Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Văn Cường đã có Văn bản số 1357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa các quy định của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật có liên quan, chỉ rõ những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa quy định; đánh giá rõ hơn tác động của các chính sách để thiết kế lại các điều luật cho phù hợp.
Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự theo hướng quy định các nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự, không quy định lại nội dung do các luật chuyên ngành đã điều chỉnh, vì phòng thủ dân sự liên quan đến mọi lĩnh vực quốc gia, là một bộ phận của phòng thủ đất nước được thực hiện đồng bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành, có lực lượng nòng cốt, chuyên trách, kiêm nhiệm và sự tham gia của mọi người dân.
Đồng thời, xác định rõ phạm vi, nội hàm của phòng thủ dân sự trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Quốc phòng; cần nghiên cứu để xây dựng khái niệm phòng thủ dân sự phù hợp với thực tiễn triển khai thời gian qua. Theo đó, cần làm rõ phạm vi phòng, chống và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong phòng thủ dân sự cho phù hợp.
Rà soát kỹ các quy định về tình trạng khẩn cấp và nghiên cứu thiết kế nội dung “tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự” thành “phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp”. Luật này chỉ xác định các biện pháp, cơ chế phòng thủ dân sự khi xảy tình trạng khẩn cấp; tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp theo kế hoạch xây dựng pháp luật đã ban hành để quy định tổng thể, thống nhất, toàn diện về tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, rà soát, chỉnh lý các quy định về giải thích từ ngữ, bổ sung một số khái niệm để làm rõ nội dung cần quy định trong luật; thiết kế, chỉnh lý lại các quy định phân loại, phân cấp độ thảm họa, sự cố; việc xây dựng các công trình phòng thủ dân sự; các biện pháp ứng phó sự cố, thảm họa; cơ quan, cơ chế chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự,… bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Phòng thủ dân sự báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022). Giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan thẩm tra dự án Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
THU HƯƠNG
Những khoản chi phí nào được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?