/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất 6 chính sách mới về sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Đề xuất 6 chính sách mới về sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

28/09/2023 15:44 |

(LSVN) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất 6 chính sách mới về sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất 6 chính sách gồm:

Chính sách 1: Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp với mục tiêu xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ", bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Chính sách 2: Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhằm quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.

Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp với mục tiêu tối đa hóa giá trị cho xã hội thông qua phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng.

Chính sách 3: Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, quy định cụ thể, phân cấp rõ trong Luật để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Việc đầu tư của doanh nghiệp thực hiện thống nhất trong Luật này và quy định rõ quy trình, trình tự được điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp so với pháp luật đầu tư hiện hành.

Chính sách 4: Về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chính sách 5: Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng.

Chính sách 6: Về quản trị doanh nghiệp: Xác định một số nội dung về quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế.

Nhà nước thực hiện tăng cường công tác giám sát đối với Tập đoàn kinh tế trong hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ.

Theo đó, thực hiện phân công của Chính phủ và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức đánh giá tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật số 69/2014/QH13). Luật số 69/2014/QH13 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi.

Quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Cụ thể như phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thực tế trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ yếu thực hiện dưới hình thức cổ phần hóa), trong khi đó cơ chế cổ phần hóa mới được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ, các quy định này đã được thực hiện trong thời gian dài, có tính ổn định.

Đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp dưới 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp có vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp có vốn góp của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.

Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn vào Vietnamairline, các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty đường sắt đô thị số 1 TPHCM).

Bên cạnh đó, lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước cần được thể chế và làm rõ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công (Luật Đầu tư công xác định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh, quy trình đầu tư công khác với đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp).

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước yêu cầu của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13 và quá trình thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện theo hướng ban hành Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13.

MAI HUỆ

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bùi Thị Thanh Loan