Ảnh minh hoạ.
Góp ý dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), VCCI cho biết, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Thực tế cho thấy, VCCI đã nhiều lần đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 8% và xăng E10 7%; dầu không phải chịu loại thuế này.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng mặt hàng điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ...
MINH ÁNH
Bộ Y tế tiếp tục gia hạn thêm 626 thuốc để phục vụ đấu thầu, mua sắm