Ảnh minh họa.
Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra chiều 14/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; trong đó, có tín đối với lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, thực hiện các giải pháp kiểm soát soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả của người dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng tham gia thị trường bất động sản với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ bất động sản.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỉ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỉ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. Dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỉ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỉ trọng 66,3%; dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản hơn 786 nghìn tỉ đồng, tăng 8,4% và chiếm tỉ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Ngoài thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất. Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, chương trình đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỉ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở. Hiện nay, chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn. Đến ngày 30/6, chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỉ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỉ đồng, nợ xấu 1,72%.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỉ đồng và năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỉ đồng. Đồng thời, tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí thêm 15.000 tỉ đồng để cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, đến ngày 31/5, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 8.223 tỉ đồng và dư nợ là 7.036 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại được chỉ định, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được ngân sách nhà nước bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất. Các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, đến ngày 31/5, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỉ đồng với hơn 129 nghìn khách hàng còn dư nợ...
PV