Luật Biểu tình của CHLB Đức và các nước châu Âu - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

09/07/2018 22:24 | 6 năm trước

LSVNO – Ngay từ khi ra đời, quyền biểu tình không phải là một quyền riêng biệt mà nằm trong khái niệm quyền tự do hội họp (freedom of assembly, liberté de réunion) và là hình thức cao nhất của...

LSVNO – Ngay từ khi ra đời, quyền biểu tình không phải là một quyền riêng biệt mà nằm trong khái niệm quyền tự do hội họp (freedom of assembly, liberté de réunion) và là hình thức cao nhất của quyền tự do hội họp.

Xét về nguồn gốc lịch sử, biểu tình (Demonstration) xuất hiện cùng với trào lưu dân chủ hóa ở các nước phương Tây, trước hết là ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Có thể hiểu khái niệm biểu tình là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng và thường kèm theo khẩu hiệu, biểu ngữ, gắn với tuần hành của một số lượng người để thể hiện thái độ ủng hộ hoặc phản đối một điều gì đó.

Ở các nước châu Âu, pháp luật ghi nhận quyền tự do hội họp là một trong những quyền căn bản của con người và của công dân, được bảo đảm bằng hiến pháp, công ước quốc tế và công ước châu Âu về quyền con người. Nước nào cũng có pháp luật quy định về biểu tình với các điều khoản đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của những người tham gia biểu tình. Luật biểu tình được ban hành để trước hết bảo đảm quyền biểu tình, đồng thời việc biểu tình ấy không làm rối loạn an ninh và trật tự xã hội. Khác với các cuộc hội họp bình thường, biểu tình thường là hội họp ngoài trời, ở nơi công cộng cho nên pháp luật thường quy định những giới hạn để tránh gây trở ngại đến trật tự công cộng, an ninh chung của xã hội tại những địa điểm công cộng.

Ở các nước châu Âu, pháp luật ghi nhận quyền tự do hội họp là một trong những quyền căn bản của con người. Nguồn: Internet.

Pháp luật các quốc gia châu Âu không chỉ công nhận quyền biểu tình nói chung mà còn công nhận tất cả các hình thức biểu tình như biểu tình ngồi (to stage a sit-down), biểu tình xuống đường hay thường gọi là diễu hành (to take to the streets). Theo luật của Anh, biểu tình hòa bình ở Anh là hoàn toàn hợp pháp, là thể hiện cao của dân chủ. Luật Nhân quyền của Anh cấm Chính phủ và các cơ quan nhà nước vi phạm quyền biểu tình. Người tổ chức biểu tình không phải xin phép, chỉ cần thông báo thời gian và địa điểm biểu tình, chỉ xin phép đối với một số dạng biểu tình có tính đặc thù cao (như biểu tình của bác sỹ, hay lái xe phương tiện công cộng). Nếu định tổ chức tuần hành, người tổ chức phải thông báo trước 6 ngày. Nếu chỉ là biểu tình tại chỗ thì không cần thông báo trước. Cảnh sát Anh có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ đoàn biểu tình, có quyền can thiệp đảm bảo biểu tình diễn ra hòa bình, không ảnh hưởng tới quyền hợp pháp của người biểu tình.

Có thể dễ dàng nhận thấy một trong những điểm quan trọng nhất trong pháp luật về biểu tình ở hầu khắp các nước châu Âu là điều khoản quy định người biểu tình chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan chức năng trước khi biểu tình vì quan niệm rằng biểu tình là quyền của công dân, nếu người biểu tình phải xin phép cơ quan chức năng thì nhiều khi cơ quan chức năng sẽ hạn chế hoặc không cấp phép cho người biểu tình, dẫn tới cuộc biểu tình vẫn cứ xảy ra trở thành không hợp pháp.

Ở Liên bang Nga, Luật Biểu tình quy định người tổ chức biểu tình phải thông báo trước 10 ngày với cơ quan chức năng, cung cấp thời gian biểu cụ thể theo giờ người biểu tình sẽ làm gì, không tụ tập đông người sau 11 giờ đêm, có nghĩa là ở Nga cấm biểu tình dài ngày. Một số địa điểm được liệt kê trong luật không cho phép biểu tình, bao gồm “gần khu tổng thống, tòa án hoặc nhà tù”. Cơ quan chức năng có thể buộc phải thay đổi thời gian, địa điểm cuộc biểu tình nhưng phải thông báo trước 3 ngày cho người tổ chức biểu tình. Với quy định trên đây, tổ chức Quan sát quốc tế vẫn phê phán là Luật Biểu tình của Nga có nhiều hạn chế, tìm cách ngăn trở người biểu tình hòa bình thực hiện quyền của mình.

Ở Đức, quyền tự do biểu tình lần đầu tiên được quy định ở Điều 161, Hiến pháp nhà thờ thánh Paul (Paulskirchenverfassung) năm 1848, sau đó được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp Cộng hòa Weimar 1919 và Hiến pháp của CHLB Đức năm 1949. Luật Biểu tình của CHLB Đức lần đầu tiên được đăng công báo ngày 24/7/1953, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/1953. Hiện nay, các bang Bayern, Sachen-Anhalt, Sachen và Niedersachen đã xây dựng được luật biểu tình riêng. 12/16 bang còn lại thực hiện theo Luật Biểu tình của Liên bang. Cho đến nay, Luật này vẫn giữ tính ổn định cao và những quy định trong Luật có sự tương đồng cao với luật biểu tình của nhiều nước trong Liên minh châu Âu. Chính vì vậy, nghiên cứu Luật Biểu tình của CHLB Đức có thể thấy rõ hơn về pháp luật biểu tình của các nước trong Liên minh này.

Luật Biểu tình CHLB Đức gồm có 33 điều, bao gồm bốn nội dung chính: Những quy định chung; quyền nghĩa vụ của những người tham gia biểu tình; quyền và nghĩa vụ của cảnh sát và xử lý vi phạm. Nội dung biểu tình về nguyên tắc là không bị giới hạn. Người biểu tình có thể biểu tình về bất cứ vấn đề gì thuộc phạm vi của quyền tự do ngôn luận. Một quy định quan trọng trong Luật Biểu tình là những người tham gia biểu tình phải có chung ít nhất một mục đích. “Một cuộc biểu tình có mục đích chung” được hiểu là nhiều người cùng tham gia thể hiện thái độ của mình đối với xã hội hoặc đối với sự kiện chính trị hoặc công việc của nhà nước. Theo Tòa án Hiến pháp liên bang, “chung mục đích” là “sự ràng buộc về nội dung của những người tham gia biểu tình, cùng hướng tới ít nhất một mục đích cụ thể”. Những sự kiện do tư nhân tổ chức mang tính giải trí, văn hóa, chẳng hạn biểu diễn văn nghệ, ca nhạc ngoài trời… không được gọi là biểu tình, được điều chỉnh theo các luật khác.

Biểu tình ở trong nhà thì không phải thông báo, tuy nhiên biểu tình ở ngoài trời nơi sinh hoạt cộng đồng thì phải thông báo để bảo đảm trật tự chung và coi đó là một nghĩa vụ pháp lý. Bất cứ ai tổ chức biểu tình ở ngoài trời phải tiến hành thông báo cho cơ quan có thẩm quyền chậm nhất trước 48 giờ, trong đó phải nêu rõ các thông tin về biểu tình, ai là trưởng đoàn biểu tình và chịu trách nhiệm về cuộc biểu tình, nội dung các biểu ngữ sử dụng trong cuộc biểu tình.

Khi cuộc biểu tình diễn ra đã được thông báo trước thì các cơ quan nhà nước không những phải tôn trọng cuộc biểu tình ấy mà còn phải tạo điều kiện để cuộc biểu tình ấy được thực hiện. Phán quyết số 69 của Tòa án Hiến pháp liên bang đã nêu rõ “các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức, tạo mọi điều kiện cho cuộc biểu tình diễn ra một cách ôn hòa”. Đoàn biểu tình chỉ cần công bố rõ thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình, còn việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông ra sao là thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Luật Biểu tình ở Đức xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là phải tổ chức các phương tiện giao thông tại nơi diễn ra biểu tình để đảm bảo an toàn cho cuộc biểu tình. Luật quy định rất rõ về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của “người trưởng đoàn”, theo đó cuộc biểu tình nào cũng phải có một người trưởng đoàn, là người tổ chức tiến hành và chịu trách nhiệm về cuộc biểu tình. Người trưởng đoàn sẽ chịu trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình diễn ra một cách ôn hòa, không vũ khí. Trưởng đoàn có quyền dừng hoặc chấm dứt biểu tình bất cứ lúc nào, có thể tước quyền biểu tình của bất cứ ai có hành động gây rối, hoặc không tuân theo chỉ đạo của trưởng đoàn. Người bị trưởng đoàn đuổi khỏi đoàn biểu tình, phải có nghĩa vụ rời khỏi đoàn biểu tình ngay lập tức, cảnh sát sẽ hỗ trợ trưởng đoàn thực hiện đúng nhiệm vụ trong trường hợp người bị đuổi không tuân theo yêu cầu của trưởng đoàn biểu tình. Luật Biểu tình cũng cho phép người trưởng đoàn có thể cử ra một số người trợ giúp biểu tình (Ordner) từ thành viên của đoàn biểu tình đó. Những người trợ giúp biểu tình này phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký biểu tình. Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm thông báo cho cảnh sát về những người trợ giúp biểu tình này. Luật Cơ bản và Luật Biểu tình của CHLB Đức đều không quy định rõ số lượng người tham gia biểu tình là bao nhiêu, tuy nhiên thuật ngữ “Versammlung”có nghĩa là một tập hợp người thì tối thiểu cần có ít nhất hai người tham gia. Không có luật nước nào ở châu Âu giới hạn số lượng người tham gia biểu tình, vì vậy các cuộc biểu tình có thể diễn ra tại một địa phương, một bang, toàn liên bang hoặc nhiều nước châu Âu, thậm chí toàn bộ Liên minh châu Âu.

Có thể đưa ra một số ví dụ về biểu tình với những quy mô, tính chất khác nhau ở châu Âu, trong đó có CHLB Đức. Ngày 15/10/1969 có 250.000 người ở khắp Châu Âu xuống đường phản đối chính sách của Washington, ủng hộ Việt Nam. Ngày 10/10/1981 riêng ở thủ đô Bon của Tây Đức có 300.000 người biểu tình chống lại đạo luật của NATO. Ngày 25/10/1981 có hơn 200.000 người tập trung ở các thủ đô lớn như Brucxen (Bỉ), Amsterdam (Hà Lan), Bon (CHLB Đức) phản đối chính sách của Nonal Rigân. Ngày 15/2/2003, hàng triệu người trên thế giới mà chủ yếu là châu Âu xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở I-Rắc, riêng thành phố Beclin của Đức có 500.000 người tham  gia. Đầu năm 2015, trang mạng của tờ Lepoint đã đăng tải thông tin về việc các nhà chức trách Pháp hạ thấp tốc độ tối đa ở các tuyến đường phụ từ 90 km/h xuống 80 km/h; đối với các xe môtô có dung tích xi-lanh dưới 125cc thì tốc độ tối đa trên các tuyến đường này là 60 km/h, được áp dụng từ 1/1/2015. Tuy nhiên, những người đi môtô tại Pháp lại không hài lòng về dự luật này, chính vì vậy mà những cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp với sự tham gia của hàng chục nghìn người sử dụng môtô, hoạt động biểu tình này thậm chí còn thu hút được cả sự ủng hộ của những người đi xe hơi và lực lượng cảnh sát. Hiệp hội những người đi môtô của Pháp đã kêu gọi được hàng chục nghìn thành viên diễu hành trên đường và làm đúng với luật trên. Sự đông đảo cộng với tốc độ “đúng luật” đã khiến các tuyến đường phụ này rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Mặc dù các nhà chức trách cho biết dự luật này được ban hành nhằm làm giảm số người tử vong do tai nạn xe hơi, tuy nhiên phần đông người tham gia biểu tình cho rằng nhà nước Pháp đang cố gắng thu thêm tiền bằng việc ban hành thêm nhiều khoản phí đi kèm với dự thảo luật trên và tiền phạt thu từ việc đi quá tốc độ giới hạn. Trong những ngày cuối năm 2015, các cuộc biểu tình với hàng trăm người tham gia liên tục diễn ra tại thành phố Lepzic của CHLB Đức với 2 loại khẩu hiệu biểu ngữ trái ngược nhau: Hàng trăm người phản đối chính sách nhập cư của chính phủ, hàng trăm người biểu tình khác thể hiện thái độ ủng hộ, trong đó có các cuộc biểu tình bị quấy rối buộc cảnh sát phải vào cuộc…

Nhìn chung các cuộc biểu tình phải theo nguyên tắc hòa bình, trong Luật Biểu tình của CHLB Đức gọi là biểu tình “ôn hòa”. Người tham gia biểu tình không được sử dụng vũ khí hay công cụ có tính bạo lực  nào nhằm mục đích gây tổn thương hoặc làm thiệt hại tài sản của người khác hay tài sản công; không được mặc những trang phục, hoặc sử dụng những biểu tượng có tính chất thù địch về mặt chính trị.

Nhằm đảm bảo trật tự và an toàn cho hoạt động biểu tình, Luật Biểu tình CHLB Đức quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật biểu tình ở ngay trong Luật tại Điều 21: “Ai đe dọa, chia rẽ, gây trở ngại hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp bằng các hành động bạo lực sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị phạt tiền.” Quy định này là đã xác định rõ chế tài đối với bất kỳ ai, kể cả người thi hành công vụ xâm phạm quyền tự do biểu tình hiến định của người dân.

Nhằm đảm bảo trật tự và an toàn cho hoạt động biểu tình, Luật Biểu tình CHLB Đức quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật biểu tình. Nguồn: Internet.

Pháp luật về quyền ở CHLB Đức có 02 điều khác cơ bản với pháp luật Việt Nam: Thứ nhất, ở Đức chỉ có luật do Nghị viện ban hành mới được giới hạn các quyền của công dân. Quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản khác trong luật cũng vậy, cơ quan hành pháp không có thẩm quyền giới hạn, hạn chế các quyền công dân. Thứ hai, khi cho rằng quyền tự do cơ bản của mình bị xâm hại, công dân có quyền khởi kiện và được giải quyết bởi một thiết chế tài phán độc lập theo Điều 19 khoản 3 Luật Cơ bản. Ngoài ra, công dân Đức cũng có quyền khởi kiện trực tiếp lên Tòa án Hiến pháp liên bang theo Điều 93 khoản 1 mục số 4a Luật Cơ bản.

Ở Việt Nam, quyền biểu tình, quyền tự do lập hội, tự do hội họp đã được ghi nhận trong Hiến pháp như một quyền cơ bản của con người và nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ký công ước của Liên hợp quốc về các quyền này. Tuy nhiên, vấn đề biểu tình đã và đang cần được nhận thức lại một cách đúng đắn hơn để có chính sách pháp luật phù hợp. “Biểu tình” là một từ Hán Việt trong đó hiểu một cách đơn giản thì “biểu” là thể hiện, biểu thị, bày tỏ; “tình” là tình cảm, thái độ, cảm xúc. theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì biểu tình là việc“dân chúng tụ họp nhau để biểu thị ẩn tình và ý nguyện”. Như vậy, biểu tình về thực chất là sự bày tỏ tình cảm, thể hiện thái độ, biểu thị cảm xúc. Để thể hiện được thái độ thì phải có ít nhất 2 người trở lên, nhưng khác với việc bày tỏ tình cảm yêu hay ghét giữa hai người, biểu tình là cách biểu lộ thái độ của một số đông người ở nơi công cộng để ủng hộ hay phản đối một điều gì đó. Biểu tình là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của con người, đó là nhu cầu “bày tỏ cảm xúc”. Mỗi cá nhân đều có lúc vui, lúc buồn và những lúc như thế thường có nhu cầu bày tỏ để được thể hiện, cảm thông và chia sẻ. Biểu tình là sự bày tỏ mang tính tập thể, nếu cá nhân mỗi người thấy quyền bày tỏ cảm xúc của mình là chính đáng cần được tôn trọng thì việc biểu tình là bày tỏ ý kiến tập thể cũng phải được tôn trọng. Có một số người do tính cách sống nội tâm, không hay biểu lộ cảm xúc của mình ra ngoài và họ không có nhu cầu tham gia vào các hoạt động bày tỏ tập thể, không có nhu cầu tham gia biểu tình, vì thế quyền không tham gia biểu tình cũng cần được tôn trọng như quyền tham gia biểu tình. Suy luận logic có thể thấy pháp luật không thể ngăn cấm biểu tình, nhưng cũng không ai có thể ép buộc một người tham gia hoặc không tham gia biểu tình.

Ở các nước văn minh thì luật biểu tình là một công cụ để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phương tiện để nhân dân trực tiếp thể hiện thái độ của mình. Song lâu nay ở nước ta, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu đồng nghĩa với hành vi chống đối. Thực tế, biểu tình là thể hiện thái độ, đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi, không có nghĩa là chống đối và không thể coi là chống đối. Chống đối và thể hiện thái độ phản đối là khác nhau cả về khái niệm và thực tiễn pháp lý. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân mà khi đưa ra chủ trương, chính sách, pháp luật không thấy được dân đồng tình hay phản đối thì chính sách pháp luật ấy sẽ trở nên quan liêu và bản chất nhân dân của nhà nước sẽ dần thui chột. Nhìn vào các cuộc biểu tình trong thực tế,thấy đối tượng mà các cuộc biểu tình phản đối hay ủng hộ cũng rất đa dạng, không chỉ thể hiện thái độ với chính phủ mà còn rộng lớn hơn nhiều, thể hiện thái độ với những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, có thể là cá nhân, quốc gia, hoặc cả một liên hiệp các quốc gia, cả những vấn đề quốc tế.

Các cuộc biểu tình ở Việt Nam không phải gần đây mới có, thậm chí nó còn rất đa dạng về hình thức, mục tiêu và diễn ra rất sôi nổi. Năm 1926, một cuộc biểu tình với hơn 6 vạn người tham gia dưới hình thức đưa tang cụ Phan Châu Trinh, là sự bày tỏ tình cảm của nhân dân đối với cụ Phan và cũng là sự thể hiện lòng yêu nước, đoàn kết và sức mạnh lực lượng của nhân dân ta trước thực dân Pháp. Những năm 1936-1939 có nhiều cuộc biểu tình yêu cầu dân sinh dân chủ đã xảy ra trong lòng chủ nghĩa thực dân phong kiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở miền Nam Việt Nam đòi hòa bình thống nhất đất nước và phản đối ách kìm kẹp của Mỹ, Ngụy...

Kinh nghiệm nhiều nước và ở nước ta, trong lịch sử và đương đại cho thấy các cuộc biểu tình hợp pháp là kênh thông tin rất quan trọng phản ánh nhu cầu của một bộ phận dân chúng đối với các vấn đề, tình trạng xã hội, qua đó chính phủ và dư luận biết được nguyện vọng của dân chúng, điều chỉnh chính sách hiện có hoặc ban hành các chính sách mới thích hợp. Cơ chế phản hồi này giúp xã hội phát triển ổn định và hài hòa, thích ứng được với các nhu cầu thay đổi của thời cuộc. 

Ở Việt Nam, quyền biểu tình đã được hiến định nhưng hiện chưa có luật biểu tình nên khi người dân có nguyện vọng muốn bày tỏ tình cảm, quan điểm của mình một cách tập thể, tụ tập tại chốn đông người thì chính quyền không biết cách hành xử như thế nào, thường hành xử theo chỉ thị của các cấp lãnh đạo. Vì không có chuẩn mực pháp luật nên mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi người lãnh đạo chỉ đạo một kiểu, càng chỉ đạo càng lúng túng, cách giải quyết thông thường là cố gắng dẹp bỏ các cuộc biểu tình bằng mọi cách và rất tùy tiện. Tâm lý sợ đám đông trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý thể hiện ngày càng rõ rệt. Việc dùng các thủ đoạn để giải tán đám đông càng làm cho mâu thuẫn xã hội nhiều khi trở nên rất gay gắt, gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quyền tự do hiến định của người dân. Nguyện vọng của dân không được chính quyền lắng nghe, những sai sót trong quản lý không được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình, mâu thuẫn không được giải quyết sẽ chồng chất lại, bị kìm nén giống như thùng thuốc súng, sẵn sàng bắt nổ khi có điều kiện sẽ dẫn tới tình trạng bạo động, chẳng hạn như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, nông dân gây nên tại một số địa phương ở Thái Bình, vụ bạo động ở nhà máy Sam Sung… Vì thế, việc thúc đẩy để đi tới xây dựng và ban hành luật biểu tình là việc cần làm và mang tính bức xúc, không chỉ để tháo ngòi nổ cho những nguy cơ xung đột nhất thời, mà căn bản và quan trọng hơn là luật bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho con người và công dân Việt Nam.

Xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về biểu tình hiện đang là sứ mệnh của Nhà nước, là phép thử về bản chất dân chủ và tính chất nhân dân của Nhà nước trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trong xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về biểu tình ở Việt Nam hiện nay cần lưu ý thêm một số điểm sau đây:

Một là, cần thấy rõ rằng trong tình hình hiện naykhông phải chờ đến khi có Luật Biểu tình thì người dân mới có quyền biểu tình mà quyền biểu tình là quyền đương nhiên của người dân, không phải là quyền do Nhà nước ban phát. Mặt khác, Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, đã ghi nhận quyền biểu tình, vì vậy không thể nói các cuộc biểu tình diễn ra khi chưa có Luật Biểu tình là “bất hợp pháp”như một số ý kiến đã nêu.

Hai là, xét dưới giác độ pháp lý, chưa có luật biểu tình có nghĩa là quyền biểu tình của công dân chưa có đủ các điều kiện bảo đảm và cũng chưa có bất cứ hạn chế nào. Như vậy các cơ quan nhà nước phải tôn trọng quyền biểu tình, bảo vệ quyền biểu tình và bảo đảm thực hiện các quyền biểu tình theo Hiến pháp một cách vô điều kiện chứ không phải là dùng sức mạnh của nhà nước để hạn chế quyền biểu tình, càng không phải là cấm đoán hoặc phá hoại các cuộc biểu tình. Đồng thời cơ quan hành chính nhà nước không thể ngộ nhận về quyền hạn của mình để cho phép hoặc cấm đoán, hạn chế biểu tình, thậm chí đàn áp biểu tình, bởi vì cốt lõi của nhà nước pháp quyền là ở chỗ: Chính phủ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không ngăn cấm.

Ba là, để quản lý biểu tình thì Chính phủ phải soạn thảo và khẩn trương trình dự án Luật Biểu tình, để Quốc hội xem xét và ban hành, chứ Chính phủ không có quyền đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với quyền hiến định của người dân đã được quy định trong Hiến pháp. Cần thấy rõ rằng Hiến pháp 2013 trao quyền cho Quốc hội ban hành Luật Biểu tình để bảo đảm thực hiện quyền biểu tình của công dân, Hiến pháp hoàn toàn không trao cho Chính phủ quyền ban hành nghị định để hạn chế công dân thực hiện quyền biểu tình. Do vậy, việc chính quyền ban hành và viện dẫn Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA và một số văn bản dưới luật khác để ngăn cản và hạn chế biểu tình là vi phạm Hiến pháp. Bản thân các nghị định và thông tư trên ban hành đã là vi hiến, vì không có giá trị pháp lý nên người biểu tình không thể bị quy chụp là “tụ tập đông người”, “gây rối trật tự công cộng” theo nghị định của Chính phủ và thông tư của bộ, ngành. Thực chất, hoạt động biểu tình là quyền con người, quyền công dân, việc ban hành luật điều chỉnh hoạt động biểu tình và quản lý hoạt động biểu tình theo đúng luật là trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Bốn là, Hiến pháp và Luật Biểu tình được làm ra là để hạn chế quyền lực nhà nước, để quy định trách nhiệm của Nhà nước, để bảo đảm quyền và tự do của công dân. Do vậy, Luật Biểu tình được ban hành phải là luật bảo đảm quyền biểu tình của công dân, luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình. Một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì không những không sợ và không thể sợ biểu tình mà ngược lại phải biết lấy biểu tình làm sức mạnh gốc, coi biểu tình như sức mạnh của chính quyền nhân dân, như một chiếc cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, coi đó là phương tiện hữu hiệu để khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các căn bệnh tham nhũng, lãng phí. Biểu tình còn là hoạt động biểu dương sức mạnh cộng đồng. Không ít những cuộc biểu tình ở châu Âu mà người dẫn đầu các cuộc biểu tình ấy trực tiếp là thủ tướng, chẳng hạn như cuộc biểu tình ở Stockhôm (Thụy Điển) do Thủ tướng Olop Panmơ dẫn đầu ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược trước đây. Ngăn cấm biểu tình bằng cách này hay cách khác đều là việc đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới, đi ngược lại tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền đã nêu trong Hiến pháp.

Năm là, cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân từ phía cơ quan công quyền phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và thể hiện văn hóa pháp lý trong quan hệ giữa nhà nước và công dân. Biểu tình là một kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, chính quyền ngày càng hoàn thiện qua việc lắng nghe dân, cân nhắc, điều chỉnh và hoạch định các chính sách liên quan sao cho hợp với lòng dân hơn, đồng thời có kế hoạch đưa hoạt động này trở nên có nề nếp, trật tự, thực sự là sinh hoạt xã hội thiết thực và bổ ích của người dân, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng và đời sống tinh thần của nhân dân.

PGS. TS. LS Chu Hồng Thanh