/ Chưa được phân loại
/ Ghi âm cuộc nói chuyện có vi phạm pháp luật?

Ghi âm cuộc nói chuyện có vi phạm pháp luật?

15/07/2021 03:03 |

(LSVN) -

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Tranh tụng – Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Theo quy định của pháp luật dân sự, ghi âm là quyền của cá nhân trong việc sử dụng, khai thác chức năng, công dụng của người có tài sản có chức năng thu, phát âm thanh. Tuy nhiên, quyền này được thực hiện trong khuôn khổ không làm ảnh hưởng hay gây ra bất cứ tổn hại hoặc không nhằm mục đích xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Do đó, đối với việc tự ý ghi âm cuộc gọi, hiện nay pháp luật chưa có quy định cấm không được thực hiện việc ghi âm này. Việc ghi âm có thể được tiến hành để nhằm cung cấp nội dung chứa đựng chứng cứ chứng minh các tình tiết có ý nghĩa trong việc giải quyết các tranh chấp hoặc làm rõ các sự kiện pháp lý trong quá trình tố tụng. Nhưng nếu người có hành vi ghi âm sử dụng nội dung ghi âm được vào những mục đích khác như đe dọa nhằm mục đích riêng hoặc nhằm gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín của người khác, xúc phạm người khác, tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp… của người khác, thì việc tiến hành ghi âm để thực hiện các mục đích nêu trên là hành vi trái pháp luật. Hậu quả pháp lý đối với người thực hiện lúc này sẽ dựa trên quy định pháp luật hiện hành và các thiệt hại thực tế xảy ra, cơ quan nhà nước xem xét tính chất và hậu quả hành vi để áp dụng biện pháp xử lý cũng như hình phạt thỏa đáng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, hành vi “ghi âm” cuộc gọi điện thoại là trái pháp luật tại thời điểm người thực hiện thực hiện hành vi này mà không được sự đồng ý của người tham gia đàm thoại sẽ được coi là hành vi vi phạm. Hành vi ghi âm trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ Điều 102, khoản 3, điểm q, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.  Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 cũng quy định về việc xử lý hình sự đối với hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật”  tại điểm c, khoản 1 Điều 159 quy định người nào thực hiện hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” mà trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trong trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 159 BLHS: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát, thì người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất đến 03 năm.

Admin