1. Khái quát chung về quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng được quy định từ Điều 257 đến Điều 266 Mục 2 Chương XIV Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Đây là một trong những quy định mới mang tính chất đột phá khi BLDS năm 2015 ghi nhận thêm quyền hưởng dụng bên cạnh quyền sở hữu – một quyền năng được coi là quan trọng nhất trong thực tiễn giao dịch dân sự từ trước đến nay.
Theo đó, Điều 257 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.
Quy định này cho thấy, quyền hưởng dụng là quyền của một chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác để được hưởng các lợi ích do tài sản đó mang lại. Nói cách khác, quy định này mang tính chất “mở đường” nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể không phải là chủ sở hữu tài sản được phép khai thác các công dụng, lợi ích từ tài sản đó đem lại cho chủ thể. Tuy nhiên, chủ thể có quyền hưởng dụng chỉ được phép khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác mang lại trong một thời hạn nhất định[2].
Thực chất, quyền hưởng dụng không hoàn toàn là một quy định mới trong hệ thống pháp luật tại Việt Nam. Trước đây, trong nền pháp luật cận đại, tại các Bộ Dân luật Bắc 1931, Bộ Dân luật Trung (hay còn gọi là Hoàng Việt Hộ luật năm 1936-1939) và BLDS Sài Gòn 1972 đều có những quy định về quyền hưởng dụng. Đến pháp luật hiện đại Việt Nam, tại các BLDS năm 1995 cho đến BLDS năm 2005 không có bất cứ quy định nào liên quan đến quyền hưởng dụng. BLDS năm 2015 ghi nhận trở lại bằng các quy định cụ thể và được đặt tại phần quy định về quyền khác đối với tài sản cùng với quyền đối với bất động sản liền kề và quyền bề mặt.
Quyền hưởng dụng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Điều 556 Bộ Dân luật Bắc 1931 gọi là “quyền ứng dụng thu lợi”: “Quyền ứng - dụng thu - lợi là quyền hưởng - dụng vật sở - hữu của người khác, cũng như sở - hữu chủ vậy, nhưng phải giữ nguyên vật ấy cho người ta”. Điều 575 Hoàng Việt Hộ luật 1936-1939 quy định “quyền hưởng dụng thu lợi”: “Quyền hưởng - dụng thu - lợi là quyền hưởng - dụng một vật gì thuộc về quyền nghiệp - chủ của người khác, cũng hưởng - dụng như người nghiệp - chủ vậy, nhưng phải giữ nguyên vật ấy cho người ta”. Điều 417 BLDS Sài Gòn 1972 gọi là “quyền dụng ích”: “Quyền dụng ích là một vật quyền cho phép hưởng dụng và thu lợi một tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác trong một thời gian không quá đời sống của người thụ hưởng, với trách vụ giữ nguyên tài sản ấy”.
Như vậy, quyền hưởng dụng đã được pháp luật cận đại Việt Nam trước đây đề cập đến. Quy định về khái niệm cũng như tên gọi liên quan đến quyền hưởng dụng trong lịch sử pháp luật tại Việt Nam không có sự khác nhau nhiều mà chỉ khác chủ yếu ở thuật ngữ, câu chữ được sử dụng không hoàn toàn giống nhau bởi lẽ để phù hợp với phong tục đời sống ở thời kỳ đó. Nay, quyền hưởng dụng lại được đưa vào BLDS năm 2015 như một quyền năng hoàn toàn mới và có nhiều giá trị đối với thực tiễn cuộc sống hiện đại ngày nay khi có rất nhiều giao dịch dân sự diễn ra hằng ngày một cách nhộn nhịp và phức tạp hơn.
2. Quyền hưởng dụng và quyền sở hữu - mối quan hệ triệt tiêu hay cộng sinh
Quyền hưởng dụng là một loại vật quyền. Trong một quan hệ hưởng dụng đối với một tài sản có hai chủ thể đó là chủ sở hữu tài sản và người có quyền hưởng dụng. Đối với chủ sở hữu tài sản, luật đã quy định chủ thể này có quyền sở hữu tài sản đó, hay nói cách khác quyền sở hữu này gồm: “quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản” (Điều 158 BLDS năm 2015). Đối với người có quyền hưởng dụng, chủ thể này có quyền trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác theo quy định của BLDS và các luật khác có liên quan mà không phụ thuộc vào ý chí hay hành vi của chủ sở hữu tài sản trong một thời hạn nhất định nào đó.
Lấy ví dụ, bà X có 2 người con là M và N, M bị bệnh đao. Bà X có tài sản là một căn nhà. Hiện bà X và 2 người con M và N đang ở trong căn nhà này. Bà X có nguyện vọng sau khi bà mất thì căn nhà này sẽ thuộc quyền sở hữu của N, còn M sẽ được sử dụng căn nhà này cho đến khi M qua đời. Để thực hiện được nguyện vọng của mình thì bà X có thể lập di chúc rằng: Sau khi bà X mất thì căn nhà sẽ được chuyển quyền sở hữu cho N nhưng M sẽ được quyền hưởng dụng căn nhà này cho đến khi M qua đời. Như vậy, chính nhờ vào quyền hưởng dụng đã được pháp luật quy định mà sau khi bà X mất, N không bao giờ có thể đuổi M ra khỏi nhà.
Qua đây có thể thấy rằng, giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định về quyền hưởng dụng bên cạnh quyền sở hữu là một cải cách lớn của nền tư pháp nước ta và tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện các giao dịch dân sự thuận lợi hơn trong thực tiễn cuộc sống.
Trong quan hệ dân sự, giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản có hai chủ thể rõ ràng, đó là người sở hữu và người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức của chủ sở hữu khác. Một khi xuất hiện người hưởng dụng thì quyền của chủ sở hữu tài sản sẽ bị thu hẹp lại. Hay nói cách khác, người chủ sở hữu tài sản sẽ không còn đầy đủ các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản nữa bởi một phần quyền của chủ sở hữu đã chuyển qua cho người có quyền hưởng dụng các hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Quyền sở hữu lúc này sẽ bị hạn chế, hay còn gọi là “quyền hư hữu” hoặc “hư quyền”. Chủ sở hữu bị giảm thiểu quyền sở hữu được gọi là “hư chủ”[3]. Theo đó, “quyền hư hữu” là quyền còn lại của chủ sở hữu đối với một tài sản mà người khác được hưởng hoa lợi, lợi tức của tài sản. Phần quyền còn lại này là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Như vậy, giữa chủ sở hữu tài sản và người có quyền hưởng dụng có mối quan hệ qua lại giữa quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này, cụ thể:
a) Quan hệ giữa quyền của chủ sở hữu và người hưởng dụng
Trước hết, người hưởng dụng có quyền “tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng” (khoản 1 Điều 261 BLDS năm 2015), đồng thời có quyền “cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản” (khoản 3 Điều 261 BLDS năm 2015).
Điều này có ý nghĩa rằng, khi được trao quyền hưởng dụng, người hưởng dụng có thể tự mình thực hiện việc khai thác, sử dụng, hưởng các hoa lợi, lợi tức từ tài sản hoặc có thể chuyển giao quyền này cho một chủ thể khác mà không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu tài sản. Ngoài ra, người hưởng dụng cũng có thể cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản đó. Người thuê được quyền hưởng dụng của người cho thuê nhưng không có quyền hưởng dụng các hoa lợi, lợi tức của tài sản.
Có thể nói rằng, việc thừa nhận quy định về cho thuê quyền hưởng dụng là một điểm tiến bộ của các nhà làm luật bởi lẽ phù hợp với xu hướng thực tiễn của cuộc sống ngày nay ở nước ta là nhằm mục đích đẩy mạnh sự giao lưu dân sự giữa các chủ thể, phát triển tối đa khả năng sinh lợi của các tài sản. So với chủ sở hữu tài sản thì chủ sở hữu các hoa lợi, lợi tức từ tài sản hay còn gọi là người có quyền hưởng dụng được luật trao quyền năng rất mạnh. Người có quyền hưởng dụng có thể thực hiện quyền của mình một cách tuyệt đối mà không cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu. Cũng cần lưu ý rằng, quyền của người hưởng dụng cũng khác với quyền của người thuê trong hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 475 BLDS năm 2015 khi mà người thuê được quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê chỉ khi được bên cho thuê đồng ý.
Về phía chủ sở hữu tài sản, khi chủ thể khác được trao quyền hưởng dụng tài sản thì chủ sở hữu vẫn còn nắm giữ quyền định đoạt tài sản. Tuy vậy, chủ sở hữu vẫn bị pháp luật khống chế “không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập” của người hưởng dụng (khoản 1 Điều 263 BLDS năm 2015). Do đó, đối với một tài sản cụ thể, mặc dù trên giấy tờ vẫn thuộc về chủ sở hữu, chủ sở hữu có quyền định đoạt số phận của tài sản đó, nhưng khi có xuất hiện quyền hưởng dụng thì quyền này mạnh hơn và làm triệt tiêu bớt đi quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu đó. Điều 192 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”. Đây là một quyền năng quan trọng của chủ sở hữu. Thế nhưng, ví như chủ sở hữu muốn định đoạt căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình bằng cách bán cho một chủ thể khác, liệu rằng có ai dám mua căn nhà đó khi mà biết rõ thực trạng căn nhà đang có một chủ thể khác đang có quyền hưởng dụng. Hoặc nếu có chủ thể khác muốn mua lại căn nhà thì giá trị của căn nhà đó cũng bị giảm bớt một phần giá trị bởi vì căn nhà vẫn còn liên quan đến người hưởng dụng khác và người này đang cho thuê căn nhà đó để lấy lãi. Nếu như chủ sở hữu vì muốn thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu căn nhà mà giấu diếm tình trạng quyền hưởng dụng căn nhà đang thuộc về một người khác; điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua thì chủ sở hữu đã vi phạm pháp luật. Chủ sở hữu tài sản chỉ thực sự thực hiện được thực quyền bán căn nhà của mình một cách thuận lợi khi quyền của người hưởng dụng đã hết hoặc sắp hết thời hạn. Do đó, giữa quyền của chủ sở hữu tài sản và quyền của người hưởng dụng có mối quan hệ tác động qua lại nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Nói cách khác, quyền của người hưởng dụng sẽ hạn chế quyền của chủ sở hữu. Sự giao nhau giữa hai quyền này chính là sự phân định về mặt thời hạn thực hiện quyền, chừng nào còn quyền hưởng dụng của chủ thể khác thì quyền sử dụng của chủ sở hữu sẽ còn bị hạn chế.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 263 BLDS năm 2015, chủ sở hữu tài sản được quyền "yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình”. Khi được trao quyền hưởng dụng, người này có các nghĩa vụ cơ bản được quy định tại Điều 262 BLDS năm 2015. Trong thời gian thực hiện quyền hưởng dụng của mình, người hưởng dụng phải tuân thủ các nghĩa vụ đó. Nếu vi phạm, chủ sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan duy nhất là Tòa án truất đi quyền hưởng dụng của người đó. Từ quy định này cho thấy:
Một là, nếu trong thời gian hưởng dụng, người hưởng dụng có hành vi vi phạm các nghĩa vụ của mình thì chủ sở hữu phải báo với Tòa án giải quyết chứ không thể tự mình có bất cứ hành vi nào để truất đi quyền hưởng dụng.
Hai là, để Tòa án có thể truất đi quyền hưởng dụng của người vi phạm thì chủ sở hữu phải có yêu cầu. Nếu như người hưởng dụng có hành vi vi phạm nghĩa vụ nhưng chủ sở hữu không có yêu cầu gì thì Tòa án cũng không có thẩm quyền gì để truất quyền hưởng dụng.
Ba là, cần phải hiểu thế nào là “vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng”? Người hưởng dụng có các nghĩa vụ cơ bản phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với một hành vi nào đó thực hiện trên tài sản của chủ sở hữu thì việc đánh giá là có hay không vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng sẽ tùy theo quan điểm đánh giá của từng người. Có thể chủ sở hữu cho rằng, người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thực hiện quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, khi đưa ra Tòa án thì Tòa án lại không thể dựa vào quy định nào để cho rằng, đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng hay chỉ cần dựa vào mức độ hao hụt của tài sản để Tòa án đánh giá. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 263 BLDS năm 2015 vẫn gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế giải quyết tại Tòa án hiện nay.
Bên cạnh đó, người hưởng dụng có một số quyền khác theo quy định tại khoản 2 Điều 261 và Điều 264 BLDS năm 2015. Trong đó, đối với quyền “yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản” và “trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí” tại khoản 2 Điều 261 BLDS năm 2015 có giá trị bảo vệ tối đa quyền lợi của người hưởng dụng, tránh trường hợp bị chủ sở hữu tài sản chèn ép quyền lợi đó. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là quy định này chỉ mang tính chất chung chung chứ không nêu rõ trường hợp nào người hưởng dụng có quyền “yêu cầu” và “hoàn trả chi phí” nếu người hưởng dụng thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản. Điều này gây ra khó khăn khi áp dụng trong từng tình huống cụ thể và khi có hư hỏng, hao mòn tài sản xảy ra thì sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Người hưởng dụng có thể lợi dụng quy định này để liên tục yêu cầu chủ sở hữu tài sản sửa chữa hoặc hoàn trả tất cả chi phí dù chỉ có mất mát nhỏ xảy ra.
Điều 264 BLDS năm 2015 quy định về việc công nhận quyền sở hữu các hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian hưởng dụng và cho phép người hưởng dụng được hưởng giá trị thu được từ hoa lợi, lợi tức tương ứng với thời gian người đó được hưởng dụng đến khi quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức. Tuy nhiên, Điều luật này chưa quy định các khoản thuế, phí phát sinh trong quá trình thu hoa lợi, lợi tức.
Liên quan đến các khoản thuế, phí này, BLDS Cộng hòa liên bang Đức quy định: Người hưởng dụng phải chịu chi phí liên quan đến tài sản hưởng dụng trong quá trình hưởng dụng. Đồng thời, người này cũng phải chịu chi phí sửa chữa và cải tạo tài sản trong phạm vi chúng là một phần của quá trình bảo dưỡng thông thường. Ngoài ra, người hưởng dụng cũng phải chịu các chi phí công cộng liên tục đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng ngoại trừ các khoản phí bất thường khác[4]. Như vậy, pháp luật dân sự của Cộng hòa liên bang Đức quy định rõ trách nhiệm của người hưởng dụng phải chịu chi trả các khoản thuế, phí liên quan, chứ không phải trách nhiệm của chủ sở hữu tài sản.
b) Quan hệ giữa nghĩa vụ của chủ sở hữu và người hưởng dụng
Với tư cách là một chủ thể hưởng quyền, người hưởng dụng cũng có các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 262 BLDS năm 2015. Trước hết, khoản 1 Điều 262 BLDS năm 2015 quy định người hưởng dụng có nghĩa vụ “tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định”. Khi được trao quyền hưởng dụng, tài sản đang thuộc sở hữu của chủ sở hữu và người này buộc phải chia sẻ quyền hưởng dụng cho người khác. Người hưởng dụng sau đó có nghĩa vụ tiếp nhận tài sản đó theo hiện trạng của tài sản và thực hiện đăng ký tài sản nếu tài sản đó thuộc trong danh mục cần đăng ký. Quy định này là cơ sở để sau này đối chiếu nhằm xác định rõ tình trạng tài sản có bị hư hỏng, mất mát trong quá trình người hưởng dụng sử dụng tài sản. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn mang tính chất chung chung và không cụ thể hóa vì không có quy định về bằng chứng nào nêu rõ tình trạng hiện có của tài sản. Sau một thời gian sử dụng, tài sản dần hao mòn, cũ kỹ, nhưng cũng không hề có cơ sở nào để xác định tình trạng ban đầu và tình trạng sau một thời gian sử dụng. Điều này dễ dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Bên cạnh đó, luật nhắc đến việc thực hiện đăng ký tài sản hưởng dụng. Tuy nhiên, việc đăng ký này được thực hiện như thế nào, cơ quan nhà nước nào sẽ có thẩm quyền tiếp nhận và cấp quyền hưởng dụng vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Về điểm này, BLDS Cộng hòa Pháp quy định: Người hưởng dụng khi tiếp nhận tài sản theo hiện trạng phải có lập một bản kiểm kê các động sản hoặc một bản khai chi tiết các bất động sản với sự có mặt của chủ sở hữu hoặc sau khi đã thông báo hợp lệ cho chủ sở hữu đến chứng kiến[5]. Hành động này thể hiện sự cẩn trọng của các nhà làm luật đối với tài sản được tiếp nhận bắt buộc phải có biên bản được lập thành và sự chứng kiến của các bên làm minh chứng cho sự tiếp nhận hiện trạng của tài sản hưởng dụng được rõ ràng hơn.
BLDS Cộng hòa liên bang Đức quy định: Quyền hưởng dụng sẽ được ghi trong sổ đăng ký tài sản và được cấp cho người hưởng dụng[6]. Quy định này nhằm bảo đảm việc ghi nhận tài sản thuộc quyền hưởng dụng của một người có minh chứng rõ ràng. Khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản được hưởng dụng, nếu có minh chứng này thì người hưởng dụng sẽ dễ dàng thực hiện các quyền của mình hơn.
Khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 262 BLDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người hưởng dụng là khá phù hợp để nhằm bảo vệ giá trị của tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng cũng như nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong mối quan hệ giữa người hưởng dụng và chủ sở hữu.
Theo khoản 4 Điều 262 BLDS năm 2015, người hưởng dụng có nghĩa vụ “bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường” và “khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản”. Đây cũng là một quy định hợp lý để bảo vệ tình trạng tài sản được phát huy tối đa giá trị của nó. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ “theo định kỳ” là khoảng thời gian bao lâu, đồng thời vô tình tạo ra sự ỷ lại từ phía người hưởng dụng bởi nghĩa vụ sửa chữa tài sản khi bị hư hỏng, mất mát lớn thuộc phía chủ sở hữu tài sản.
Theo BLDS Cộng hòa Pháp, người hưởng dụng chỉ buộc phải thực hiện việc sửa chữa, bảo trì tài sản. Còn đối với những sửa chữa lớn vẫn thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu, trừ khi những hư hỏng đó được gây ra bởi việc thiếu sửa chữa, bảo trì của người hưởng dụng trong thời gian hưởng dụng thì lúc này người hưởng dụng phải chịu trách nhiệm[7]. Như vậy, BLDS Cộng hòa Pháp quy định người hưởng dụng vẫn phải có nghĩa vụ đối với những hư hỏng lớn được gây ra bởi việc thiếu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tài sản của người hưởng dụng. Quy định này khá công bằng cho chủ sở hữu tài sản vì trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tài sản hưởng dụng khi bị hư hỏng lớn không phải lúc nào cũng thuộc về chủ sở hữu tài sản như quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Về nghĩa vụ của chủ sở hữu, những nghĩa vụ này được quy định lồng ghép cùng với việc thực hiện quyền của chủ sở hữu tại Điều 263 BLDS năm 2015. Pháp luật quy định những nghĩa vụ này đối với chủ sở hữu để nhằm bảo vệ tối đa quyền của người hưởng dụng được thực hiện một cách trọn vẹn hơn. Khi xuất hiện quyền hưởng dụng, chủ sở hữu chỉ còn lại một quyền năng mạnh nhất là quyền “định đoạt tài sản” nhưng quyền này cũng bị pháp luật quy định thêm việc định đoạt tài sản phải “không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập”. Như vậy, trong mọi trường hợp, chủ sở hữu luôn luôn phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người hưởng dụng, không được thực hiện bất kỳ một hành vi nào làm cản trở, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền của người hưởng dụng. Mặc dù pháp luật quy định người hưởng dụng khi thực hiện quyền của mình vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ cụ thể đối với tài sản được hưởng dụng. Tuy nhiên, pháp luật vẫn bảo vệ tối đa quyền lợi của họ để tránh trường hợp bị chủ sở hữu tài sản xâm phạm. Điều này cho thấy sự đối xử ưu ái đối với người hưởng dụng.
Tóm lại, với việc chính thức thừa nhận quyền hưởng dụng như một vật quyền tách ra khỏi quyền sở hữu, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến việc thực hiện quyền của những người được giao tài sản tài sản nhưng không có quyền định đoạt, có thể được giải quyết thỏa đáng[8]. Việc tồn tại song song cùng lúc các quyền này có tác dụng chế ước lẫn nhau, trong chừng mực nhất định có thể nói các quyền này cùng tồn tại song song nhưng có xu hướng triệt tiêu nhau. Quyền hưởng dụng làm giảm bớt phạm vi và nội hàm của quyền sở hữu nhưng quyền sở hữu không tác động theo hướng hạn chế quyền hưởng dụng mà chỉ có tác dụng thiết lập sự kiểm soát đối với quyền hưởng dụng. Trên danh nghĩa đứng tên là chủ sở hữu tài sản, chủ sở hữu được quyền định đoạt tài sản nhưng không thể thực hiện được quyền gì đối với tài sản của mình khi mà quyền hưởng dụng đã được trao cho một chủ thể khác. Không những thế, chủ sở hữu còn phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người hưởng dụng và thực hiện các nghĩa vụ khác đối với tài sản thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, khi trao quyền hưởng dụng cho một chủ thể khác, quyền sở hữu trở thành một “khuyết quyền” và việc thực hiện các quyền năng còn lại chỉ là quyền định đoạt đối với chủ sở hữu, mà định đoạt tài sản trong bối cảnh không còn quyền khai thác và hưởng lợi từ tài sản thật sự sẽ gặp những trở ngại nhất định.
3. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền hưởng dụng
Thứ nhất, sửa đổi các quy định liên quan đến quyền của chủ sở hữu để quyền này, trong chừng mực nhất định, được cân bằng với quyền của ngưởi hưởng dụng. Theo đó, khoản 4 Điều 263 cần bổ sung cụm từ “trước khi chuyển giao quyền hưởng dụng tài sản”. Cụ thể, khoản 4 Điều 263 được viết lại như sau: “Chủ sở hữu chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản trước khi chuyển giao quyền hưởng dụng tài sản để đảm bảo không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản”.
Thứ hai, xây dựng kịp thời cơ chế đăng ký quyền hưởng dụngnhư một cơ chế bắt buộc để tránh rủi ro cho bên thứ ba trong các giao dịch, đặc biệt giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản khi quyền hưởng dụng đối với tài sản đang thuộc về chủ thể khác. Cơ chế đăng ký có tác dụng thiết lập hệ thống thông tin để bên thứ ba có thể kiểm tra trước khi xác lập các giao dịch giúp minh bạch thông tin và hạn chế rủi ro pháp lý.
Thứ ba, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện một số quy định trong BLDS năm 2015, cụ thể:
- Hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 261 BLDS năm 2015, trường hợp nào người hưởng dụng có quyền “yêu cầu” và trường hợp nào “hoàn trả chi phí” nếu người hưởng dụng thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản.
- Hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 263 BLDS năm 2015, làm rõ thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” của người hưởng dụng tại khoản.
- Hướng dẫn thực hiện khoản 4 Điều 262 BLDS năm 2015, “theo định kỳ” là khoảng thời gian bao lâu.
Thứ ba, bổ sung quy định trách nhiệm của người hưởng dụng phải chi trả các khoản phí, lệ phí liên quan đến tài sản hưởng dụng trong thời gian hưởng dụng cũng như các chi phí trong quá trình thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản hưởng dụng sau khi hết thời gian hưởng dụng; bổ sung quy định về việc tiếp nhận tài sản theo hiện trạng của người hưởng dụng cần phải có lập một biên bản kiểm kê chi tiết các tài sản với sự chứng kiến của chủ sở hữu và người hưởng dụng, hai bên cùng ký vào biên bản để nhằm tránh xảy ra tranh chấp về sau; bổ sung quy định về thực hiện đăng ký tài sản hưởng dụng; bổ sung quy địnhngười hưởng dụng vẫn phải có nghĩa vụ đối với những hư hỏng lớn tài sản gây ra do người hưởng dụng thiếu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tài sản./.
[1] Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật Dân sự, Tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2016, tr. 305. [2] Xem thêm quy định tại Điều 260 BLDS năm 2015 về thời hạn của quyền hưởng dụng. [3] Lê Minh Hùng & Phạm Thị Hạnh, Quyền hưởng dụng theo quy định của BLDS năm 2015, Tài liệu Hội thảo “Những điểm mới của BLDS năm 2015” ngày 31/03/2016 tại Trường Đại học Luật TP. HCM, tr.113. [4] Điều 1041, Điều 1047 BLDS Cộng hòa liên bang Đức năm 1896. [5] Điều 600 BLDS Cộng hòa Pháp năm 1804. [6] Điều 1030 BLDS Cộng hòa liên bang Đức năm 1896. [7] Điều 605 BLDS Cộng hòa Pháp năm 1804. [8] Nguyễn Ngọc Điện, Những điểm mới về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản trong BLDS năm 2015, Tạp chí Nghiên cứu lập Pháp, số 07 (335) T4/2017, tr.12. |
ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP - NGUYỄN THỊ VY QUÝ
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
(Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)
Quy định pháp luật về quản lý sử dụng chung cư và vướng mắc trong thực tiễn