Ảnh minh họa.
Theo VCCI, dự thảo đặt ra chỉ tiêu đạt “100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số” trong giai đoạn 2021-2025. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo mục tiêu dự thảo đưa ra là khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp tính đến hết năm 2020, đó là chưa tính đến các đối tượng là hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa. Thêm nữa, dự thảo chưa nêu rõ các mức độ hỗ trợ sẽ như thế nào?
Vì vậy, cơ quan soạn thảo nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và nêu rõ các mức độ hỗ trợ; ngoài ra, bổ sung các chỉ tiêu lượng hóa có liên quan vào nội dung dự thảo, như: tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA; tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu...
VCCI cũng cho biết, trong dự thảo, các quan điểm, định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) khá rõ ràng, hợp lý và đã xác định được những vấn đề cốt lõi để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và phù hợp với tình hình mới, như: tiếp tục hướng tới cải cách thể chế, cải cách về môi trường kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19…; đồng thời, bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế, như: thí điểm chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong nền kinh tế; khuyến khích phát triển, ứng dụng các nền tảng công nghệ…
Tuy nhiên, để thể hiện quan điểm, định hướng toàn diện hơn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự thảo đã đề cập đến quan điểm, định hướng “hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng”, song nội dung này vẫn chưa đủ rõ ràng và thể hiện được tinh thần này. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi nội dung theo hướng: “Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và vượt qua các hệ quả của đại dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy chuyển đổi số, qua đó tạo đà tăng trưởng mới…”.
Ngoài ra, theo VCCI, dự thảo cần hướng đến hai nhóm giải pháp lớn về phát triển xanh và bền vững, giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhóm giải pháp hình thành phát triển chuỗi giá trị hàng hóa trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh. Vì đây sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới, nếu doanh nghiệp Việt Nam không được định hướng và hỗ trợ thì sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.
LINH NHI
Bộ GTVT mở thêm 02 đường bay nội địa trong giai đoạn thí điểm