/ Kết nối
/ Hoàng Kiện: Một vị tướng đặc biệt

Hoàng Kiện: Một vị tướng đặc biệt

18/04/2023 09:16 |2 năm trước

(LSVN) - Thiếu tướng Hoàng Kiện tên khai sinh là Hoàng Văn Kiện, quê quán xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông người có công trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được Bác Hồ quý mến biểu dương toàn quân với câu nói: "Tướng Thanh, tá Kiện", (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Nhưng ông là một vị tướng đặc biệt.

Thiếu tướng Hoàng Kiện một tấm gương mẫu mực, niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Ảnh: Bảo tàng Quân khu 4.

Trong những năm công tác ở Báo Quân khu 4, cứ mỗi khi Tết đến xuân về tôi thường được đi cùng các vị trong Bộ Tư lệnh Quân khu đến thăm Thiếu tướng Hoàng Kiện. Mỗi khi thấy có đồng đội về ông rất vui, nói chuyện say mê, như không muốn dứt. Tôi không ngờ một vị tướng dạn dày trận mạc, kinh qua nhiều chức vụ cao trong quân đội đời thường lại giản dị như vậy. Ông ở trong một ngôi nhà cấp 4, không có điện, thức ăn đựng trọng một cái lọ ăn khi nào lấy khi đó, cơm nấu một bận ăn cả ngày.

Có một lần tôi đi với Thiếu tướng Dương Bá Nuôi, Phó Tư lệnh Quân khu lên chúc Tết ông. Tôi cầm lọ muối lạc trộn với một ít ruốc thịt hỏi ông: “Thủ trưởng ăn uống thế này làm sao đảm bảo sức khỏe”, ông nói rất vui: “Thực phẩm sạch của tớ đấy. Ăn uống như tớ không sợ mỡ máu, bệnh gút, huyết áp cao”. Mỗi lần gặp các vị trong Bộ Tư lệnh Quân khu ông tâm sự rất nhiều về tình hình đất nước, ông trăn trở một số cán bộ thoái, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút lòng tin đối với Nhân dân, ông dặn chúng ta là cán bộ quân đội lúc nào cũng phải gương mẫu, chăm lo thật tốt đời sống chiến sĩ, xem chiến sĩ như người trong gia đình, như con em của mình.

Thiếu tường Hoàng Kiện sinh tháng 3/1921, thân sinh là cụ Hoàng Văn Viện, một nhà nho nghèo làm nghề dạy học. Hoàng Kiện là một người có sức khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát nên có thời gian bị bắt đi lính khổ đỏ cho thực dân Pháp, ông mang cả súng về tham gia lực lượng Việt Minh. Tháng 8/1945 tham gia cướp chính quyền tại địa phương. Cách mạng tháng Tám ông nhập ngũ, tham gia đoàn quân Nam tiến làm Tiểu đội trưởng Giải phóng quân ở Huế, trên điều ra làm Trung đội trưởng Giải phóng quân ở Vinh. Từ năm 1946 đến năm 1948 giữ chức Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó Tiếp phòng quân. Tháng 7/1946 ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do có năng lực ông được giao làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Thăng Long, Trung đoàn phó Trung đoàn 48. Từ năm 1948 đến 1954 ông giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Trung đoàn 64, Trung đoàn 66, thuộc Đại đoàn 312, rồi được thăng lên Tham mưu trưởng Đại đoàn 312. Ông chỉ huy đơn vị đánh vào đồi Him Lam mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi  giòn giã. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn pháo cao xạ 367. Năm 1955 ông đi học chuyên ngành pháo ở Trung Quốc, học xong về giữ chức Sư trưởng, Sư đoàn pháo cao xạ 367. Rồi lần lượt giữ các chức Phó Tư lệnh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng không. Năm 1963 ông được biệt phái về Cục Phòng không nhân dân trực thuộc Phủ Thủ tướng.

Từ năm 1964 đến năm 1974 ông vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 304 trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên, Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 1/1967 trên điều ông về làm Phó Tư lệnh Quân khu 4, kiêm Tư lệnh Mặt trận 968 tại Nam Lào, Phó Tư lệnh Đoàn 559. Năm 1974 ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Năm 1974 đến năm 1986 ông giữ chức Viện trưởng Học viện Hậu cần. Đầu năm 1975 ông được cử đi học tại Học viện Hậu cần Leningrat ( Liên Xô), học xong về tiếp tục về làm Viện trưởng Học viện Hậu cần. Ông là Viện trưởng Học viện Hậu cần đầu tiên, có nhiều công lao đóng góp, xây dựng ngành Hậu cần Quân đội ta. Từ Học viện Hậu cần ông được điều về làm Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, Ủy viên Hội đồng khoa học. Tháng 4/1986 về nghỉ hưu theo chế độ tại quê nhà.

Hoàng Kiện là một vị tướng đặc biệt 42 năm liên tục đi theo cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, không màng danh lợi, cao sang, không vợ, không con. Ông để lại một tấm gương sáng cho đời: Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư.

Thiếu tướng Hoàng Kiện (người đứng thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng với Trung ương Cục miền Nam ngày 1/4/1973. Ảnh: Tư liệu.

Khi về nghỉ hưu Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện Đô Lương làm cho ông một căn nhà tươm tất để dưỡng tuổi già, nhưng ông nhất định không chịu, chỉ đồng ý làm 01 căn nhà cấp 4 hai gian, một chái. Đồ trong nhà 01 bộ bàn ghế bằng gỗ và 01 chiếc giường bình thường. Thấy ông sống một mình trên cho 02 chiến sĩ đến hàng ngày giúp đỡ ông. Ông hỏi 02 chiến sĩ: “Các cháu đến đây làm gì”, hai chú bộ đội thưa: “Cấp trên giao nhiệm vụ cho các cháu đến phục vụ thủ trưởng”, ông bảo: “Tôi cảm ơn các chú, cảm ơn đơn vị, tôi còn có sức khỏe tự phục vụ bản thân được”. Rồi ông điện thoại trả 02 chiến sĩ về đơn vị.

Từ khi về hưu đến khi mất ngày 21/4/2000 ông sống bình dị, đạm bạc tại quê nhà, nhưng rất giàu tình thương. Ông sống có nguyên tắc thường ngày 05 giờ sáng dậy đi bộ tập thể dục trên đường đi qua bưu điện lấy báo được cấp về nhà. Ông làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, ngồi đọc báo, bạn bè ai đến chơi mời đọc báo nói chuyện thời sự. Ông không ăn sáng, đến khoảng 10 giờ vào nấu ăn. Thường ông nấu 01 bữa ăn cả ngày. Ông giành cả buổi chiều chăm sóc vườn, chăn nuôi. Vườn ông quanh năm cây xanh tốt, mùa nào cũng có hoa và rau, gà từng đàn. Tối chừng 17 giờ 30 phút đến 18 giờ ăn cơm, ăn xong ngồi nghỉ một lúc uống nước rồi ngủ một mạch cho đến sáng. Ông không dùng điện, mỗi khi nóng dùng quạt mo để quạt, nhiều người đồng niên với ông hỏi tại sao lại sống khắc khổ vậy thì ông trả lời vô tư, rất thật: “Một là một người lính sống ở chiến trường kham khổ quen rồi”. Chi hội cựu chiến binh xóm Đông Vĩnh mượn nhà ông để sinh hoạt, mục đích làm cho ông thêm vui cửa, vui nhà, vận động mãi ông mới cho mắc điện. Nhưng bóng điện chỉ duy nhất được thắp buổi họp Chi hội cựu chiến binh mà thôi, sau đó không thấy ông thắp một lần nào.

Ông không dùng xe đạp, xe máy, đi họp, cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học nào mời đi nói chuyện truyền thống, thời sự đều đi bộ, rất đúng giờ. Đi nói chuyện thời sự hoặc truyền thống ông không bao giờ lấy thù lao. Mời ông đi họp quá thời gian khoảng 15 phút cuộc họp chưa tổ chức là ông về. Từ khi nghỉ hưu đến khi mất ông không bỏ 01 buổi họp Chi bộ, họp Chi hội cựu chiến nào. Trong cuộc họp ông luôn phát biểu thẳng thắn đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, góp ý chân tình cho đồng chí, đồng đội.

Ông ít gây phiền hà cho người khác, bà con lối xóm mời ông đi đám giỗ, đám cưới, hoặc có đám tang ông đều đi nhưng sang thắp hương, mừng rồi về không khi nào ngồi mâm cỗ. Cuộc sống đời thường rất quan tâm người khác, rau ông trồng ai đến ông cũng cho, tiền ông không có nhiều ai khó khăn ông sẵn sàng giúp vô tư. Lúc còn ở quân ngũ có một cậu cần vụ được về cưới vợ, ông rút tiền tiết kiệm cho để mua sắm. Mẹ của một trợ lý ốm gia đình hoàn cảnh khó khăn ông cho hẳn một tháng lương.

Ông không thích nói chuyện về phụ nữ, chuyện dựng vợ, gả chồng, thậm chí con gì giống mái ông cũng không ăn, không nuôi. Khi trong quân ngũ ông ít giao tiếp với nữ quân nhân. Hầu như ông từ chối không xem văn công. Có một lần đi thăm ông với Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Hoàng Cầm, một cán bộ trong đoàn hỏi Tư lệnh tại sao thủ  trưởng Kiện không thích nữ giới. Tư lệnh bảo: “Lúc còn trẻ ông có một mối tình đẹp với một cô gái tên là Tơ, nhưng mối tình này không thành. Từ đó anh Kiện không yêu ai nữa, không giao tiếp với nữ giới, còn vì sao lại như vậy tớ không tìm hiểu”. Chuyện ông Hoàng Kiện có yêu cô gái tên là Tơ, ông Hoàng Văn Thức người cháu trực tiếp chăm sóc ông những ngày cuối đời có nói: “Lúc chú Kiện ốm nặng có 01 bà cụ tên là Tơ lặn lội từ ngoài Bắc vào nhà thăm khoảng 01 tiếng đồng hồ bà lặng lẽ ra đi”, còn anh chị em Viện Quân 4 nói: “Một hôm ông vào những ngày ông sắp ra đi lúc nằm mê man trên giường bệnh tự nhiên ông thốt lên Tơ ơi! Anh chị em tưởng người nhà trực đó có người tên là Tơ, nhưng không phải”.

Thiếu tướng Hoàng Kiện một vị chỉ huy tài ba, đánh đâu quân thù run sợ ở đó, một chiến sĩ Cộng sản mẫu mực, ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 03 Huân chiến sĩ vẻ vang ( hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

23 năm ông đi xa nhưng để lại 01 tấm gương tận tụy với dân, với nước, một cán bộ, đảng viên mẫu mực, là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.

HẢI HƯNG

93 mùa xuân, Đảng đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác

Nguyễn Hoàng Lâm