/ Kết nối
/ Không nên bỏ thanh tra cấp huyện

Không nên bỏ thanh tra cấp huyện

20/04/2022 03:50 |

(LSVN) – Có thể thấy, thanh tra cấp huyện được giao cho nhiều “trọng trách” và là cơ quan chuyên môn hỗ trợ đắc lực cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra những sai phạm trong bộ máy hành chính, đảm bảo sự trong sạch, hoạt động hiệu quả của khối hành chính. Vậy, nếu bỏ đi khối cơ quan chuyên môn này thì khối lượng công việc trên sẽ giao cho ai, bộ phận nào có đủ chuyên môn để giải quyết các vấn đề về tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo?

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS.

Ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Tại đây, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên duy trì cơ quan thanh tra ở một số sở, ngành thuộc UBND tỉnh. Đặc biệt là việc có nên duy trì thanh tra cấp huyện hay không?

Không nên bỏ thanh tra cấp huyện

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, thanh tra cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là thanh tra cấp huyện) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện) có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành ngày 08/9/2014, thanh tra cấp huyện sẽ thanh tra các nhiệm vụ như sau:

“a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của UBND xã, phường, thị trấn, của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; thanh tra vụ việc phức tạp có liên quan đến trách nhiệm của nhiều UBND xã, phường, thị trấn, nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị khác theo kế hoạch được duyệt hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

b) Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch UBND cấp huyện giao;

c) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của thanh tra cấp huyện và của Chủ tịch UBND cấp huyện".

Ngoài ra, thanh tra cấp huyện còn có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc giải quyết tố cáo, khiếu nại của các UBND cấp dưới nằm trong phạm vi quản lý của UBND cấp huyện; xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND cấp huyện; theo dõi việc thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo mà UBND huyện đã ban hành...

Trong công tác phòng chống tham nhũng: Thanh tra cấp huyện sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng của UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND cấp huyện; phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổng hợp kết quả kê khai, công khai, xác minh, kết luận, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập trong phạm vi địa phương mình; định kỳ báo cáo kết quả về thanh tra tỉnh; kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Như vậy, có thể thấy thanh tra cấp huyện được giao cho nhiều “trọng trách” và là cơ quan chuyên môn hỗ trợ đắc lực cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra những sai phạm trong bộ máy hành chính, đảm bảo sự trong sạch, hoạt động hiệu quả của khối hành chính. Vậy, nếu bỏ đi khối cơ quan chuyên môn này thì khối lượng công việc trên sẽ giao cho ai?, bộ phận nào có đủ chuyên môn để giải quyết các vấn đề về tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo? Liệu có phải “nghĩ” ra cơ quan chuyên trách khác để đảm đương, như vậy thì cơ quan mới này sẽ khác gì với thanh tra cấp huyện?

Nếu để cho thanh tra tỉnh trực tiếp xử lý thì lại dồn một lượng lớn các công việc, khiếu kiện, khiếu nại lên cấp này, và chính thanh tra tỉnh cũng không thể đủ nhân lực để thực hiện các công việc trên toàn bộ địa bàn tỉnh được. Do đó, Luật sư Khánh nhận định không nên bỏ đi thanh tra cấp huyện, mà thậm chí phải tăng cường chức năng, bổ sung nhân lực và năng lực cho thanh tra cấp huyện.

Pháp luật đã quy định chặt chẽ việc quản lý hoạt động của thanh tra cấp huyện

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cho biết thêm, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, không phát huy được hiệu quả. Nhu cầu thanh tra phải nhìn vào chức năng, nhiệm vụ của thanh tra cấp huyện và trên thực tế tình hình hoạt động của khối hành chính địa phương không thể xa rời được thanh tra. Thanh tra cấp huyện hiện nay cũng đã thể hiện được phần nào vai trò của mình trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nhưng trên một số địa phương, hoạt động thanh tra của thanh tra cấp huyện còn chưa được hiệu quả, cũng bởi một số vấn đề như biên chế cơ quan thanh tra còn rất ít, năng lực còn chưa đáp ứng được khối lượng công việc và nhiệm vụ được giao. Và đặc biệt là cơ quan thanh tra còn có sự “phụ thuộc” nhiều vào khối hành chính nên có thể còn chưa đảm bảo sự công minh và hiệu quả. Tuy nhiên, vai trò của thanh tra là không thể không có, và nếu cơ quan thanh tra còn chưa phát huy được hiệu quả thì cần phải có biện pháp tăng cường hiệu quả chứ không phải là lược bỏ đi và tạo ra nhiều nguy cơ như vậy.

Về quy định pháp luật, hiện tại đã có một hệ thống luật riêng cho ngành thanh tra, đó là Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn cũng như một loạt các văn bản pháp luật do Thanh tra Chính phủ ban hành quy định rõ về nguyên tắc hoạt động thanh tra, tổ chức thanh tra cũng như quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của cơ quan thanh tra các cấp. Đây là cơ sở cho hoạt động thanh tra trên toàn bộ cả nước, là căn cứ cho cơ quan chính quyền địa phương đưa ra phương hướng hoạt động cho cơ quan thanh tra thuộc sự chỉ đạo của mình. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi, bỏ đi thanh tra cấp huyện thì cần phải sửa đổi lại toàn bộ hệ thống luật thanh tra này và có phương án phân phối các nhiệm vụ cho các khối chuyên môn khác cho phù hợp.

Một số đề xuất

Để thanh tra cấp huyện hoạt động một cách hợp lý, hiệu quả, tuân thủ đúng nguyên tắc hoạt động thanh tra, tổ chức thanh tra cũng như quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của cơ quan thanh tra, Luật sư Lê Ngọc Khánh đề xuất một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, cần phải có biện pháp tăng cường hiệu quả của thanh tra cấp huyện chứ không nên bỏ đi. Để làm được điều này trước hết cần phải có quy định rõ hơn, chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của thanh tra cấp huyện. Thanh tra cấp huyện cần chủ động hơn và sát sao hơn trong công tác phát hiện tham nhũng, xử lý khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai, cần tăng cường biên chế trong thanh tra cấp huyện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh tra, cùng đó là tăng cường năng lực của cán bộ thanh tra.

Thứ ba, có thể xem xét giao thêm những nhiệm vụ mới, phù hợp với chuyên môn của các biên chế có sẵn, chẳng hạn theo quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần phải bổ sung thêm chức năng phòng chống tiêu cực cho ngành thanh tra.

Cuối cùng có thể xem xét việc đưa ngành thanh tra trở thành cơ quan chuyên môn độc lập, chỉ chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc mà đứng đầu là Thanh tra Chính phủ. Mặc dù quan điểm này cũng sẽ buộc phải thay đổi nhiều cơ cấu bộ máy hành chính, xây dựng lại hệ thống pháp luật nhưng lại tăng cường sức mạnh của thanh tra, đảm bảo tính độc lập, hiệu quả, công minh của ngành thanh tra.

PV

Đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện

Lê Minh Hoàng