Ảnh minh họa.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người dân về pháp luật cũng ngày càng được nâng cao. Trong bối cảnh người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn pháp luật là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm thì vai trò, vị trí của đội ngũ Luật sư nói riêng là ngày càng quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực tố tụng.
Trong tố tụng hình sự, không ít các vụ án có sự tham gia của nhiều Luật sư bào chữa, bảo vệ cho nhiều người người tham gia tố tụng khác nhau. Khi đó, việc xung đột, mâu thuẫn, trái ngược và đối lập giữa các Luật sư là hiện hữu theo các mức độ khác nhau.
Do đó, trong khi tranh luận đôi khi phát sinh những vấn đề được cho là thiếu tôn trọng đối với đồng nghiệp. Thậm chí, việc tranh luận tại phiên tòa có thể diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm, văn hóa pháp đình của phiên tòa.
Thực tế cho thấy một số biểu hiện của Luật sư như sau: Tỏ thái độ (cười cợt, liếc mắt,…) khi đồng nghiệp đang trình bày, đối đáp; có lời lẽ khó nghe, châm biếm đối với đồng nghiệp như “việc Luật sư của bị cáo cho rằng … là không hiểu luật”, “không biết Luật sư của bị hại có nắm vững quy định của luật hay không”…; có hành vi vung tay, chỉ trỏ về phía đồng nghiệp… Theo tôi, đây là các hành vi thể hiện sự “thiếu tôn trọng” tại phiên tòa của Luật sư mà trước hết là thiếu tôn trọng đối với đồng nghiệp của mình. Bên cạnh đó, mặc dù không trực tiếp nhưng những hành vi nêu trên cũng phần nào thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với người điều hành phiên tòa (Chủ tọa), người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, điều này còn cho thấy Luật sư chưa thể hiện tốt văn hóa pháp đình.
Theo Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, tại mục 27.1 Quy tắc 27 quy định: “Luật sư phải tôn trọng người tiến hành tố tụng, Luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa”. Chưa hết, Quy tắc 17 nêu rõ: “Trong giao tiếp, hành nghề Luật sư, Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề. Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của Luật sư”.
Như vậy, dù có đối lập, trái ngược về quan điểm, về khách hàng, về lợi ích hướng tới thì Luật sư cũng phải “tôn trọng đồng nghiệp”, tôn trọng các thành phần khác và phát huy tốt văn hóa pháp đình. Điều này đòi hỏi Luật sư khi tranh luận tại phiên tòa không được thực hiện các hành vi nêu trên mà cần mềm dẻo, linh hoạt, lắng nghe và thực hiện tốt quyền của mình trong khuôn khổ bình đẳng với đồng nghiệp.
VĂN LINH
Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân
Không ngừng học tập và ứng dụng khoa học, kỹ thuật thể hiện sự tận tâm của Luật sư với khách hàng