Một phiên tòa tố tụng hành chính tại TAND tỉnh Khánh Hòa.
Từ thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, thông qua hoạt động của Luật sư tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các đương sự trong vụ án hành chính tại đã phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế có liên quan đến chấp hành pháp luật về TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND).
Cụ thể, ngày 16/7/2022, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Đoàn Luật sư 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn về kỹ năng Luật sư tham gia tố tụng vụ án hành chính và đạo đức nghề nghiệp năm 2022 cho các Luật sư thành viên. Liên quan đến việc chấp hành pháp luật TTHC, các Luật sư đã phản ánh về những khó khăn, hạn chế vai trò của Luật sư tranh tụng trong hoạt động tham gia tố tụng vụ án hành chính nói chung, đặc biệt là các vụ khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai. Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính, không có vụ án nào người bị kiện (Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền) có mặt tham gia tố tụng. Hầu hết Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND được ủy quyền đều có đơn đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt từ giai đoạn sơ thẩm đến phúc thẩm và chậm cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Trong khi đó tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Ngày 31/8/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 18/UBTVQH14-TP hướng dẫn thực hiện Điều 60 Luật TTHC năm 2015, trong đó một lần nữa khẳng định: "Kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật TTHC có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong TTHC trước TAND phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật này”.
Việc Chủ tịch UBND, UBND không ủy quyền cho cấp phó hoặc người đại diện của người bị kiện không tham gia tất các tiến trình tố tụng (không tham gia phiên họp công khai cung cấp chứng cứ, đối thoại, không tham gia các phiên tòa, không có việc hỏi, tranh luận công khai) là vi phạm pháp luật tố tụng hành chính quy định tại các Điều 55, 57, 60 và khoản 3 Điều 93 Luật TTHC năm 2015.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà trao đổi về kỹ năng Luật sư tham gia tố tụng vụ án hành chính lại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của TAND tỉnh Khánh Hòa, trong đó có báo cáo về số liệu giải quyết vụ án hành chính: TAND tỉnh giải quyết 19/82 vụ, đạt 23,17% (so với cùng kỳ năm trước số án phải giải quyết giảm 3 vụ tỷ lệ giải quyết vụ án giảm 6,53%; các Tòa án cấp huyện giải quyết 0/6 vụ, so với cùng kỳ năm trước số vụ án phải giải quyết tăng 4 vụ). Số vụ án hành chính còn lại các Tòa án tỉnh đang giải quyết là 69 vụ.
Đối với việc ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính: Từ ngày 01/12/2021 đến ngày 31/5/2022, tổng số đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính TAND tỉnh tiếp nhận 7 đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính (tồn 1 đơn, tiếp nhận mới 6 đơn Tòa án đã ban hành 5 quyết định buộc thi hành án hành chính, 1 trường hợp rút đơn yêu cầu).
Kết quả thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 theo báo cáo của TAND tỉnh cho thấy tỷ lệ giải quyết hành chính đạt thấp (chỉ đạt 21,5%). Việc giải quyết vụ án hành chính còn khó khăn, vì đối tượng bị khởi kiện thường không tham gia tố tụng nhưng chậm ủy quyền hoặc người bị kiện, chậm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án theo thời hạn quy định, dẫn đến một số vụ án sơ thẩm bị hủy sửa.
Đây cũng là những khó khăn, hạn chế tồn tại nhiều năm cho đến nay chưa được khắc phục (đã được nêu trong Báo cáo của TAND tỉnh được thẩm tra tại báo cáo số: 40/BC-HĐND ngày 09/4/2021 của Ban pháp chế HĐND tỉnh ). Ban pháp chế HĐND tỉnh cũng đã đề nghị Chánh án TAND tỉnh nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, tập trung phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế đã được phân tích cụ thể trong các mặt công tác trong đó có hạn chế đã kéo dài nhiều năm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ kịp thời đầy đủ với TAND hai cấp trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án hành chính.
Thực trạng chấp hành không nghiêm túc pháp luật TTHC đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của Tòa án, gây bức xúc cho những người tham gia tố tụng. Thực trạng này nếu không được khắc phục thì vô hình chung triệt tiêu nguyên tắc đảm bảo dân chủ, bình đẳng trong tranh tụng khi xét xử đã được Hiến pháp và luật định.
Vì vậy, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa phản ánh, kiến nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo công tác nội chính, tư pháp, tăng cường sự giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND,UBND các cấp, để từ đó có các giải pháp hữu hiệu khắc phục vi phạm pháp luật tố tụng, tạo điều kiện cho người khởi kiện được đối thoại trực tiếp các yêu cầu nguyện vọng chính đáng của mình đối với cơ quan Nhà nước góp phần cho Tòa án giải quyết vụ án hành chính có chất lượng, bảo đảm thời gian luật định.
PV
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế