/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng dùng nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự

Luật sư kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng dùng nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Liên quan đến vụ việc các cán bộ Công an ở Hà Giang bị bắt vì dùng nhục hình với nghi phạm, có thể thấy việc dùng nhục hình của các cán bộ điều tra trong vụ việc này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015), Luật chuyên ngành có liên quan.

Ảnh minh họa.

Tội “Dùng nhục hình” quy định tại Điều 373 của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015), được hiểu là hành vi của những người tiến hành tố tụng bao gồm những người như: Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra, Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân, Thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân, Trưởng trại giam giữ, trại cải tạo và cũng có thể là Công an xã, phường trong khi hoạt động tư pháp, hải quan, kiểm lâm, thuế vụ (bắt giữ người khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền)…; đã có những hành vi như: tra tấn, đánh đập người bị điều tra, xét hỏi người bị giam giữ, tạm giam hoặc dùng những thủ đoạn tàn ác khác gây đau đớn về thể xác, gây tổn hại về sức khoẻ như bắt nhịn đói, nhịn khát, ăn cơm nhạt, không cho ngủ… hay bất kể một hành vi khác với những hành vi đã nêu trên, nhưng gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạn, không được pháp luật cho phép.

Trường hợp Đại úy Đặng Thế Đông, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy cùng với Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp (là Công an viên thị trấn Vĩnh Tuy) xác định rõ là đã có hành vi nhục hình người bị tình nghi tên H. Theo Thông báo kết luận giám định số 662a/VKSNDTC – C1 (P8) ngày 22/06/2020 ghi rõ: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông H. tại thời điểm giám định là 12% (mười hai phần trăm). Cơ chế hình thành thương tích: Tổn thương các móng tay do tác động của nhiệt nóng. Sẹo dương vật do tác động của vật tày gây ra”.

Những hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng như vậy là những hành vi nhục hình, tra tấn, đánh đập một cách trái pháp luật, đã bị pháp luật cấm và không cho phép được thực hiện khi lấy lời khai của người bị tình nghi. Những người vi phạm Điều 373 của BLHS 2015 liên quan đến tội nhục hình sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tù như sau:

  • Khoản 1: phạt tù từ 06 tháng – 03 năm;
  • Khoản 2: phạt tù từ 02 năm – 07 năm;
  • Khoản 3: phạt tù từ 07 năm – 12 năm;
  • Khoản 4: phạt tù từ 12 năm – 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, khoản 5 của Điều 373 còn áp dụng thêm hình thức xử phạt: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm – 05 năm.

Điều 373. Tội dùng nhục hình
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
đ) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm người bị nhục hình tự sát.
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Việc nhục hình của các cán bộ điều tra trong vụ việc này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015), Luật chuyên ngành có liên quan. Những văn bản quy phạm pháp luật này đã nghiêm cấm những hành vi nhục hình, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định của Hiến pháp 2013, Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Điều 10 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người”. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật chung bảo vệ quyền con người, quyền công dân đúng đắn, rõ ràng.

Đối với vụ việc nêu trên, ông H. chưa phải là người phạm tội, cũng chưa bị Viện kiểm sát truy tố hay bị Tòa án phán quyết bằng một bản án tuyên là có tội. Mà nếu như ông H. có phạm tội thì ông H. cũng không thể bị đối xử theo kiểu tra khảo, hành hạ, đánh đập trái pháp luật như vậy được. Sức khỏe, tính mạng của người bị tình nghi như ông H. vẫn phải được đảm bảo, phải được tôn trọng theo đúng những quy định của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và những luật khác có liên quan.

Thứ hai, theo quy định của các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn luật quy định

Những cán bộ điều tra trong vụ việc nêu trên làm việc trực thuộc hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân. Hệ thống Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã quy định tại Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự 2015. Theo đó, tại Điều 14 Luật này đã quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm, khoản 2 quy định: “Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc tra tấn, nhục hình đã được quy định rất rõ trong Thông tư 28/2014/TT-BCA điều tra hình sự Công an nhân dân ngày 07/04/2014. Tại điểm e khoản 2 Điều 31 quy định đối với những việc mà điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm: “Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trưởng công an Đông và các công an viên như Tấn, Hiệp là những người biết luật, hiểu luật, là những người thực thi pháp luật. Thế nhưng họ đang vi phạm những quy định của Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Thông tư 28/2014/TT-BCA điều tra hình sự Công an nhân dân đã quy định.

Vụ án bức cung, nhục hình Nguyễn Thanh Chấn, mới đây là “Vụ án 5 công an nhục hình gây chết người vào năm 2018” là những vụ án tiêu biểu liên quan đến việc dùng nhục hình và nhiều vụ án khác về bức cung, nhục hình là những vụ việc đỉển hình.

Việc dùng nhục hình như vậy luôn dẫn đến án oan sai, đẩy những người vô tội vào vòng lao lý, sai trái với quy định của pháp luật. Nếu xét về nguyên nhân vụ việc, có thể do một số yếu tố chủ quan như: nôn nóng, bị áp lực công việc, muốn nhanh chóng phá án, hoặc muốn nhanh chóng hoàn thành hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên dù với mục đích gì hay với động cơ gì đi chăng nữa, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cán bộ điều tra cũng vẫn phải là những người “dụng công, thủ pháp, chí công vô tư” khi điều tra, giải quyết những bước đầu tiên khi bắt đầu vụ án theo đúng quy trình tiến hành tố tụng của pháp luật, để đảm bảo việc xét xử là “đúng người”, “đúng tội”, phù hợp với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Một số kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng "dùng nhục hình"

Để tránh tình trạng "dùng nhục hình" như hiện này, theo quan điểm của tôi, cần phải làm một số việc như sau:

Thứ nhất, thiết lập hệ thống camera theo dõi, giám sát việc nhục hình (có thể thiết lập tại phòng lấy lời khai, khẩu cung, hoặc dọc theo hành lang từ phòng giam tới phòng lấy lời khai). Việc nhục hình thường diễn ra đi kèm với việc bức cung. Bởi thực tế hiện nay, có một số địa phương cũng như là có một số cán bộ điều tra vì muốn hoàn thành sớm hồ sơ vụ án, muốn hoàn thành sớm quá trình khởi tố để chuyển hồ sơ vụ án sang cho Viện kiểm sát truy tố, đã không từ thủ đoạn, sử dụng vũ lực, sử dụng vũ khí để hăm dọa, đánh đập những người bị tình nghi, bị can, bị cáo trong trại giam giữ. Họ cũng có thể áp dụng những phương thức thủ đoạn khác như phạt không cho ăn, hoặc đổ những thức ăn hỏng cho những người bị tạm giữ, tạm giam hoặc tù nhân trong trại bị đối xử thô bạo. Nếu có thực hiện hành vi nhục hình, camera sẽ lưu lại được những hành vi nhục hình của họ, đây sẽ là căn cứ để quyết đinh xem rằng họ có đang vi phạm những quy định của pháp luật tố tụng hay không.

Thứ hai, cần phải có chế tài xử phạt, xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp nhục hình. Việc sử dụng nhục hình thường là những người thực thi pháp luật, những người có thể dễ dàng lợi dụng sơ hở do nắm trong tay quyền thực hành các quy định của pháp luật liên quan. Họ dễ dàng nhục hình để thực thi bởi họ biết cơ chế, chế tài xử phạt chưa thật sự được nghiêm minh, chưa thực sự đủ mạnh để răn đe, nên họ vẫn có thể thực hiện.

Như vậy, để tránh tình trạng này, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quản lý cấp Bộ ngành cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, phải xem xét lại những quy định pháp luật, phải ban hành những quy định cụ thể rõ ràng, tránh được việc lợi dụng. Việc đưa vào những văn bản, quy định pháp luật mới, ví dụ như Thông tư 28/2014, Luật tổ chức điều tra hình sự 2015 và các văn bản hướng dẫn khác, hiện chưa có những chế tài rõ ràng hơn để xử lý những hành vi vi phạm này. Việc dùng nhục hình đối với những người bị tình nghi, tạm giữ, tạm giam, tù nhân có nhiều cách thức, nhiều phương thức để thực hiện.

Việc xử phạt nghiêm minh cũng đã được quan tâm, chú trọng trong Nghị quyết 49/NQ-Bộ Chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, quy định tại mục II, tiểu mục 2.1 Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp như sau: “Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”.

Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước có thể cho phép một cơ quan giám sát độc lập, ngoài Viên kiểm sát, có thể là một tiểu ban giám sát thuộc Quốc hội thực thi giám sát những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan để tránh tình trạng nhục hình. Tiểu ban giám sát thuộc Quốc hội có chức năng độc lập với các cơ quan thực thi pháp luật, chịu sự phân công của Quốc hội, và có vai trò phối hợp chung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và các điều tra nói riêng, nhằm đảm bảo công tâm, khách quan, minh bạch hơn, tránh được sự lạm dụng quyền lực để bức cung, nhục hình người bị tình nghi, người bị tam giữ, tạm giam, bị can.

Luật sư VŨ VĂN BIÊN
Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước
/luat-su-noi-ve-viec-can-bo-cong-an-bi-bat-vi-dung-nhuc-hinh-o-ha-giang.html