/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Luật Tiếp cận thông tin – Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện

Luật Tiếp cận thông tin – Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, qua đó tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Luật Tiếp cận thông tin ra đời dựa trên nền tảng của 02 bản Hiến pháp (Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013) quy định về quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Luật ra đời có ý nghĩa hết sức thiết thực, là cơ sở pháp lý giúp người dân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin có được, tham gia phản biện xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Ảnh minh họa.

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc đời sống nhân dân được nâng cao, cơ hội tiếp cận với cách mạng 4.0 ngày càng gần thì nhu cầu tìm hiểu thông tin của công dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng, nhất là những thông tin liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, buôn bán, đầu tư, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân và tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển càng phải được nâng cao.

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin trong thực tế vẫn còn bất cập, hạn chế:

- Việc công khai thông tin chưa thực hiện đầy đủ, một số thông tin cần phải công khai chưa được các cơ quan nhà nước công khai hoặc công khai chưa kịp thời. Chưa có sự điều tra, khảo sát về mức độ tiếp cận thông tin của công dân, vì vậy, các nhận định còn mang tính định tính, chưa có định lượng cụ thể. Việc lựa chọn hình thức công khai chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thông tin không đến được với người dân. Việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan cung cấp, không cung cấp chưa được triển khai thực hiện.

- Công tác tuyên tuyền phổ biến vẫn còn hình thức nên người dân, đặc biệt là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa nắm bắt và hiểu rõ được các quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin được quy định trong luật.

- Cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin. Ở nhiều nơi chưa xác định rõ mô hình về cán bộ đầu mối; tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Do đó chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị.

- Đối với những vùng khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nguồn kinh phí đầu tư cho các điều kiện bảo đảm TCTT của người dân còn thiếu, chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Cơ sở vật chất phục vụ việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và việc tiếp cận pháp luật của người dân như trụ sở làm việc, máy vi tính, mạng internet... còn gặp nhiều khó khăn.

Để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tiếp cận công dân, cần có một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xác lập cơ chế pháp lý hữu hiệu, đầy đủ. Đó là xây dựng một luật khung về quyền tiếp cận thông tin trên cơ sở pháp điển hóa một cách chung nhất các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, xác định rõ các thông tin được tiếp cận (thông tin được công bố công khai rộng rãi và thông tin tiếp cận theo yêu cầu) và thông tin không được tiếp cận (các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh) hoặc chưa được tiếp cận (thông tin đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thông tin đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo). Quy định trình tự, thủ tục chung về tiếp cận thông tin, cơ sở từ chối cung cấp thông tin để tạo cơ sở pháp lý cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Đồng thời, cũng phải có cơ chế bảo vệ người dân khi bị từ chối yêu cầu cung cấp thông tin bằng chính những thiết chế của Luật TCTT, không nên đẩy vấn đề sang cho Luật Khiếu nại, tố cáo thì sẽ không hiệu quả. Ngoài ra, Luật cũng cần quy định sẽ xử lý cán bộ, công chức như thế nào khi từ chối cung cấp thông tin không đúng quy định.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mô hình tổ chức của cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, quy định rõ các tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất, giúp các cơ quan, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí người có đủ năng lực, điều kiện làm nhiệm vụ, nhất là cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, các cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức, trình độ về Luật TCTT để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành luật trong thực tiễn. Ðồng thời, cần quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm nhằm bảo đảm thực hiện tốt các quy định (Ðiều 15) của luật, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc thực hiện Luật TCTT. Cụ thể hơn, cần quy định cụ thể về chế tài đánh giá, bình xét, xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin theo quy định của luật, nhằm nâng cao và phát huy hết trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cung cấp thông tin. Văn bản quy phạm phải có tính ổn định, hạn chế thay đổi nhiều, nếu có thay đổi thì phải thống kê những danh mục, nội dung còn hiệu lực và những danh mục, nội dung được thay thế để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật vào thực tế. Việc ban hành văn bản phải bảo đảm tiến độ, kịp thời với hiệu lực thi hành của Luật.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TCTT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thức tuyên truyền mới, phù hợp. Tiếp tục sử dụng các hình thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tài liệu tuyên truyền (đề cương giới thiệu, phổ biến các văn bản luật, pháp lệnh; sách hỏi - đáp pháp luật; tờ rơi, tờ gấp pháp luật; đặc san tuyên truyền pháp luật; các loại băng tiếng, băng hình với các nội dung pháp luật đơn giản, ngắn gọn và các cuộc nói chuyện về pháp luật…) và khéo léo kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức thi sân khấu hóa, lồng ghép trong các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cùng nhiều hình thức khác nhằm phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về quyền TCTT theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, các cơ quan, đơn vị lập phải thường xuyên vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; cập nhật Danh mục thông tin phải được công khai và đăng tải Danh mục trên Cổng thông tin điện tử, thường xuyên cập nhật và công khai thông tin theo đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục. Việc lập danh mục này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là khâu đầu tiên trong quá trình công khai thông tin, tránh việc bỏ sót thông tin hoặc công khai nhầm thông tin thuộc bí mật. Trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử. Duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu.

Thứ năm, cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đầu tư hạ tầng cơ sở để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật, người mù chữ hoặc người dân tộc thiểu số cũng như quan tâm hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, để các sở, ngành, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, địa  phương có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu.

Thứ sáu, cần có sự kết hợp của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các cán bộ, công chức và công dân trong quá trình tiếp cận, triển khai thực hiện Luật TCTT, trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử của các sở, ngành cấp tỉnh , cấp huyện và UBND các xã, phường thị trấn. Nếu phát hiện những bất cập, hạn chế, vướng mắc cần báo cáo, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng luật trong thực tiễn. Đồng thời, kịp thời khen thưởng, động viên các cơ quan, đơn vị, cá nhân có những thành tích trong hoạt động triển khai thi hành Luật, bên cạnh đó cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở việc thi hành Luật TCTT trong thực tiễn.

Việc thực hiện các giải pháp trên sẽ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, từ đó phát huy được phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”. Đồng thời tăng cường cơ chế để nhân dân giám sát được sự minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ, có như thế người dân mới tin tưởng, ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý nhà nước trong thời gian tới.

NGUYỄN THỊ YẾN HOA

Tòa án quân sự Quân khu 1

Vướng mắc thực hiện quyền được bào chữa, bảo vệ trong quá trình tố giác tội phạm

Lê Minh Hoàng