(LSVN) - Nhận tiền để "thông chốt" kiểm soát dịch bệnh là một hành vi hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm uy tín của nhà nước đối với nhân dân mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự bởi vậy cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, có kết luận đầy đủ về sự việc đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian vừa qua, theo dư luận địa phương phản ánh, lực lượng trực chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cầu Phú Lâu, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có dấu hiệu nhận tiền để cho dân qua. Đây là điểm chốt kiểm soát người ra vào Hải Dương, giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh.
Theo phản ánh, người dân muốn qua lại chốt này thì phải chi cho bộ phận trực chốt từ 20-30 nghìn đồng/lượt, có khi là cả vài trăm nghìn.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng Nguyễn Hữu Thắng cho biết: "Địa phương đã nắm được thông tin từ ngày 02/7. Đến ngày 09/7, có bằng chứng và clip về việc đưa tiền cho cán bộ trực chốt tại đây. Số tiền đưa là 500 nghìn, nhưng chúng tôi chưa rõ đây là đưa tiền để được qua chốt hay là để đổi tiền lẻ".
Để xác minh, xã đã đình chỉ công tác 2 cán bộ liên quan trong clip nhận được là ông Đặng Đình Phả (SN 1957, công an viên của thôn Phí Xá) và ông Nguyễn Trọng Lực (SN 1967, thôn đội trưởng) và yêu cầu viết tường trình.
Đánh giá về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng nhận tiền để thông chốt kiểm soát dịch bệnh là một hành vi hết sức nguy hiểm, không chỉ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm uy tín của cán bộ, công chức nhà nước đối với nhân dân mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự bởi vậy cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ, có kết luận đầy đủ về sự việc đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình xác minh điều tra, cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin từ phía quần chúng nhân dân về việc các cán bộ ở chốt kiểm dịch này nhận tiền để cho người dân qua chốt. Đồng thời sẽ yêu cầu cán bộ có liên quan viết tường trình về sự việc để làm rõ sự việc. Trường hợp có căn cứ cho thấy có việc nhận tiền thì phải làm rõ đây là tiền gì, có phải là tiền “bồi dưỡng cán bộ uống nước” hay là số tiền thỏa thuận để được qua chốt kiểm dịch khi không đủ điều kiện di chuyển ra khỏi địa phương?.
Nếu trường hợp những người không đủ điều kiện qua chốt mà phải nộp tiền để được qua thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và có thể xem xét xử lý hình sự.
Theo quy định tại Điều 354 và Điều 364 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác về việc có trả tiền, hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người trả tiền, đưa lợi ích thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Nếu số tiền đưa và nhận hối lộ từ 2.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị xử lý về tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" theo quy định pháp luật nêu trên.
Trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý về tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" thì cũng sẽ xem xét về các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản hoặc hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nếu các hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 355, Điều 356 Bộ luật Hình sự thì cũng sẽ xử lý hình sự.
Trường hợp có vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi cho những người đưa tiền để được qua chốt kiểm dịch này có gây hậu quả như thế nào đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu những người ra khỏi chốt là đi khỏi nơi cách ly thì cả người dân và cán bộ trực chốt đều sẽ bị xử phạt hành chính đến 20.000.000 đồng về hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế. Trường hợp vi phạm quy định mà dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người".
Về xử lý hành chính, đây là hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” vi phạm tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Luật sư Cường chia sẻ thêm, thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát ở nhiều nơi, bởi vậy những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như thế này của lực lượng phòng chống dịch bệnh cũng như của người dân trong khu vực đang bị kiểm soát cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu có hành vi lợi dụng hoạt động phòng chống dịch bệnh để trục lợi cần phải xử lý nhanh chóng, kịp thời để duy trì trật tự kỷ cương, đảm bảo công bằng, nhằm duy trì niềm tin của người dân đối với lực lượng phòng dịch cũng như đối với chính quyền.
PHƯƠNG HOA