/ Tin nổi bật
/ Dự kiến công bố Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng

Dự kiến công bố Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng

09/01/2023 08:48 |

(LSVN) - Nhằm kiểm soát tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tin chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp danh dự uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn tồn tại và được phát tán trên mạng Internet, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, một trong những giải pháp đã được Bộ TT&TT tập trung xây dựng là "Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng", dự kiến công bố vào ngày 27/12 tới.

Ảnh minh họa.

Thời gian vừa qua, tin giả, tin sai sự thật, tin chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp danh dự uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn tồn tại và được phát tán trên mạng Internet, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới cung cấp vào Việt Nam. Các thông tin này đã và đang tác động tiêu cực tới xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đó, thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 22/12, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, nhằm kiểm soát tình trạng trên, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, đây là một trong những việc Bộ TT&TT đã làm rất mạnh trong năm 2022, là một điểm sáng mà Bộ sẽ duy trì và tăng cường trong thời gian tới. Trong đó, một trong những giải pháp đã được Bộ TT&TT tập trung xây dựng là "Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng", tài liệu này đã hoàn thành và sẽ được công bố vào ngày 27/12 tới.

Được phát hành bản sách in và trên các nền tảng số, với Cẩm nang này, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sẽ có kiến thức cần thiết để ứng phó và xử lý hiệu quả tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan chức năng kết hợp nhiều giải pháp, từ ngoại giao, truyền thông đến kỹ thuật tạo sức ép với các nền tảng xuyên biên giới để chặn gỡ nội dung vi phạm pháp luật và yêu cầu nộp thuế trực tiếp với Tổng Cục thuế. Đến ngày 25/10/2022 đã có 37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài nộp thuế với tổng số tiền hơn 3.100 tỉ đồng: Meta (Facebook) nộp hơn 1.700 tỉ đồng, Google nộp gần 1.000 tỉ đồng. Tỉ lệ chặn, gỡ thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật trung bình trên các nền tảng xuyên biên giới tiếp tục được nâng cao. Năm 2022, đạt 92%, chủ yếu là trên Facebook, YouTube, TikTok.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, để đạt được những kết quả trên, Bộ TT&TT đã thay đổi tư duy quản lý với phương châm “Muốn quản được phải thấy được”. Năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ được nâng lên 300 triệu tin/ngày để giám sát, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin trên mạng. Bộ TT&TT cũng chuyển giao công cụ và tập huấn sử dụng cho các địa phương để họ chủ động rà quét, xử lý. Phương thức tiếp cận, đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới cũng thay đổi, nhờ đó các doanh nghiệp đều nâng cao tỉ lệ đáp ứng yêu cầu chặn gỡ của Bộ.

Liên quan đến vấn đề người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) nếu vi phạm pháp luật sẽ bị "phong sát" như: Cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bộ TT&TT đã đề xuất phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng xã hội, hay còn gọi là “phong sát”.

Trưởng phòng Thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho biết, thông qua kinh nghiệm quốc tế tại Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ TT&TT tích cực phối hợp với Bộ VH-TT&DL sẽ triển khai trong thời gian tới. Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng internet, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho hay, hiện nay chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo các mức từ 05-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nhất là những nghệ sĩ có tác động ảnh hưởng lớn. Nếu tăng tiền xử phạt lên cũng không đủ sức răn đe.Theo đó, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ VH-TT&DL để xử lý vấn đề này.

"Chúng tôi dự kiến khi ban hành sẽ chính thức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn", Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

TRẦN QUÝ

Sẽ 'phong sát' nghệ sĩ vi phạm phạm luật

 
Nguyễn Hoàng Lâm