/ Nghề Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tại khu vực phía Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tại khu vực phía Nam

26/08/2023 02:42 |

(LSVN) - Thực hiện Công văn số 2133/VKSNDTC-V14 ngày 02/6/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), vào ngày 25/8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiếp tục tổ chức Hội thảo sơ kết 05 năm thi hành BLTTHS nhằm lấy ý kiến về những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành BLTTHS và đưa ra kiến nghị, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2015. Đây là chương trình tiếp nối Hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 05/8/2023.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/8/2023.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ Luật sư; Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, cùng một số Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; các Luật sư đại diện các Văn phòng, Công ty luật thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh và sự tham gia trực tuyến của Ban Chủ nhiệm, các Luật sư thuộc một số Đoàn Luật sư khu vực phía Nam như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Bình Định, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Kontum… Ngoài ra, Hội thảo còn có sự hiện diện của ông Tsukahara Masanori, chuyên gia Dự án JICA.

Luật sư Phan Trung Hoài cùng Luật sư Trương Xuân Tám, Luật sư Hà Hải và chuyên gia Dự án JICA Tsukahara Masanori đồng chủ trì Hội thảo.

Đến dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan ban ngành, gồm: Bà Hà Thị Thu, Phó Trưởng Phòng 2 VKSND TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh; Thượng tá Lê Đức Túy, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh (PC01).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, theo ý kiến của VKSND Tối cao đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một trong những đơn vị đầu mối đầu tiên tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của các Luật sư. Hội thảo tổ chức ngày 05/8/2023 với sự tham gia của các Luật sư, đại diện Ban Nội chính Trung ương, VKSND Tối cao, Bộ Công an đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Luật sư Phan Trung Hoài khẳng định, BLTTHS 2015 đã có bước phát triển lớn, có nhiều nguyên tắc và quy định mới, tiến bộ, thể chế hóa Hiến pháp 2013.

Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Tuy nhiên, qua 05 năm thi hành, có nhiều quy định trong BLTTHS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho sự tham gia của Luật sư trong vụ án hình sự. Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến từ các Luật sư và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng đóng góp cho việc rà soát, sơ kết 05 năm thi hành BLTTHS, cũng như tham khảo kinh nghiệm về vai trò của Luật sư trong tố tụng hình sự Nhật Bản từ ý kiến của chuyên gia Dự án JICA. Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị Hội thảo cần tập trung chỉ ra những quy định nào đang hạn chế, cản trở quyền hành nghề của Luật sư, đóng góp trên tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng để đề xuất VKSND Tối cao và các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, để tạo điều kiện cho các Luật sư làm tròn trách nhiệm khi tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia tố tụng...

Luật sư Trương Xuân Tám thay mặt Ủy ban Giám sát, Hỗ trợ Luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày Báo cáo đề dẫn và định hướng trao đổi, thảo luận, như: Đánh giá tình hình triển khai, thi hành BLTTHS; đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định của BLTTHS, đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan của ưu điểm, tồn tại, hạn chế (thời gian lấy số liệu từ 01/01/2018 đến 31/12/2022); nghiên cứu những bất cập, vướng mắc trong các quy định của BLTTHS; đề xuất giải pháp, kiến nghị.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, Hỗ trợ luật sư, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Các nội dung tại Hội thảo tập trung nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan trực tiếp đến quyền hành nghề Luật sư, hoạt động của Luật sư trong quá trình tố tụng, các quy định của BLTTHS quy định từ Chương I đến Chương VIII, đặc biệt chú trọng các quy định liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người tham gia tố tụng và quyền giám sát. Trong đó, chú ý các quy định về quyền của người bào chữa, phạm vi thực hiện quyền bào chữa, các trình tự, thủ tục thực hiện quyền bào chữa, các quy định về thời gian, thời hạn và quy định về cách thức thực hiện quyền bào chữa, từ đó chỉ ra các thiếu sót, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục, bổ sung quy định thuận tiện cho hoạt động nghề nghiệp Luật sư và hoàn thiện pháp luật tố tụng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tập trung nêu ý kiến về những vướng mắc, bất cập trong thủ tục đăng ký bào chữa và thông báo bào chữa cho Luật sư, nhất là yêu cầu về việc xuất trình “bản chính” Thẻ Luật sư, trong khi Thông tư 46 của Bộ Công an có quy định về việc Luật sư có thể gửi thủ tục đăng ký bào chữa qua đường bưu điện. Có thực tế hiện nay quy định về thời hạn 24 giờ cấp Thông báo gần như không thực hiện được, một phần xuất phát từ thực tế hoạt động điều tra phải qua nhiều tầng nấc và thủ tục để lấy ý kiến của bị can bị tạm giam và phê duyệt Thông báo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp cấp Thông báo kéo dài cả tháng, thậm chí có Luật sư phản ánh chờ tới 08 tháng kể từ khi được cấp Thông báo nhưng không được gặp bị can đang bị tạm giam. Luật sư Hậu cũng có những góp ý cụ thể các quy định liên quan tạm giữ, tạm giam và những bất cập trong Thông tư liên tịch số 01/2018 về việc giám sát cuộc gặp giữa Luật sư và người bị tạm giữ, tạm giam trong và ngoài cơ sở giam giữ.; việc Luật sư tham gia đặt câu hỏi trong buổi hỏi cung; một số bất cập trong việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ của Luật sư, việc ghi nhận quan điểm bào chữa của Luật sư trong Bản án; vấn đề bào chữa chỉ định và địa vị pháp lý của Luật sư trong TTHS; Luật sư tham gia trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; tham gia vụ án đối với người dưới 18 tuổi…

Luật sư Phạm Đức Hùng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, Hỗ trợ Luật sư phát biểu ý kiến.

Luật sư Phạm Đức Hùng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc có ý kiến về nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13, BLTTHS và những vấn đề xác định tư cách “người bị buộc tội” có mâu thuẫn với nguyên tắc này không? Về diện người bào chữa, theo Luật sư Hùng đề nghị xem xét lại 02 chủ thể là Bào chữa viên nhân dân và Đại diện hợp pháp của người bị buộc tội, vì các chủ thể này chưa tích hợp đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng bào chữa và khả năng tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị buộc tội. Việc Luật sư “có thể hỏi’ sau khi Điều tra viên kết thúc việc hỏi dẫn đến việc tùy nghi, có thể được chấp nhận hay không chấp nhận từ phía Điều tra viên. Luật sư Hùng cũng nêu một số vướng mắc trong quá trình đăng ký thủ tục bào chữa, nhất là việc quy định Luật sư “xuất trình bản chính Thẻ Luật sư” trong khi thủ tục này có thể được gửi bưu điện, không phù hợp với việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ phát biểu ý kiến.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ phản ánh một số bất cập trong quá trình thực thi BLTTHS 2015, nhất là việc bảo đảm thực hiện quyền của bị can được tự bào chữa, nhờ Luật sư bào chữa. Khi thân nhân của gia đình bị can đang bị tạm giam đến nhờ Luật sư thì có một số Cơ quan điều tra yêu cầu phải xuất trình tài liệu chứng minh quan hệ “thân thích” như: Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn… Sau khi kết thúc điều tra, việc tiếp cận để sao chụp, nghiên cứu hồ sơ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bị can có quyền được yêu cầu đọc, nghiên cứu hồ sơ trong trại tạm giam hay không? Luật sư Thơ cũng đồng tình với việc cần xem xét diện chủ thể người bào chữa của đại diện hợp pháp của người bị buộc tội, của người dưới 18 tuổi.

Luật sư Phạm Công Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Luật sư Phạm Công Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đã có thời gian tiếp cận các quy định BLTTHS từ 2003 đến 2015 với tư cách Thẩm phán, sau này chuyển sang hành nghề Luật sư đã góp ý trực tiếp vào Điều 206, BLTTHS 2015 liên quan các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, nhưng chưa quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trong các tài liệu mà cơ quan THTT sử dụng làm chứng cứ để buộc tội. Điều 207, BLTTHS quy định về yêu cầu giám định, không quy định người bị buộc tội, bị can, bị cáo có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến xác định trách nhiệm hình sự của họ là không tương thích với điểm g, khoản 2, Điều 60; điểm d, khoản 2, Điều 61, BLTTHS quy định bị can, bị cáo có quyền đề nghị giám định. Luật sư Hùng cũng góp ý chi tiết về những bất cập trong việc giám định lại tại Điều 211, BLTTHS. Khoản 1, Điều 211 không quy định việc giám định lại phải do tổ chức giám định khác thực hiện là không phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khả năng kết luận giám định không khách quan. Ngoài ra, quy định về phục hồi điều tra tại Điều 235, BLTTHS không quy định rõ khi lý do tạm đình chỉ điều tra không còn thì cơ quan điều tra phải hủy quyết định tạm đình chỉ điều tra và phục hồi điều tra; cũng như góp ý về sửa đổi, bổ sung vào Chương XXXIII thêm 01 điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật phát biểu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tập trung góp ý kiến về một số quy định tại Điều 73, BLTTHS. Quyền gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam và tham dự hỏi cung là quyền quan trọng của Luật sư nhưng trên thực tế còn nhiều rào cản về thủ tục và hạn chế của Điều tra viên đối với việc Luật sư đặt câu hỏi trong buổi hỏi cung. Luật sư Công nêu cảm nhận là rất nhiều quy định tiến bộ của BLTTHS và Thông tư 46 của Bộ trưởng Bộ Công an trong thời gian gần đây không được thực thi trên thực tế. Việc gặp mặt bị can trong giai đoạn điều tra hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nên cần hướng dẫn chi tiết về trình tự gặp và giám sát để bảo đảm quyền quan trọng này của Luật sư, coi việc cản trở quyền hành nghề Luật sư là vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.

Luật sư Hà Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Luật sư Hà Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có tham luận về một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện một số quyền của người bào chữa trong BLTTHS 2015. Cùng với việc đánh giá mặt tiến bộ của BLTTHS, Luật sư Hà Hải nêu rõ trình tự gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam hiện còn chung chung, chưa rõ cách thức tiến hành việc gặp cụ thể. Việc Luật sư “có thể hỏi” sau khi Điều tra viên hỏi cung bị can mang tính tùy nghi, có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, cần sửa là “được quyền hỏi”. Luật sư Hải cho rằng việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định tại khoản 1, Điều 82 rất khó thực hiện trên thực tế vì cơ quan điều tra không thể bố trí thời gian cho Luật sư thực hiện quyền trên. Ngoài ra, Luật sư Hà Hải cũng nêu những vướng mắc khó khăn của Luật sư khi bảo vệ cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố và bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can…

Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh nêu lên sự khác biệt giữa các quy định tiến bộ của BLTTHS với thực tiễn thi hành, nêu lên một số băn khoăn về thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an địa phương. Có nhiều quy định tiến bộ như biện pháp “đặt tiền bảo lĩnh” theo Điều 122, BLTTHS nhằm thay đổi biện pháp tạm giam chưa được áp dụng trên thực tế, chưa có biện pháp và chế tài đối với sự vắng mặt của nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cả Điều tra viên khi Tòa án triệu tập đến phiên tòa. Điều 466, BLTTHS quy định chế tài đối với hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người THTT, nhưng lại không có quy định chế tài hành chính và kỷ luật đối với hành vi cản trở quyền hành nghề Luật sư. Luật sư Nguyên cũng đề cập đến thực tế việc tách, nhập vụ án có thể ảnh hưởng đến số phận pháp lý của các bị cáo do bị tổng hợp hình phạt.

Luật sư Trần Mỹ Thoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tâm sự và chia sẻ những vất vả, khó khăn, thăng trầm trong hành nghề hàng chục năm qua, ghi nhận khách quan những điểm mới, tiến bộ của BLTTHS 2015 đã thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013. Các Luật sư đã ngày càng nâng cao tố chất và kỹ năng hành nghề, không còn bị động như trước. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc, bất cập từ ý kiến phát biểu của các Luật sư tại Hội thảo là những vấn đề “muôn thuở”, nhất là vấn đề thu thập chứng cứ còn nhiều khó khăn, chưa được các cơ quan tố tụng chấp nhận là chứng cứ. Vấn đề là cần chỉ ra được nguyên nhân của thực trạng nói trên do quy định của pháp luật còn bất cập, do nhận thức của một số cơ quan và người THTT chưa tôn trọng vai trò của Luật sư hay chính từ bản thân kỹ năng và ứng xử của Luật sư?

Luật sư Trần Mỹ Thoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Luật sư Vương Sơn Hà, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tây Ninh đề cập đến việc cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản trong TTHS, đặc biệt là nguyên tắc xác định sự thật khách quan, “quyền im lặng” cần phải được cụ thể hóa như thế nào cho phù hợp thực tiễn ở Việt Nam. Cần xem xét về vị trí, vai trò của Tòa án, vì pháp luật vẫn trao cho Tòa án quyền được khởi tố vụ án tại Tòa theo Điều 298, BLTTHS, có thể xét xử tội danh nặng hơn nếu như sau khi trả hồ sơ mà Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh.

Luật sư Vương Sơn Hà, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tây Ninh phát biểu.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng-kỷ luật Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến khi cơ quan THTT lập biên bản giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, cũng cần phải coi đây như là sự cam kết tôn trọng và bảo đảm các quyền này của người bị buộc tội. Vấn đề sao chụp hồ sơ, cung cấp dữ liệu hồ sơ vụ án được số hóa cho bị can, bị cáo trong trại tạm giam như thế nào cũng cần được quy định cụ thể, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghệ số hiện nay đang phát triển. Luật sư Trâm cũng đề cập đến thủ tục lựa chọn người bào chữa, thủ tục cấp Thông báo đăng ký bào chữa và cần quy định chế tài đối với các hành vi xâm phạm đến quyền hành nghề của Luật sư.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng-kỷ luật Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Luật sư Nguyễn Văn Úy, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông, nay là Luật sư đã nhìn nhận các kết quả tích cực trong quá trình thi hành BLTTHS 2015, nhất là việc nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ Luật sư, trong đó có việc đảm bảo tranh tụng tại phiên tòa, bớt đi được hiện tượng như dân gian nói là “án bỏ túi”. Tuy nhiên, sau vài năm hành nghề, ông cảm nhận là nhiều quy định về sự tham gia của Luật sư trong quá trình điều tra còn mang tính hình thức, một số quy định còn “sạn” cần được sửa đổi không chỉ các quy định liên quan đến Luật sư mà các nội dung khác trong BLTTHS. 

Luật sư Nguyễn Văn Úy, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông phát biểu.

Tham gia Hội thảo, Thượng tá Lê Đức Túy, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh (PC01) chia sẻ góc nhìn của Cơ quan điều tra, Điều tra viên đối với vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư, với 26 năm công tác trong ngành, từ Điều tra viên cho đến nay giữ cương vị quản lý, lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh và bản thân ông thẳng thắn nhìn nhận phần lớn các Điều tra viên đều mong muốn có sự tham gia của Luật sư trong các vụ án hình sự. Ông đồng thuận với phần lớn các ý kiến phát biểu tại Hội thảo của các Luật sư, cần thiết phải xem xét để có hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp và cho rằng trong BLTTHS vẫn còn những quy định có tính “xung đột”. Hiện nay, thực tế quy định cấp Thông báo đăng ký bào chữa trong 24 giờ là ngặt nghèo, gây khó cho cơ quan điều tra, vì nếu từ khi tiếp nhận, chỉ riêng việc thủ tục đến tay Điều tra viên có thể đã mất 02-03 ngày, chưa kể phải vào Trại tạm giam hỏi ý kiến bị can. Ông Lê Đức Túy đề nghị tăng cường sự phối hợp trên cơ sở thực thi quy định của pháp luật giữa Cơ quan điều tra và Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề và các Luật sư, mong muốn các Luật sư có bản lĩnh, vững vàng về đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt chức năng xã hội của mình.

Thượng tá Lê Đức Túy, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Bà Hà Thị Thu, Phó Trưởng Phòng 2 VKSND TP. Hồ Chí Minh là người có 34 năm công tác trong ngành Kiểm sát, đã tham gia nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành các BLTTHS từ 1988, 2003 cho đến 2015, nên hiểu rõ mô hình và cơ chế tố tụng hiện nay, nhất là VKSND Tối cao là cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo. Hiện nay, VKSND TP. Hồ Chí Minh có lượng án hình sự lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 30%), 01 Kiểm sát viên có thể thụ lý giải quyết số lượng vụ án tương đương một tỉnh nhỏ, nên áp lực công việc hết sức nặng nề. Về những bất cập trong BLTTHS xuất phát từ pháp luật không theo kịp với thực tiễn đời sống tố tụng. Lãnh đạo VKSND TP. Hồ Chí Minh luôn xác định và đánh giá cao vai trò của đội ngũ Luật sư, nhất là trong quá trình tranh tụng các vụ án hình sự lớn thời gian qua, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Bà Thu cũng đề nghị Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu và xem xét có thể ký Quy chế phối hợp với VKSND TP. Hồ Chí Minh, như Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp với VKSND Tối cao vào năm 2011.

Bà Hà Thị Thu, Phó Trưởng Phòng 2 VKSND TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh trân trọng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các Luật sư tại Hội thảo, cho rằng những năm qua, TAND TP. Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sư trong việc nghiên cứu, sao chụp hồ sơ vụ án, tham gia tranh tụng tại phiên tòa, nhiều bản án đã ghi nhận ý kiến bào chữa của các Luật sư, phần lớn các vướng mắc, bất cập đều được Tòa án giải quyết thỏa đáng. Theo bà Hà, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là nhận thức và ý thức tuân thủ các quy định của BLTTHS và ứng xử chuẩn mực của các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Ông Tsukahara Masanori, chuyên gia Dự án JICA đã trình bày ý kiến của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản về hệ thống pháp luật và tư pháp Nhật Bản, trong đó có chế độ Nhà nước chỉ định người bào chữa trong TTHS. Có thể nhận thấy, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi các chính sách liên quan đến pháp luật và tư pháp bằng cách đưa ra các “Bản kiến nghị” hay tổ chức các Hội thảo để nêu ý kiến.

Chỉ tính riêng từ thàng 01 đến thàng 12 năm 2022, đã có tới 20 Bản kiến nghị được gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Để có thể hình thành các Bản kiến nghị này, trong nội bộ Liên đoàn Luật sư Nhật Bản có Ban Điều hành tổng hợp các dự thảo kiến nghị, Ban Lãnh đạo thảo luận về đề xuất lấy ý kiến của các Ban và Đoàn Luật sư, tiếp nhận ý kiến và chỉnh sửa, sau đó thống nhất để chính thức công bố. Chẳng hạn, bản “thiết kế tổng thể về cải cách tư pháp hình sự để phòng chống oan sai năm 2020” đã đề cập đến việc (1) bắt giữ, thẩm vấn, tạm giam bị can trước khi truy tố; (2) tạm giam bị cáo sau khi truy tố; (3) thủ tục sơ thẩm; (4) thủ tục phúc thẩm, kháng cáo (5) thủ tục tái thẩm; (6) điều tra nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến oan sai.

 

Ông Tsukahara Masanori, Chuyên gia Dự án JICA phát biểu tại Hội thảo.

Ông Tsukahara Masanori cũng đã đề cập sâu về tăng cường chế độ Nhà nước chỉ định người bào chữa cho bị can. Đây là chế độ cho phép Thẩm phán (thay mặt Nhà nước) chỉ định người bào chữa theo yêu cầu của bị can trong trường hợp bị can không mời được người bào chữa do đang bị tạm giam hoặc do tình hình tài chính khó khăn không trả được phí bào chữa. Trước tháng 9/2006, chỉ định người bào chữa chỉ áp dụng cho bị cáo nhưng kể từ tháng 10/2009, chế độ này đã được áp dụng cho cả bị can (chỉ áp dụng cho bị can đang bị tạm giam về tội có hình phạt tử hình, chung thân, tù ngắn hạn trên 01 năm hoặc tù không lao động khổ sai. Từ tháng 06/2018, phạm vi áp dụng được mở rộng cho bị can đang bị tạm giam về mọi loại tội… Ở Nhật Bản, cách thức Liên đoàn Luật sư tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật rất đa dạng, trong đó có Hội thảo vào năm 2008 về phát huy vai trò của việc chỉ định người bào chữa cho bị can trước phiên tòa xét xử của Bồi thẩm đoàn”, Hội thảo về hiện thực hóa chế độ Nhà nước chỉ định người bào chữa cho bị can - Những thách thức của địa phương và cách thức khắc phục…

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với ý kiến phát biểu của các Luật sư, nhất là nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo rất tâm huyết, xuất phát từ thực tiễn trải nghiệm hành nghề trong TTHS của các Luật sư. Ông cho rằng, hiện nay môi trường pháp lý và quy định pháp luật là tương đối đầy đủ, tiến bộ nhưng thực tế áp dụng có độ lùi, độ chậm nhất định so với chủ trương cải cách tư pháp được Đảng và Nhà nước xác định, nhất là một số văn bản hướng dẫn dưới luật quy định các thủ tục, cũng như quy định việc giám sát của cơ quan thụ lý đối với Luật sư trong từng giai đoạn tố tụng..

Vì vậy, các ý kiến tại Hội thảo đã phần nào phản ánh một số bất cập, khó khăn của Luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự, từ thủ tục và thời hạn cấp Thông báo đăng ký bào chữa. Tại Hội thảo, có Luật sư phản ánh được cấp Thông báo đăng ký bào chữa nhưng 08 tháng nay vẫn không được gặp mặt bị can trong Trại Tạm giam, không được tham dự hỏi cung bị can. Việc gặp mặt bị can và tham dự hỏi cung là một trong những quyền quan trọng nhất của người bào chữa trong giai đoạn điều tra, nếu Luật sư không được đảm bảo thực hiện quyền này thì vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự bị hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu của các chủ thể xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của Luật sư trong đời sống và trong tố tụng. 

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt trong định hướng sửa đổi là can phải từng bước, đi đến tháo gỡ các rào cản về hình thức và thủ tục Luật sư tham gia tố tụng. Hơn nữa, vị thế của Luật sư còn thể hiện ở quyền thu thập, và cách đánh giá chứng cứ do Luật sư cung cấp. Địa vi pháp lý của Luật sư không chỉ là sự ngang bằng về vị trí chỗ ngồi ở phiên tòa với đại diện viện kiểm sát mà là sự cân bằng trong thực hiện chức năng cơ bản của TTHS. Thời gian tới, theo kế hoạch trọng tâm đ được phê duyệt của Ban Thường vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ cố gắng tổng hợp các vướng mắc, bất cập cụ thể để đăng lý làm việc với Lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao nhằm kiến nghị tháo gỡ một cách cơ bản những vướng mắc, khó khăn trong quá trình Luật sư.

MINH HOÀNG - VĂN QUANG

Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm việc với Thường trực Thành ủy và UBND TP. Cần Thơ

Nguyễn Hoàng Lâm