Dự thảo thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

22/08/2020 04:02 | 3 năm trước

(LSO) - Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó đề xuất thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đang xây dựng nhằm mục đích hướng dẫn áp dụng một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại các chương XXV, XXVI của Bộ luật Tố tụng Hình sự, các chương XX, XXI của Bộ luật Tố tụng Dân sự, các chương XV, XVI của Luật Tố tụng hành chính.

Điều 10 Dự thảo quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật TTHS. Theo đó, Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy kháng nghị không có căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật Tố tụng hình sự, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và bản án, quyết định đó có căn cứ, đúng pháp luật.

Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo quy định tại các điều 390, 391, 392 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 393 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các điều kiện quy định tại Điều 393 của Bộ luật Tố tụng hình sự được hiểu như sau:

- Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã rõ ràng, đầy đủ là trường hợp không cần phải điều tra, bổ sung chứng cứ mà vẫn có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, bao gồm cả trường hợp người kháng nghị, người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị giám đốc thẩm cung cấp, bổ sung chứng cứ để làm rõ hơn tình tiết đã được Tòa án nhận định, đánh giá;

- Không làm thay đổi bản chất của vụ án là trường hợp các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở để kết luận người bị kết án phạm tội đã bị Tòa án kết án hoặc tội danh khác tương ứng hoặc tội danh nhẹ hơn tội danh đã bị Tòa án kết án;

Ví dụ 6: A và B mâu thuẫn cá nhân. 8h ngày 01-01-2019, A gặp B trên đường, A cầm gậy vụt vào vai, lưng của B với mục đích dằn mặt và nói “Cho mày chết này” rồi bỏ chạy. B bị ngã xuống đường, sau đó tự đi về nhà. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, B có biểu hiện tức ngực, hoa mắt, đau đầu và được đưa vào viện cấp cứu, được xác định nguyên nhân chết do vỡ mạch máu, gây tụ máu não. A bị xét xử và kết án về tội giết người. Tuy nhiên, trường hợp này cần xác định A phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

- Không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án là trường hợp quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm về tội danh, hình phạt, xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và các quyết định khác đối với người bị kết án bằng hoặc nhẹ hơn quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

- Không gây bất lợi cho bị hại, đương sự là trường hợp quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và các quyết định khác có liên quan đến họ bằng hoặc có lợi hơn quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Hội đồng giám đốc thẩm đình chỉ xét xử giám đốc thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tại phiên tòa, người có thẩm quyền kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm;

- Người chấp hành án chết và có quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp cần minh oan cho họ.

Tòa án nhân dân Tối cao vẫn đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo này.

THANH THANH

/du-thao-can-cu-khang-nghi-theo-thu-tuc-giam-doc-tham.html