Từ ngày 14 đến 20/10, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận 5.058 phản ánh trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet gửi về.
Trong đó, có 190 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) và có 4.868 trường hợp phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo thông qua tổng đài 156/5656.
Theo Cục An toàn thông tin, hiện còn 20 website lừa đảo (gồm 3 website giả mạo Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm, 3 website giả mạo Cổng dịch vụ công quốc gia, 5 website giả mạo Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, 1 website giả mạo Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng; 3 website giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee; 1 website giả mạo sàn thương mại điện tử Lazada; 1 website giả mạo sàn thương mại điện tử Sendo, 1 website giả mạo điện máy xanh; 1 website giả mạo Văn phòng Chính phủ; 1 website giả mạo VneID).
Ngoài ra, nguy cơ các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam vẫn hiện hữu, với 37.102 máy chủ, thiết bị có thể trở thành nguồn phát tán tấn công DRDoS (tuần kế trước là 36.023 máy chủ, thiết bị). 35 trường hợp tấn công vào trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam đều là tấn công lừa đảo (phishing).
Hệ thống giám sát của Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận 20 địa chỉ IP/domain thuộc botnet (mạng máy tính ma) có ảnh hưởng tới người dùng Việt Nam.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin khuyến nghị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về an ninh mạng, điểm yếu, lỗ hổng, từ đó rà soát trên hệ thống thông tin để phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Các cơ quan, tổ chức có thể chủ động cập nhật thông tin về rủi ro an toàn mạng tại địa chỉ https://alert.khonggianmang.vn.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm các website giả mạo tổ chức của mình, cảnh báo sớm đến người dùng của nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, bảo vệ chính thương hiệu của đơn vị.