Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh), Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là chương trình tiêm chủng miễn phí bắt buộc, dành cho trẻ em. Những năm trước, chương trình thường gặp phải các trường hợp là "đứt hàng, gãy hàng", không có vaccine, hoặc phải thuyết phục phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm. Trong thực tế cũng đã có những vụ việc xảy ra với vaccine Quinvaxem, khi một số cháu tiêm loại vaccine này đã tử vong. Đối với vaccine dịch vụ, khi hết hàng thậm chí có những phụ huynh phải đưa con ra nước ngoài để tiêm chủng.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vừa qua chúng ta đã rất nỗ lực để bao phủ, giữ được ổn định và lấy được niềm tin của người dân. Tuy nhiên, 4 tháng nay, tình trạng hết vaccine tiêm chủng mở rộng không chỉ xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhìn nhận nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đánh giá đó là do công tác lập kế hoạch, điều hành. Theo Đại biểu, vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là một mặt hàng đặc biệt, không phải mặt hàng bình thường để tiến hành đấu thầu riêng lẻ. Mọi năm, chúng ta bảo đảm được bằng cách tập trung tất cả nhu cầu về vaccine và tiến hành đấu thầu tại Bộ Y tế. Tuy nhiên, năm 2022 có sự thay đổi với giải thích là do thay đổi nguồn ngân sách. Theo đó, thay vì ngân sách trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia, nay lại chuyển về cho ngân sách địa phương, từ đó, Bộ Y tế đề nghị địa phương tự đấu thầu.
Cũng theo Đại biểu, việc đấu thầu này không khả thi bởi cách làm này là chia nhỏ ra 63 tỉnh, thành phố để đấu thầu. Trong khi đó, mặt hàng này nên đàm phán giá, nên đấu thầu tập trung quốc gia để tiết kiệm và cũng dễ dàng hơn cho nhà cung ứng.
Theo đó, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, phải thực hiện được mục tiêu là có thuốc chất lượng nhất và giá cả hợp lý nhất. Do vậy, phải tăng cường hình thức đàm phán giá, đấu thầu tập trung ở mức độ quốc gia. Đối với vaccine, chương trình tiêm chủng mở rộng này đáp ứng tất cả những tiêu chí để có thể đàm phán giá ở mức độ quốc gia. Vaccine mua với số lượng rất lớn, nếu mua tập trung sẽ tiết kiệm được rất nhiều và nếu mua tập trung với kế hoạch rõ ràng thì các công ty sản xuất sẽ có thời gian sắp xếp kế hoạch cung cấp vaccine cho phù hợp.
Băn khoăn tính khả thi trong vấn đề lưu trữ vaccine do liên quan đến những điều kiện đặc biệt như điều kiện về nhiệt độ, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng nêu câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu để 63 địa phương tự đấu thầu với từng hợp đồng riêng lẻ, với các phương thức tiêm chủng mở rộng khác nhau. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nếu bệnh nhi vì lý do nào đó mà ở địa phương này tiêm mũi 1, sau đó phải sang địa phương khác tiêm mũi 2 và hai mũi không cùng một loại vaccine thì rất có thể không bảo đảm an toàn.
"Bộ Y tế viện cớ về ngân sách để đùn đẩy về cho các địa phương đấu thầu là không hợp lý. Nếu như Bộ Y tế không làm thì có nghĩa là Bộ Y tế trốn tránh trách nhiệm", Đại biểu cho biết.
Khẳng định cần lựa chọn một số mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, giải pháp tốt nhất là Bộ Y tế đứng ra đàm phán giá hoặc đặt hàng sản xuất thuốc với số lượng lớn, số lượng của toàn quốc, rồi tiếp tục dự trữ, sau đó vẫn làm như cũ, chỉ có điều là ngân sách chi trả sẽ do các địa phương. Vấn đề này không phải bây giờ mới thấy, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế là phải làm lại như mọi năm, chỉ khác là nguồn chi.
"Ngân sách không phải là lý do chính đáng để đẩy về địa phương và các địa phương đang rất bị động. Tôi thấy là vẫn chưa có địa phương nào tiến hành đấu thầu để có thể mua vaccine này. Còn Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Nhưng mỗi ngày trôi qua là nguy cơ càng lớn và kết quả là vẫn chưa có vaccine cho các cháu bé. Tôi nghĩ cần một sự quyết liệt trong việc này", Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.
QUÝ MINH
Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó