Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chúc mừng Tạp chí Luật sư Việt Nam nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Những điểm tương đồng thú vị
Trước hết, về lịch sử ra đời. Nếu Luật sư được coi là nghề cao quý, ra đời trong phương thức tố tụng từ thời La Mã cổ đại cách nay đã trên 2.000 năm thì khởi thủy của báo chí cũng đã có từ hàng nghìn năm trước. Tuy đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về sự xuất hiện của nghề báo, nhưng nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học đều khẳng định báo in (loại hình báo chí đầu tiên) được người La Mã cổ đại phát minh cách đây đã hơn 2.000 năm, nhằm truyền đạt thông tin bằng chữ in. Theo đó, họ đã in ra “tờ báo” có tên là The Acta Diurna (nghĩa là: hành động hàng ngày, tin vắn) từ năm 131 trước Công nguyên và The Acta Diurna được coi như một loại hình cung cấp các thông tin chính trị và xã hội cho cư dân La Mã cổ đại. Trong khi đó, vào năm 1880, người ta tìm thấy Siloam Inscription (một văn bản) có niên đại khoảng năm 700 trước Công nguyên tại phía đông nam Thánh địa Jerusalem và cũng được xem là văn bản mang tính chất báo chí cổ xưa. Dẫu vậy, vẫn có ý kiến cho rằng The Acta Diurna hay Siloam Inscription chỉ giống như “bản tin” bởi không được xuất bản định kỳ, chúng chỉ xuất hiện khi chính quyền muốn cung cấp các sự kiện cần thiết. Từ đó nhiều người cho rằng, lịch sử báo in chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1566 (năm ra đời tờ báo hiện đại đầu tiên tại Venice (Italy)) do chính quyền phát hành và trưng bày nó trên các con phố của Venice, nếu ai muốn đọc toàn bộ sẽ phải trả một đồng xu nhỏ gọi là Gazetta [1]... Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm chính thức xuất hiện của nghề báo, nhưng rõ ràng nó đã được manh nha, hình thành từ rất sớm, bắt đầu từ việc truyền tin, cung cấp những văn bản chứa đựng thông tin của chính quyền, để loan báo rộng rãi tới cộng đồng. Tại Việt Nam, nghề báo chính thức được đánh dấu kể từ năm 1865 khi tờ Gia Định báo ra đời, trong khi đó nghề Luật sư được bắt đầu biết đến sau khi thực dân Pháp đã thiết lập được bộ máy cai trị trên một phần lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là từ sau Nghị định 26/11/1867 của Thống đốc Nam Kỳ quy định về chế định bào chữa viên và Luật sư bào chữa ở Nam Kỳ [2]. Như vậy, có thể coi nghề Luật sư và nghề báo đều đã có lịch sử hàng nghìn năm trên thế giới và trên một trăm năm ở Việt Nam.
Thứ hai, về điều kiện ra đời, nếu so với nhiều ngành nghề truyền thống như “ngư, tiều, canh, mục”, thì đây là hai nghề ra đời khá muộn, nó chỉ xuất hiện khi trong xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, khi ở đó có sự thiết lập cơ bản của bộ máy chính quyền, trong cộng đồng đã hình thành nên đội ngũ những người có kiến thức xã hội, am hiểu về luật lệ. Bởi chỉ đến khi xã hội hình thành nên các thiết chế với sự bảo đảm thực hiện thông qua bộ máy quản lý mang dấu ấn nhà nước mới có những thống nhất, điều phối cùng các tiêu chí, chuẩn mực chung và bảo đảm thực hiện. Nghề Luật sư vốn dĩ hoạt động dựa vào luận lý, quy định của luật pháp và những gì được coi là sự thực khách quan để tư vấn, tranh đấu, bảo vệ. Còn nghề báo muốn tồn tại cần phải dựa vào những giá trị truyền thống, bên cạnh sự phong phú về cách thể hiện còn phải tuân thủ về văn hóa, tập quán, tục lệ, pháp luật. Ở đó phải có những con người cụ thể, cùng với tư chất, tâm huyết, còn cần có trí tuệ, sự hiểu biết và khả năng biểu đạt. Điều mà sau này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết với người làm báo là “viết cho ai, viết thế nào và viết để làm gì”, còn với Luật sư họ phải biết vận dụng sự hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội để tư vấn, biện hộ, thuyết phục những người khác. Thậm chí, để trở thành Luật sư, nhà báo, họ còn phải thỏa mãn các điều kiện nhất định và xác định phải học tập, rèn luyện không ngừng. Điều này không giống như một số nghề nghiệp khác là chỉ cần kỹ năng, trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên ngành là có thể duy trì, tồn tại.
Thứ ba, nghề Luật sư và báo chí là hai nghề đặc biệt. Thực ra, nghề nghiệp nào muốn ra đời, tồn tại và phát triển cũng đều do nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên đối với nghề Luật sư và báo chí lại rất đặc biệt, bởi nó tồn tại hết sức tự nhiên, mang đậm giá trị tự thân và ngày càng phát triển do nhu cầu của chính cộng đồng xã hội. Trên thực tế, Luật sư và báo chí ban đầu do chính quyền tạo ra hoặc cho phép hoạt động, nhưng xã hội càng văn minh nó càng có vai trò quan trọng, vượt ra ngoài mong muốn của hàng ngũ thống trị và trở thành lực lượng phản biện xã hội một cách công khai, mạnh mẽ, hữu hiệu. Nghề Luật sư và báo chí hình thành sau so với nhiều ngành nghề và chủ yếu hoạt động bằng tư duy, trí tuệ, nó không nằm trong hệ thống bộ máy chính quyền, nhưng trở nên “quyền lực”, có ảnh hưởng lớn, trực tiếp tham gia bảo vệ công bằng, công lý và góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Nói đặc biệt còn bởi hai nghề này luôn xuất phát từ những gì có thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ người yếu thế, vì sự tiến bộ chung mà không chịu áp đặt của bất cứ các cá nhân hay thế lực nào. Có lẽ vậy mà báo chí còn được coi là “quyền lực thứ tư” và sứ mệnh của Luật sư là “bảo vệ công lý”. Trong xã hội phát triển, nghề Luật sư và báo chí không chỉ đại diện cho nguyện vọng, mong muốn của đại đa số dân chúng, bảo vệ những giá trị chung, mà nó còn trở thành “hàn thử biểu” của xã hội dân chủ, góp phần quan trọng giải quyết các mâu thuẫn, tác động hiệu quả vào đời sống xã hội. Xã hội càng phát triển, hai nghề này càng lớn mạnh, có sức lan tỏa cao và càng được quan tâm, coi trọng.
Thứ tư, nghề Luật sư và báo chí mang tính tự thân, tự quản cao. Để tự tạo nên uy tín, giá trị, hiệu quả công việc và nghề nghiệp, hai nghề này chủ yếu dựa vào hoạt động của mỗi cá nhân và các nhóm đồng nghiệp. Quá trình hành nghề của họ luôn phải chịu áp lực từ phía chính quyền, các thế lực khác nhau và từ cộng đồng. Công việc của họ thuận lợi, thành công hay không và có mang lại danh tiếng, ảnh hưởng, thu nhập cao hay thấp cơ bản phụ thuộc vào hoạt động thực tế của từng con người cụ thể, rộng hơn là cả hội nhóm cùng ngành nghề. Hầu hết việc thể hiện ra bên ngoài (tác phẩm báo chí hay dịch vụ pháp lý) mang dấu ấn từ nỗ lực cá nhân và khả năng thể hiện riêng của mỗi thể nhân, đơn vị. Người hành nghề Luật sư, báo chí tuy đều có trụ sở, văn phòng làm việc chính thức, nhưng phần lớn thời gian họ tác nghiệp, hành nghề lại ở ngoài cơ quan. Hơn thế, họ là những người “tự trả lương” cho mình. Thực tế thì Luật sư, nhà báo vẫn hoặc có thể được cơ quan, đơn vị chủ quản trả lương và các chế độ khác theo hợp đồng, thỏa thuận hoặc vị trí tuyển dụng, biên chế, nhưng chủ yếu được dựa trên kết quả hoạt động nghề nghiệp của đơn vị và mỗi cá nhân (trừ những trường hợp rất ít được Nhà nước bao cấp). Bởi xét cho cùng thì quỹ lương của các cơ quan này do kết quả của hành nghề (báo chí là từ phát hành, quảng cáo; Luật sư là từ các hợp đồng dịch vụ pháp lý), song khoản vật chất chính mà họ được hưởng và hưởng cao hay thấp là do khả năng của các nhà báo, Luật sư thông qua nhuận bút, nhuận ảnh, thù lao. Bên cạnh đó, do Luật sư, nhà báo hành nghề mang tính tự chủ, dấu ấn cá nhân có vai trò quyết định nên hoạt động quản lý nhìn chung cũng linh hoạt, họ ít bị ràng buộc, chi phối, chỉ đạo một cách cụ thể, trực tiếp theo khuôn mẫu, máy móc giống như nhiều ngành nghề khác. Thường thì họ và tổ chức của họ tự căn cứ vào các chuẩn mực, quy định có tính chất nguyên tắc, cơ bản chung để điều chỉnh hành vi, công việc và chịu sự chế tài đối với việc làm của mình.
Thứ năm, hai nghề này đều là các nghề nguy hiểm. Sở dĩ nói nguy hiểm là bởi tính độc lập, tự quản của nghề Luật sư và báo chí là rất cao, hệ quả công việc của họ liên quan trực tiếp đến uy tín, danh dự, tính mạng con người hoặc có thể tác động, ảnh đến các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội. Trong quá trình hành nghề, tác nghiệp hầu như họ luôn phải “đơn thương độc mã” tiếp xúc, làm việc, va chạm với các đối tượng, tham gia giải quyết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời phải chịu áp lực từ nhiều phía do tác động đến lợi ích vật chất, tinh thần của các tập thể, cá nhân. Chưa kể, đây là những nghề nghiệp được hành động công khai, có những vụ việc, vấn đề kéo dài về thời gian, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng lại không có các cơ chế, công cụ hỗ trợ, bảo vệ giống như nhiều lực lượng chức năng khác. Thực trạng cản trở, đe doạ, nguy cơ bị hãm hại bằng các thủ đoạn khác nhau từ những đối tượng liên quan đối với Luật sư, nhà báo và người thân của họ là khá cao. Trong khi để có tác phẩm báo chí hay, mới, lạ, có tính chiến đấu cao đòi hỏi người làm báo phải giỏi nghiệp vụ, có kinh nghiệm, kỹ năng, lăn xả với nghề và sẵn sàng thâm nhập thực tế để khai thác thông tin, hình ảnh; Luật sư muốn thuyết phục người khác hoặc bảo vệ thành công cho thân chủ trước tòa án, trong tài thì cùng với hiểu biết, tài năng, họ cần tiếp xúc với các đối tượng khác nhau, thậm chí phải đấu tranh với đối thủ “ngang cơ” để kiếm tìm chứng cứ, sự thật có giá trị một cách khoa học. Thậm chí, nguy cơ bị tấn công, hãm hại đối với Luật sư, nhà báo trong quá trình hành nghề mà đã có không ít trường hợp bị hành hung, trả thù sau khi vụ việc đã kết thúc và bài báo đã được đăng trước đó khá lâu. Ở một góc độ khác, các nghề này tồn tại, phát triển đôi khi còn là sự e ngại, nguy hiểm đối với chính quyền độc tài, lạc hậu, đi ngược lại với lợi ích chung và yêu cầu phát triển của xã hội. Có lẽ vậy nên các chế độ thiếu dân chủ thường tìm mọi cách cấm đoán, khống chế, kiểm soát hết sức chặt chẽ đối với hai nghề này, rồi những kẻ không ưa thì gán cho họ là “nhà báo nói sai” hay Luật sư là hạng “xui nguyên giục bị”.
Thứ sáu, là những nghề hoạt động công khai, luôn có sự tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nếu như trong quá trình tác nghiệp họ phải “độc lập tác chiến” thì sản phẩm báo chí, hoạt động tư vấn, bào chữa của Luật sư lại diễn ra công khai, được trưng ra trước cộng đồng xã hội. Đối với báo chí, nhiều thông tin trở thành nguồn cổ vũ, khích lệ, tạo nguồn cảm hứng vươn lên, sáng tạo cho người ta, nhưng cũng có những bài báo khiến dư luận xã hội rúng động, ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế - xã hội, thậm chí gây tổn hại nặng nề về vật chất, thay đổi cả thói quen, suy nghĩ của con người. Trong khi đó, có những bài bào chữa của Luật sư đã giúp cho kẻ bị tình nghi thoát khỏi án tử hình trong gang tấc, có nội dung tư vấn giúp cho doanh nghiệp, quốc gia giữ được uy tín, tránh bị thua thiệt có khi lên đến hàng tỷ USD. Chưa kể, lâu nay nhiều người chỉ nghĩ Luật sư là bào chữa và tư vấn pháp luật, nhưng đâu phải vậy, Luật sư có thể hành nghề và thực hiện nhiều phần việc khác nhau, đó không chỉ là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, là người đại diện trong việc giải quyết mâu thuẫn/tranh chấp, họ còn tham gia trợ giúp pháp lý, hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể; tuyên truyền xây dựng và phổ biến pháp luật, thậm chí phản biện hiệu quả đối với các chủ trương, chính sách pháp luật. Tiếng nói của Luật sư, nhà báo trong xã hội luôn được đánh giá cao, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của cộng đồng.
Ngoài ra, Luật sư và nhà báo còn là những người chuyên hoạt động bằng trí óc, nội dung các vấn đề giải quyết, thực hiện đa dạng nhưng phải căn cứ vào thực tế, có thật. Các nguồn tài liệu, thông tin, chứng cứ phong phú, nhưng cụ thể, chính xác, khách quan mà không thể chung chung, do tưởng tượng, suy diễn mà có. Đối tượng để Luật sư, nhà báo hướng tới khai thác, ký kết, tham gia giải quyết hết sức đa dạng, không giống nhau. Chẳng hạn, Luật sư chuyên tham gia giải quyết tranh chấp về dân sự, nhưng tính chất, mức độ, nội dung, yêu cầu của mỗi vụ việc không giống nhau, vụ này có thể chủ yếu dựa vào tài liệu, nhưng vụ khác lại phải kết hợp giữa tài liệu và nhân chứng, có vụ việc chỉ cần giải quyết ở cấp sơ thẩm, có vụ việc phải trải qua nhiều vòng xét xử, rồi trong dân sự còn chia ra hôn nhân gia đình, vay mượn tài sản, đất đai…; đối với báo chí, tuy đã “mặc định” theo từng thể loại, nhưng các sự kiện, vấn đề diễn ra khác nhau, chưa kể ở mỗi loại hình báo chí, mỗi cơ quan báo chí lại có tôn chỉ mục đích, phong cách riêng nên người làm báo phải khai thác, sử dụng tài liệu và cách thể hiện sao cho phù hợp. Mặt khác, sản phẩm, kết quả hoạt động hay “tác phẩm” của Luật sư, nhà báo đều là “độc bản”. Chẳng hạn, Luật sư cùng tham gia bào chữa về án ma tuý, nhưng mỗi trường hợp lại khác nhau (nhân thân của bị cáo, mục đích, động cơ, hành vi, hậu quả,…) nên cách thức, nội dung bào chữa không thể “bê” nguyên xi của vụ này cho vụ khác hay khi tư vấn, tuyên truyền pháp luật về cùng chủ đề nhưng đối tượng, yêu cầu, mong muốn khác nhau nên cách thức thể hiện, nội dung cung cấp cũng không thể giống nhau; nhà báo cùng viết bài thông tấn (phản ánh), nhưng mỗi sự kiện lại hàm chứa nội dung khác nhau (địa điểm, thời gian, thành phần, nội dung, kết quả…). Đồng thời, một trong những yêu cầu đối với các nghề này là tính trung thực khi hành nghề, vấn đề thể hiện ra bên ngoài cần phù hợp, rõ ràng và chuẩn mực. Điều này là vô cùng cần thiết, bởi tài liệu, thông tin đầy đủ, chính xác, họ càng có điều kiện để lựa chọn, chắt lọc, đánh giá sự vật hiện tượng được toàn diện, khách quan, việc trích dẫn, viện dẫn mới thuyết phục, mang lại hiệu quả. Điều thú vị nữa là Luật sư, nhà báo có nhiều biệt hiệu, danh xưng khác nhau: nếu Luật sư còn được/bị gọi là “thầy cãi, thầy kiện”, “trạng cãi”, “chiến sĩ bảo vệ công lý”, “hiệp sĩ”, “trạng sư”, thì nhà báo cũng có thể được gọi là “ký giả”, “người đưa tin”, “người làm báo”, “thư ký của thời đại”… Đồng thời, do hoạt động công khai, phục vụ nhu cầu xã hội nên hai nghề này luôn phải chịu sự theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ cùng một lúc từ nhiều phía và của cả cộng đồng.
Những Luật sư Việt Nam tiêu biểu làm báo
Trong quá trình phát triển hơn một trăm năm qua đã có khá nhiều Luật sư nổi tiếng, tiêu biểu ở Việt Nam liên quan đến hoạt động báo chí. Ở đó, họ có thể trực tiếp thành lập, lãnh đạo, làm báo hoặc là một “kênh”, nơi khai thác uy tín, chất lượng, hiệu quả của báo chí. Để thấy rõ hơn điều này, xin giới thiệu một số Luật sư tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước đã từng gắn bó với nghề báo.
Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội. Ông là người yêu nước, Luật sư người Việt Nam đầu tiên và là một nhà báo. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật, tham gia Luật sư đoàn Paris vào năm 1912, cuối năm 1923 ông về nước, cùng Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Ông là chủ nhiệm của tờ La Cloche Fêlée kể từ ngày 26/11/1925 khi tờ báo này tục bản và ngày 06/5/1926 đổi tên thành L’Annam vàtrực tiếp viết nhiều bài báo có tiếng vang lớn. Với vai trò chủ nhiệm cùng những hoạt động chính trị, tên tuổi họ Phan được khẳng định trong làng báo chí Sài Gòn dạo ấy. Ông luôn bày tỏ thái độ chống thực dân, tấn công mạnh mẽ chủ trương “Pháp Việt đề huề”. Những bài viết của ông thể hiện với nhiều hình thức phong phú như luận văn chính trị, tiểu thuyết, danh ngôn… nhằm tuyên truyền tinh thân yêu nước, chống thực dân. Bên cạnh đó, ông còn cho đăng lại một số bài báo tiến bộ của các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Diễn đàn thông tin quốc tế, trong đó đặc biệt là cho in Tuyên ngôn Đảng Cộng sản trên báo của mình. Vì lý do đó, ngày 21/7/1927, Phan Văn Trường bị Pháp bắt, nhà riêng của ông và tòa soạn báo L’Annam bị lục soát. Tờ báo L'Annam bị ngừng xuất bản một thời gian và tiếp tục ra lại vào ngày 12/1/1928. Trước thái độ kiên cường ấy, Thống đốc Nam Kỳ đã truy tố Ban giám đốc và cộng sự của tờ báo. Ngày 27/3/1928, Tòa án Sài Gòn xử tội ông 2 năm tù. Ra tù, ông trở lại Sài Gòn gặp Nguyễn An Ninh với ý định tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trên mặt trận báo chí công khai. Tuy nhiên, ý nguyện của đó không thành do ó ông bị bệnh và qua đời ngày 23/4/1933 tại Hà Nội.
Tiến sĩ, Luật sư Vương Quang Nhường (1902-1963), sinh ra tại làng Yên Luông Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang). Ông nguyên là Tổng trưởng Quốc gia giáo dục, Tổng trưởng Tư pháp Quốc gia Việt Nam và Thủ lĩnh đoàn Luật sư Sài Gòn, Chủ tịch Viện Bảo hiến Việt Nam Cộng hoà. Với học vấn cao, kiến thức sâu rộng, Luật sư Vương Quang Nhường đã tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị lớn và là chính khách nổi tiếng dưới các chế độ cũ, nhưng đồng thời ông cũng là một nhà báo. Sau khi đỗ tiến sĩ luật ở Pháp về nước năm 1929, có một thời gian ông thay thế nhạc phụ là Bùi Quang Chiêu làm chủ bút tờ báo tiếng Pháp Le Tribune Indochinois (Diễn đàn Đông Dương). Trong thời gian này, ông tỏ rõ là một cây viết cừ khôi khiến các nhà báo Pháp phải nể phục. Cuối đời, ông sang Pháp định cư và qua đời năm 1963.
Luật sư Phan Anh (1912-1990), quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Từ khi theo học ngành luật tại Trường Đại học Đông Dương (Hà Nội), ông đã tham gia hoạt động xã hội, là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên rồi gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Năm 1937, tốt nghiệp cử nhân luật, năm 1938 ông sang Pháp để trình luận án tiến sĩ luật, nhưng do chiến tranh nên không kịp bảo vệ và trở về nước năm 1940 hành nghề Luật sư. Luật sư Phan Anh đã tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng không may bị sa vào tay chính quyền thực dân, phong kiến. Năm 1941, ông cùng Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, thành lập báo Thanh Nghị. Thoạt đầu Thanh Nghị ra hàng tháng, rồi hàng tuần và tồn tại cho tới năm 1945. Ông là một trong 5 cây bút trụ cột và phụ trách nhiều chuyên mục của tờ báo này. Nhờ biết chữ Hán, thông hiểu triết, văn, sử Trung Hoa nên các bài viết của ông rất có giá trị về cả phổ thông và chuyên môn.
Luật sư Vũ Đình Hòe (1912-1911), quê ở làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong chính quyền cách mạng. Trong sự nghiệp của mình, Luật sư Vũ Đình Hòe từng có thời gian dài gắn bó với báo chí. Ông đã cùng Luật sư Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân thành lập tờ Thanh Nghị. Ông đảm trách vai trò Chủ nhiệm Tạp chí văn chương, chính trị và kinh tế Thanh nghị. Nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn say mê miệt mài viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học.
Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912-1996), quê ở làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông từng là Đốc lý (Thị trưởng) Hải Phòng trong Chính phủ Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong thời kỳ Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, ông tham gia nhóm làm báo Le Travail (báo Lao Động) đón Godard ở Hà Nội, tham gia vào các tổ nghiên cứu Mác-xít và tổ Thanh niên Dân chủ. Báo Le Travail do một số đảng viên cộng sản và trí thức ở Pháp về đứng tên chủ nhiệm, quản lý, viết bài, in báo. Trong 4 số đầu, Báo tập trung đưa tin và cổ động để làm nổi bật chủ đề Đông Dương đại hội. Sau 30 số, tờ Le Travail phải tự đóng cửa, nhưng tờ En Avant, tờ Notre voix đã nối tiếp để tiếp thêm ngọn lửa phong trào cách mạng. Ông (cùng Luật sư Vũ Đình Hoè) còn được nhớ đến với cuộc tranh luận lịch sử trên báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân) năm 1948 để đi đến quan điểm “tư pháp độc lập”.
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Hiền (1910-1961), sinh ra ở thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sau khi đỗ tiến sĩ luật ở Pháp, ông về nước làm trợ tá cho giám đốc Nha Tài chính Đông Dương tại Hà Nội, trước khi mở văn phòng Luật sư riêng. Năm 1941, ông cùng Vũ Đình Hòe và Phan Anh chủ trương ra báo Thanh Nghị, cơ quan ngôn luận tập hợp những trí thức trẻ yêu nước. Với bút hiệu Tân Phong, ông là cây bút cột trụ của tờ báo. Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, Chính phủ do Trần Trọng Kim mời ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt với vai trò Tổng thư ký. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Năm 1954, ông và gia đình di cư vào Nam, ngừng mọi hoạt động chính trị, nhưng vẫn tiếp tục hành nghề Luật sư, tham gia giảng dạy về luật và là tác giả của một số cuốn sách chuyên môn về kinh tế, tài chính. Ông mất năm 1961 tại Sài Gòn [3].
Luật sư Phạm Ngọc Thuần (1914-2002), sinh ra tại Tân Hào Đông, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1933 đến 1938, ông học luật ở Paris, đậu cử nhân luật, rồi tiếp tục học bậc tiến sĩ luật nhưng chưa kịp trình luận án. Bị điều động vào quân đội Pháp một thời gian với quân hàm trung úy, năm 1941 ông rời Pháp về Sài Gòn. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 4/1945, ông được mời tham gia lập tòa án thay thế tòa án Pháp. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, ngày 25/8/1945 chính quyền cách mạng được thiết lập tại Sài Gòn và ngày hôm sau (26/8/1945), ông được bầu làm Phó Chưởng lý Toà Thượng thẩm. Ông là Chính trị ủy viên Bộ Tư lệnh Nam bộ, quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Tháng 9/1954 ông tập kết ra Bắc, được phân công về Bộ Ngoại giao. Năm 1958 ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau đó, ông trở lại Bộ Ngoại giao công tác, làm Chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Điều hết sức thú vị là trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, Luật sư Phạm Ngọc Thuần đã có thời gian tham gia làm báo. Khi thoát ly ra bưng biền vào cuối năm 1945, trong khi chờ đợi thành lập Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ông đã một mình lập ra tờ báo Kháng chiến tiếng Pháp “La Voix du Maquis” (Tiếng nói Bưng Biền)[4]. Năm 1955 trong thời gian công tác ở ngành ngoại giao, ông còn tham gia Ban Thường vụ Bộ Biên tập báo Le Vietnam démocratique - một tờ báo làm nhiệm vụ thông tin đối ngoại hiếm hoi sau khi miền Bắc được giải phóng [5].
Luật sư Nguyễn Long (1906 - ?), sinh ra trong gia đình nhà Nho, quê ở xã Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ một viên chức làm việc tại tòa khâm sứ Huế, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông tham gia hoạt động cách mạng, gia nhập Luật sư đoàn Sài Gòn từ năm 1953 và giữ vai trò cố vấn pháp luật cho đến năm 1972. Luật sư Nguyễn Long đã cãi thành công để Tòa tuyên vô tội cho không ít chiến sĩ cách mạng và đấu tranh chống Mỹ, nguỵ. Ông là Chủ tịch phong trào “Dân tộc tự quyết”, đồng thời là Ủy viên của Ủy ban Vận động hòa bình. Tờ nội san “Tự quyết” mà ông là người trực tiếp phụ trách được phát hành với số lượng lớn đến tận tay các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn với nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của dân tộc. Tháng 2/1965 nhà cầm quyền bắt giam ông cùng một số trí thức, kết án ông 10 năm khổ sai, 5 năm biệt xứ về tội “Phá hoại tinh thần quân đội và quốc dân”. Trước sức ép của phong trào đấu tranh do các Luật sư nổi tiếng cùng nhiều tờ báo, cuối năm 1967 ông và các đồng sự được trả tự do. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng [6] .
Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp không ít Luật sư, người học luật nổi tiếng đã sử dụng ngòi bút là công cụ, vũ khí sắc bén trong cuộc đời hoạt động của mình. Trong đó có thể kể đến, như: Luật sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998), Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) – những học giả hàng đầu về luật học, triết học; Luật sư Vương Văn Bắc (1927-2011) – người đã có những hành động quyết liệt phản đối chính quyền Trung Quốc đưa quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và chủ trì soạn thảo “Sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa” được phổ biến rộng rãi khắp thế giới ngày 14/2/1975; Luật sư Lê Đình Chi (1912-1949) – người đã biên soạn sách, tài liệu về pháp luật, viết bài đăng báo ở bưng biền Nam Bộ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; Luật sư Trần Công Tường – viết báo Le Travail từ khi còn là sinh viên;… Rồi những người học luật khác, như: Nguyễn An Ninh (1899-1943) - người sáng lập La Cloche Fêlée (Chuông rè); Võ Nguyên Giáp ((1911-1913) - người tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng… Đặc biệt, dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà đã có ít nhất 4 Luật sư làm Bộ trưởng Bộ thông tin. Kế tục các Luật sư từng ghi dấu ấn một thời, hơn một thế kỷ qua ở Việt Nam còn có rất nhiều Luật sư, người học luật tham gia làm báo. Để rồi, có thể đi đến nhận định, nghề luật và báo chí đã có nhiều điểm tương đồng và có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Điều này dễ dàng nhận thấy bởi bên cạnh đặc trưng của nghề nghiệp, Luật sư và nhà báo còn luôn hỗ trợ, sẻ chia với nhau và đều là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng. Hơn nữa, do hoạt động nghề nghiệp, Luật sư và nhà báo thường được đánh giá cao vì đều có hoặc tự trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, óc quan sát, kiến thức xã hội, khả năng phân tích tổng hợp cao nên có quan hệ xã hội rộng rãi với tư duy logic, nắm giữ nhiều thông tin và có bản lĩnh cao trong công việc. Do đó, không lấy gì làm lạ khi quan hệ giữa nghề Luật sư và báo chí được ví có mối lương duyên, để rồi thực tế đã có rất nhiều Luật sư đồng hành với nghề báo.
[1] http://baotnvn.vn/tin-tuc/Ho-so-tu-lieu/3346/Bao-in-the-gioi-Tu-chuyen-cua-nhung-to-bao-dau-tien%E2%80%A6. [2] Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, Lịch sử nghề Luật sư ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.25. [3] ttps://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_V%C4%83n_Hi%E1%BB%81n_(ch%C3%ADnh_kh%C3%A1ch). [4] https://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/nam-bo-nghung-nhan-vat-mot-thoi-vang-bong-b3502/chuong-21-pham-ngoc-thuan-mot-minh-ra-bao. [5] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dong-chi-pham-ngoc-thuan-suot-doi-vi-loi-ich-dan-toc-1491877876. [6] https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/luat-su-nguyen-long-tron-doi-theo-ly-tuong-vi-nuoc-vi-dan-i317987. |
Tài liệu tham khảo: 1. Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hoà, Lịch sử nghề Luật sư ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015; 2. Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016; 3. Liêu Chí Trung, Luật sư và nghề Luật sư ở Việt Nam (bản thảo sách); 4. http://sknc.qdnd.vn/nhan-vat/luat-su-phan-anh-voi-tinh-than-nhan-nhuong-hung-quoc-gia-502856; 5. https://vi.wikipedia.org/wiki/... |
TS.LS LIÊU CHÍ TRUNG
Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam
Bàn về việc cung cấp thông tin cho báo chí của Luật sư