Theo đó, thành viên sáng lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội phải là công dân, tổ chức Việt Nam và đáp ứng các điều kiện:
- Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
- Đối với tổ chức: Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;
- Đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
- Sáng lập viên thành lập quỹ nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Ban sáng lập quỹ phải có ít nhất 03 sáng lập viên và không phải là người có quan hệ gia đình với nhau, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên. (Hiện hành, không quy định về điều kiện quan hệ gia đình của Ban sáng lập quỹ)
Ngoài ra, Ban sáng lập quỹ lập hồ sơ xin phép thành lập quỹ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Ban sáng lập quỹ có trách nhiệm đề cử Hội đồng quản lý quỹ, xây dựng dự thảo điều lệ và các tài liệu trong hồ sơ thành lập quỹ.
Nghị định 136/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2024.