gia cao cấp về KHCN trong nước và quốc tế.
Với trên 40 sáng chế, giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng do Viện sở hữu, Viện công nghệ GFS đã và đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ xây dựng của Tập đoàn GFS, như:
1. Nghiên cứu sử dụng tro bay thải từ nhà máy nhiệt điện để sản xuất tấm Panel sàn và tường phục vụ nhu cầu xây dựng nhà lắp ghép theo công nghệ mới.
Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu và phối hợp với Công ty TNHH Sông Đà Cao Cường sản xuất thành công tấm Panel sàn, Panel tường bê tông AAC sử dụng 70% là tro bay đã tuyển nổi từ tro xỉ xả thải của nhà máy Nhiệt điện thay cho nguyên liệu cát nghiền.
Sản phẩm đạt TCCL của Đức (DIN EN 12602:2016), với một số ưu điểm nổi bật: Trọng lượng nhẹ (700 kg/m3); chịu tải cao (1.000 kg/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, có thể giảm ~ 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000 m2 sàn/ năm, đáp ứng tốt các yêu cầu công nghệ xây dựng các công trình nhà ở dân dụng và nhà công nghiệp.
2. Ứng dụng công nghệ tiền chế để xây dựng khu một số khu Thiết chế công đoàn và nhà xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp
Công nghệ xây dựng trên thế giới cũng đang phát triển với tốc độ quá nhanh, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, hiện đại với diện tích xây dựng rất lớn chỉ trong vài ngày, vài tuần tại Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc,... bằng công nghệ lắp ghép các cấu kiện bê tông đúc sẵn, các Module đã hoàn thiện ở quy mô công nghiệp đã là hiện thực và giờ đây ngành xây dựng Việt Nam không thể đứng ngoài “sân chơi” này.
GFS đã phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại cấu kiện bằng vật liệu mới đạt TCCL trong xây dựng nhà tiền chế.
GFS sẽ sử dụng công nghệ tiền chế với tấm panel sàn, panel tường sản xuất từ 70% tro bay nhà máy nhiệt điện để xây dựng các nhà ở cao tầng chất lượng cao, đảm bảo thẩm mỹ và giá thành cạnh tranh tại các Khu thiết chế Công đoàn tại: Hưng Yên, Nam Định và Khánh Hòa với quy mô 2.500 – 4.000 công nhân/ khu thiết chế và theo tính toán của Chuyên gia: Tổng chi phí xây dựng có thể giảm đến 20% do rút ngắn được khoảng 20-25% tiến độ thi công; giảm được 35-40% số lượng công nhân tại hiện trường.
3. Sản xuất cấu kiện chắn sóng làm bằng bê tông Geopolymer (Bê tông xanh không sử dụng xi măng).
Năm 2021, GFS đã nghiên cứu và sản xuất thành công cấu kiện chắn sóng bằng bê tông Geopolymer từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện, không dùng xi măng, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đủ điều kiện thay thế cấu kiện bê tông xi măng, cát, sỏi hiện nay.
4. Một số kinh nghiệm ban đầu về đầu tư KHCN và đổi mới sáng tạo tại GFS
Qua thực tiễn sản xuất và kinh doanh, Tập đoàn GFS nhận thức rằng:
4.1. Việc đầu tư nghiên cứu, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp là xu thế tất yếu, phải được coi trọng.
4.2. Mô hình Viện KHCN gắn liền doanh nghiệp tư nhân để giải quyết các nhiệm vụ chiến lược của mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp, thực hiện đổi mới sáng tạo là hướng đầu tư đúng, là động lực thu hút các Chuyên gia giỏi đến làm việc và cống hiến trí tuệ vì sự phát triển của chính doanh nghiệp.
III. Một số đề xuất của Tập đoàn GFS với VUSTA và VIFOTEC
1. VUSTA đã và đang là nơi hội tụ nhiều chuyên gia KHCN hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đây là nguồn tiềm lực KHCN rất qúy rất cần được VUSTA tập hợp trong một “Ngân hàng Chuyên gia quốc gia” để giới thiệu, kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để phát triển sản xuất - kinh doanh.
2. Với vai trò, trách nhiệm tư vấn, phản biện độc lập, VUSTA có thể chủ động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách về đầu tư, ứng dụng và phát triển KHCN trong doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân), giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn khi quyết định đầu tư KHCN, đổi mới sáng tạo, chủ động sản xuất được các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao, và khi đó giải thưởng VIFOTEC sẽ mãi là niềm tự hào của khoa học-công nghệ Việt Nam.
Xin trân trọng cám ơn.
Thạc sĩ NGUYỄN HỒNG HẠNH
Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS