/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2022

18/04/2022 04:13 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 4/2022 với những bài viết đặc sắc của các tác giả là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Luật sư… đem lại cho độc giả những cái nhìn khái quát các vấn đề pháp luật về tố tụng hình sự đang được quan tâm.

Pháp luật về tố tụng hình sự: Thực trạng, bất cập và các giải pháp khắc phục là chủ đề chính của Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 4/2022. Xoay quanh chủ đề này là các bài viết: “Các nguyên tắc hiến định về quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự”; “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm - Quy định và thực tiễn thực hiện”; “Nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, công bằng, công khai khi tranh tụng tại Tòa án”; “Vấn đề giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự”; “Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án hình sự”; “Vấn đề ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can”; “Thực tiễn hoạt động bào chữa của Luật sư trong tố tụng hình sự”…

Ở bài “Các nguyên tắc hiến định về quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự”, tác giả Huỳnh Trung Trực (Hội Luật gia quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã đi sâu phân tích một số nguyên tắc cơ bản, tác động trực tiếp đến hoạt động tư pháp hình sự, quy định về quyền con người, quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Qua phân tích, tác giả đi đến kết luận: Để tránh xảy ra oan, sai hoặc xâm phạm đến quyền của người bị buộc tội, cần phải xác lập rõ ràng các nguyên tắc về quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự, qua đó giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng như bản thân người bị buộc tội có được nhận thức toàn diện, đầy đủ về các quyền năng pháp lý của chủ thể bị buộc tội khi tham gia tố tụng, đồng thời làm rõ về lý luận mối quan hệ giữa quyền của người bị buộc tội với trách nhiệm buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, giúp các chủ thể buộc tội nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các quyền của người bị buộc tội, đặc biệt là trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với những quy định mới tại chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 cũng như các quy định mới về chủ thể bị buộc tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

“Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là nguyên tắc lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, một trong những nguyên tắc quan trọng trong tố tụng nói chung và xét xử nói riêng, là dấu hiệu đặc trưng của nền tư pháp dân chủ, bình đẳng, công bằng và minh bạch. Việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế như thế nào. Với bài “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm - Quy định và thực tiễn thực hiện”, các tác giả Đặng Văn Vương và Xuân Thoại nhận định: Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc này đã đạt được những kết quả tích cực trong các phiên tòa hình sự. Nhiều Tòa án quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa trong việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa; Sao chụp hồ sơ vụ án; Xem xét nghiêm túc các đề nghị của người bào chữa và thực hiện tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định pháp luật để làm rõ sự thật vụ án; Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do Luật sư cung cấp, chuyển cho Viện kiểm sát xem xét và có đánh giá về giá trị của chứng cứ ngay tại phiên tòa.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động xét xử vẫn tồn tại không ít những phiên tòa không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, thực hiện tranh tụng mang tính hình thức, hạn chế, cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng trong tranh tụng của người bào chữa, người bị buộc tội, làm ảnh hưởng đến tính khách quan và đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án, một số bất cập… Qua đó, các tác giả đề xuất những ý kiến nhằm thực hiện tốt hơn nguyên tắc tranh luận trong xét xử, nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Ở bài “Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án hình sự”, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cùng nhóm tác giả ở Công ty Luật TNHH Thinksmart nhận định: Trong tố tụng hình sự, vấn đề thu thập chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án. Trong đó, người bào chữa với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội có quyền được thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề thu thập chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra vụ án hình sự còn gặp nhiều vấn đề khó khăn và bỏ ngỏ. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội và góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tránh oan sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Qua phân tích về vai trò của giai đoạn điều tra vụ án hình sự, về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa tại giai đoạn điều tra theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và thực tiễn thực hiện quyền này của người bào chữa, nhóm tác giả gợi ý một số vấn đề cần hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này còn có bài: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực” của đồng tác giả là Tiến sĩ Vũ Ngọc Dương và Thạc sĩ Hoàng Thanh Phương (Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội). Bài viết phân tích những nội dung chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XIII về vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khung pháp lý cơ bản về tự do di chuyển lao động lành nghề của Cộng đồng kinh tế ASEAN, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực.

Chào mừng Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mục Văn hóa - Xã hội có bài: “Thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc” của tác giả Quý Thích. Tác giả viết: Sau chiến tranh, Việt Nam vẫn làm theo bài học lịch sử mà các thế hệ trước đã làm, hòa hợp hòa giải dân tộc, tập hợp chung đồng bào trong một mặt trận kiến thiết đất nước, giữa 45 triệu người dân hai miền Nam-Bắc (sau năm 1975) và gần 100 triệu dân (năm 2019) trong nước, cùng với hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới… Theo đó, các chương trình và chính sách kinh tế - xã hội, cải cách và mở cửa đều do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và triển khai vào cuộc sống, kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển, tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm, đồng thuận xã hội được nâng lên, những mặc cảm, định kiến, hận thù, ai oán do lịch sử để lại dần thu hẹp.

Nhiều bài viết khác liên quan đến hoạt động nghề nghiệp Luật sư, công tác xây dựng và thực hiện pháp luật… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 4/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2022

Lê Minh Hoàng