Ảnh minh họa.
Theo Bộ Tài chính, ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp thứ ba (Luật số 08/2022/QH15). Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường, cần thiết phải ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm để tránh khoảng trống pháp lý khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm được xây dựng nhằm đảm bảo tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm, tính thống nhất, phù hợp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm với hệ thống pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế của thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và những vấn đề trong quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả.
Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hợp nhất các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác, đảm bảo minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng và bảo đảm cải cách thủ tục hành chính.
Theo dự thảo, đối tượng điều chỉnh của Nghị định bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
- Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài; bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng;
- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và đảm bảo minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Dự thảo nghị định quy định loại hình bảo hiểm nhân thọ có 7 nghiệp vụ bảo hiểm, loại hình bảo hiểm phi nhân thọ có 10 nghiệp vụ bảo hiểm và loại hình bảo hiểm sức khỏe có 2 nghiệp vụ.
Cụ thể, 7 loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bao gồm:
- Bảo hiểm trọn đời;
- Bảo hiểm sinh kỳ;
- Bảo hiểm tử kỳ;
- Bảo hiểm hỗn hợp;
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ;
- Bảo hiểm liên kết đầu tư;
- Bảo hiểm hưu trí.
Các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm: Bảo hiểm tài sản; Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển; Bảo hiểm hàng không; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ; Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu; Bảo hiểm trách nhiệm; Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính; Bảo hiểm nông nghiệp; Bảo hiểm bảo lãnh, Bảo hiểm thiệt hại khác.
2 loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bao gồm: Bảo hiểm sức khỏe, thân thể; Bảo hiểm chi phí y tế.
Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm các quy định về xây dựng, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
MAI HUỆ
Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?