Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Đề án, cơ quan thuế đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tờ khai thuế các sắc thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của doanh nghiệp được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng có sử dụng bộ tiêu chí chấm điểm rủi ro của cơ quan thuế đạt 100%.
Tỉ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt 90%. Tỉ lệ khiếu nại sau thanh, kiểm tra thuế không quá 5%. Tỉ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 30% trên tổng số công chức toàn ngành.
Đến năm 2030, tỉ lệ tất cả các tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế đạt 100%.
Tỉ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%.
"Tỉ lệ số cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thực hiện trong năm có số xử lý so với số cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện trong năm đạt tối thiểu 92%. Tỉ lệ khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế không quá 3%. Tỉ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 35% trên tổng số công chức toàn ngành", Tổng cục Thuế cho hay.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng cục Thuế đang xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ thanh, kiểm tra theo hướng áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro người nộp thuế. Xây dựng, nội dung hướng dẫn Luật Quản lý thuế về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuế.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng hiện đại hoá, tự động hoá và tích hợp cao trong các khâu thanh tra, kiểm tra thuế.
Nghiên cứu và hướng dẫn các biện pháp áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu thu thập, xác định đối tượng thanh, kiểm tra thuế đến khâu báo cáo, lưu trữ hồ sơ. Nâng cấp, tích hợp đồng bộ các ứng dụng hiện có phục vụ thanh, kiểm tra thuế; khắc phục, hạn chế lỗi đảm bảo tính ổn định trong quá trình sử dụng; cải thiện hiệu năng, tốc độ của ứng dụng.
Về lâu dài, cơ quan thuế sẽ xây dựng mới và nâng cấp các ứng dụng kiểm tra tự động hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Xây dựng ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước công việc thanh, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3 (xác minh đối chiếu hóa đơn điện tử, đối chiếu số thu nộp, xác minh thông tin dữ liệu từ bên thứ 3 thông qua kết nối dữ liệu tự động). Từ đó, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào công tác thanh, kiểm tra thuế.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ thanh, kiểm tra thuế đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, chuyên nghiệp, liêm chính.
Trong đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh, trọng tâm là kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế tại Tổng cục Thuế. Qua đó, nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Thanh tra Tổng cục Thuế đối với công tác thanh, kiểm tra thuế trong toàn ngành.
Cùng với đó, bổ sung lực lượng thanh, kiểm tra thông qua việc tuyển dụng mới hoặc điều động luân chuyển trong nội bộ ngành thuế. Cơ cấu lại nguồn nhân lực phù hợp với định hướng kiện toàn hệ thống tổ chức thanh, kiểm tra thuế các cấp...
Thu thập, phối hợp với các nước, tổ chức quốc tế để tham khảo, xây dựng tài liệu và thực hiện đào tạo các kỹ năng, kinh nghiệm thanh tra quốc tế, nhất là thanh tra chuyển giá.
Đặc biệt, ngành thuế sẽ tăng cường đổi mới loại hình, phương pháp và kỹ thuật thanh, kiểm tra thuế theo rủi ro phù hợp với đặc điểm của từng nhóm người nộp thuế về quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại sau thanh, kiểm tra thuế.
Chia sẻ về lộ trình thực hiện, đại diện Cục Thanh kiểm tra cho biết, ngày trong năm 2022, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh, kiểm tra thuế. Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2030, ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra thuế. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra.
Đồng thời, cơ quan thuế tiếp tục xây dựng và triển khai các chuyên đề thanh, kiểm tra thuế, nghiên cứu ứng dụng AI để xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT phục vụ công tác thanh, kiểm tra thuế trên máy tính. Tăng cường phối hợp quốc tế phục vụ công tác thanh, kiểm tra thuế. Thực hiện phân công công việc đến từng bộ phận, cán bộ công chức trong các đơn vị thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường thanh tra giá chuyển nhượng, đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền thành lập bộ phận điều tra thuế tại cơ quan thuế để nâng cao tính chủ động và thẩm quyền pháp lý của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế,... đề xuất bổ sung cơ quan thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; xây dựng, tham gia xây dựng pháp luật liên quan đến công tác quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra thuế.
Đối với quy trình thanh, kiểm tra thuế phù hợp với pháp luật liên quan, cơ quan thuế tiếp tục nâng cấp, tích hợp đồng bộ các ứng dụng hiện có phục vụ thanh tra và tăng cường bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó trọng tâm là công tác thanh tra thuế quốc tế.
VŨ QUÝ