/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 05/2022 tập trung vào chủ đề: "Quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hôn nhân gia đình" với nhiều bài nghiên cứu - trao đổi chuyên sâu.

Trên thực tiễn, các tranh chấp về hôn nhân và gia đình rất đa dạng, bao gồm các việc như: Ly hôn; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; Tranh chấp về cấp dưỡng, quyền nuôi con… Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và khoa học công nghệ, sự thay đổi của lối sống hiện đại dẫn đến số lượng các vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu đối với quản lý nhà nước từ việc hoàn thiện pháp luật và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan, góp phần ổn định trật tự xã hội. “Pháp luật về giải quyết ly hôn, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra” là tiêu đề bài viết của tác giả Bùi Thị Hòa (Học viện Tư pháp) đề cập đến vấn đề này. Tác giả cho rằng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn hiện nay khá đầy đủ, từ Hiến pháp, luật, nghị định và thông tư hướng dẫn; việc áp dụng các quy định của này cơ bản theo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn cũng còn đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Qua phân tích một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, giảng viên cao cấp Học viện Tư pháp có bài “Xác định quan hệ hôn nhân và chế độ tài sản theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam”. Xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp, hủy việc kết hôn trái pháp luật hay không công nhận quan hệ vợ chồng có vai trò quan trọng không chỉ trong việc giải quyết chấm dứt quan hệ về nhân thân, mà còn liên quan đến giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung. Bài viết trao đổi về việc xác định quan hệ hôn nhân, thủ tục tố tụng án hay việc hôn nhân và gia đình, nguyên tắc phân chia tài sản từ góc độ so sánh giữa chế độ tài sản theo thỏa thuận, chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản trong quan hệ dân sự.

Ly hôn là điều không ai mong muốn bởi nhiều hệ lụy mà nó mang lại. Một trong số đó là việc tranh chấp giành quyền nuôi con và thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn. Đây cũng là một loại tranh chấp về hôn nhân gia đình phổ biến. Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến (nguyên Chánh tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai) có bài “Thực trạng những tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn”. Bài viết nêu lên thực trạng của loại tranh chấp này, các quy định hiện hành của pháp luật về giải quyết tranh chấp và những vướng mắc trên thực tế; qua đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân về quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa và thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn - cách gọi thông thường là “hợp đồng tiền hôn nhân”. Hợp đồng tiền hôn nhân là một khái niệm khá mới trong khoa học pháp lý và chưa được các nhà lập pháp Việt Nam đưa vào trong luật mặc dù đã có một số quy định điều chỉnh về vấn đề này. Trong khi đó, khái niệm này đã được nhiều quốc gia quy định cụ thể, điển hình như: Mỹ, Úc… Chính vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hợp đồng tiền hôn nhân để từ đó đề xuất việc thiết kế các quy định pháp luật phù hợp điều chỉnh loại hợp đồng này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Với ý nghĩa đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam số này có đăng bài “Hợp đồng tiền hôn nhân - Lý luận và thực tiễn” của Luật sư, Tiến sĩ Ngô Văn Hiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh). Trên cơ sở phân tích những khái niệm, đặc điểm và nội dung của loại hợp đồng này cũng như thực trạng những quy định liên quan đến hợp đồng tiền hôn nhân, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật hợp đồng tiền hôn nhân ở Việt Nam.

Quá trình giải quyết những tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về hôn nhân và gia đình nói riêng thường có sự tham gia của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang với bài “Vai trò, trách nhiệm của Luật sư trong vụ án ly hôn và nguyên tắc tự định đoạt của đương sự” đã làm rõ sự khác biệt giữa tranh chấp về hôn nhân và gia đình với các loại tranh chấp dân sự khác. Tác giả cho rằng: Khác với các loại án dân sự khác như kinh doanh thương mại, tranh chấp đất đai, tài sản, lao động…, các đương sự trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình (hay còn gọi là vụ án ly hôn) không chỉ tranh chấp về tài sản, quyền tài sản mà còn tranh chấp, mẫu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, con cái, cấp dưỡng; cùng với đó là trách nhiệm với thế hệ tương lai, hệ lụy với vợ, chồng, con cái sau ly hôn. Luật sư tham gia bảo vệ cho khách hàng trong vụ án không chỉ cần tuân thủ nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mà Luật sư còn cần phải là người bạn đồng hành, biết lắng nghe, động viên, hỗ trợ khách hàng trên cơ sở đạo đức nghề nghiệp và quy định của pháp luật.

Mục “Nghiên cứu - Trao đổi” còn đăng bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Từ Pháp lệnh đến dự thảo Luật” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tác giả nhận định: Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc pháp điển vấn đề dân chủ ở cơ sở thành luật là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình pháp điển đó, bên cạnh việc khẳng định những thành công của Pháp lệnh là việc phải hoàn thiện lại những cơ sở lý luận cho pháp luật, đó là việc thay đổi phạm vi điều chỉnh cùng với việc chính xác hóa pháp luật… Bài viết làm rõ những tiêu chí cần phải đạt được khi tiến hành pháp điển hóa pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở thành luật.

Mục “Kinh nghiệm - thực tiễn” kỳ này có bài “Suy nghĩ về giá đất trong Luật Đất đai 2013” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung (Đại học Luật Hà Nội) và bài “Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản” của Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp). Qua thực tiễn nghiên cứu và hành nghề, các tác giả phân tích một số hạn chế của những quy định về giá đất trong Luật Đất đai 2013; các loại hình bất động sản còn thiếu khung pháp lý để hình thành, phát triển, tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế theo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành; từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện các đạo luật nói trên, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về hình sự, dân sự, lao động… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 5/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2022

Lê Minh Hoàng