Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Cụ thể, tại khoản 7 Điều 36 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có nêu rõ, chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, chủ trang cộng đồng, người quản trị nhóm cộng đồng trên mạng xã hội không được đặt tên tài khoản, trang, kênh, nhóm giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí hoặc có những từ ngữ (bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc hoạt động báo chí như: Báo, đài, tạp chí, tin, tin tức, phát thanh, truyền hình, truyền thông, thông tấn, thông tấn xã...
Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình. Đồng thời, có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng hoặc kênh nội dung của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng dịch vụ) chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng điện thoại, văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương và các cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật chuyên ngành hoặc chậm nhất là 48 giờ đối với khiếu nại có căn cứ từ người sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, khoản 7, Điều 36 Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài không được phép lợi dụng mạng xã hội để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ TT&TT tổ chức ngày 28/11 vừa qua.
Báo cáo đánh giá về hoạt động thông tin điện tử, đại diện Bộ TT&TT, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, trong năm 2024, Bộ TT&TT cùng Sở TT&TT các địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tài khoản mạng xã hội. Trong đó, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 01 tỉ đồng,
Các Sở TT&TT địa phương cũng đã thực hiện kiểm tra 1.040 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật (20 trường hợp biểu hiện “báo hóa”), rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm (buộc thu hồi 02 tên miền).
Bên cạnh các hoạt động trên, năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả là Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỉ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỉ lệ 91%); TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, (tỉ lệ 93%).
Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá, các nền tảng xuyên biên giới đã tích cực hợp tác với cơ quan quản lý, để xử lý các nội dung vi phạm và đẩy mạnh truyền thông giúp người dân cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo.
Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) đã kết nối với các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố). Nhờ đó, các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay vi phạm tại địa bàn.
Tình trạng “báo hóa” trang tin và mạng xã hội đã được nhận diện, tập trung chấn chỉnh thông qua thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động. Nhờ đó, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể.
Hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nền nếp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn đều ý thức, nhận thức phải tuân thủ quy định về quảng cáo.
Trong năm qua Bộ TT&TT đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi điện tử triển khai được nhiều hoạt động quan trọng có tính chất định hướng phát triển ngành. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã sát cánh với cơ quan quản lý, cùng nhau thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng game lậu, game cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường game trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Trong năm 2025, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương rà soát, xử lý.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết trong năm 2025, Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động Việt Nam; yêu cầu các mạng xã hội chặn, khóa tài khoản, trang, kênh thường xuyên vi phạm; tiếp tục xử lý "báo hóa" trang thông tin điện tử và mạng xã hội...
Nghị định 147/2024/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 25/12/2024.