Một số khó khăn, vướng mắc khi thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng
Trong quy định pháp luật về thu hồi tài sản
Thứ nhất, còn thiếu các biện pháp để bảo đảm việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng từ giai đoạn tiền khởi tố. Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, các biện pháp trực tiếp tác động vào tài sản nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản bao gồm: Kê biên tài sản (Điều 128) và phong tỏa tài khoản (Điều 129). Tuy nhiên, biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo, tức là chỉ áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn biện pháp phong tỏa tài khoản mặc dù được áp dụng với người bị buộc tội trước khi khởi tố vụ án nhưng phạm vi áp dụng chỉ đối với người có tài khoản (có số dư) tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước. Như vậy, hiện nay chưa có biện pháp tác động trực tiếp vào tài sản (không phải tiền trong tài khoản) của người bị buộc tội từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Thứ hai, khó khăn trong việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thu hồi tài sản. Theo quy định của pháp luật, khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, khi giải quyết các vụ án tham nhũng, việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản thiệt hại gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có những vụ án sau khi truy tố, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xác định lại giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại; cơ quan tiến hành tố tụng còn hạn chế áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản. Điều đó được minh chứng bởi thực tế tài sản thu hồi được chủ yếu do người phạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội tự nguyện khắc phục mà không xuất phát từ việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trên.
Thứ ba, thiếu các quy định pháp luật để phục vụ việc xác minh nguồn gốc tài sản, giá trị tài sản. Trên thực tế, phần lớn tài sản xác minh nhưng không kê biên được do có liên quan đến đồng sở hữu, việc thu hồi tài sản phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng sở hữu nên việc xử lý tài sản để thu hồi gặp nhiều khó khăn.
Công tác thu hồi tài sản trong các giai đoạn giải quyết vụ án tham nhũng
Thứ nhất, việc xử lý các tội phạm về tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Do các vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, khó xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, giá trị tài sản bị thiệt hại, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản tham nhũng trở nên rất tinh vi. Bên cạnh đó, hầu hết hành vi phạm tội xảy ra sau thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý; do đó, người phạm tội có thời gian, điều kiện để tẩu tán hoặc sử dụng hết tài sản tham nhũng; nhất là các vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ, người phạm tội sử dụng tài sản tham nhũng vào phục vụ việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, dồn điền đổi thửa, tu sửa đình chùa và nhiều phương thức, thủ đoạn khác nên không có điều kiện thu hồi.
Thứ hai, việc xác minh tài sản vẫn chưa chú trọng. Trong một số vụ án, cơ quan điều tra không xác minh tài sản của bị can và đối tượng liên quan trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì tài sản riêng của bị can không còn. Thực tế, cơ quan điều tra thường chỉ tập trung điều tra, làm rõ tội phạm, chưa chú trọng việc điều tra, xác minh, truy tìm tài sản kịp thời nên việc xác minh tài sản chưa hiệu quả, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp thu hồi tài sản.
Thứ ba, trong giai đoạn truy tố, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp; khó khăn xuất phát từ thời hạn truy tố ngắn, không có nhiều nhân lực nên Kiểm sát viên gặp bất lợi trong việc tiến hành xác minh tài sản, tiến hành các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thu hồi tài sản. Bên cạnh đó, phần lớn tài sản tham nhũng được thu hồi chủ yếu từ người phạm tội hoặc thân nhân của họ tự nguyện khắc phục.
Thứ tư, chưa chú trọng đến phần trách nhiệm dân sự, trên thực tế đối với vụ án tham nhũng có nhiều bị cáo cùng thực hiện tội phạm, về nguyên tắc là xử lý trách nhiệm hình sự như nhau, tuy nhiên, vai trò của những người đồng phạm là khác nhau; do đó phần hình phạt và trách nhiệm dân sự có sự phân hóa. Tuy nhiên, Toà án mới chỉ tập trung cá thể hoá về hình phạt mà chưa xác định rõ tỉ lệ bồi thường của các bị cáo, thay vào đó sẽ tuyên liên đới bồi thường. Tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ được tính trên tổng số giá trị tài sản chiếm đoạt, thiệt hại, điều này làm giảm thiện chí bồi thường của từng bị cáo.
Thứ năm, giai đoạn thi hành án có tính chất quan trọng khi chuyển hoá các biện pháp tố tụng thành kết quả thu hồi tài sản, tuy nhiên tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở giai đoạn thi hành án còn thấp. Một phần liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc tài sản để thực hiện việc tịch thu, thu hồi tiền, tài sản, mặt khác, do các giai đoạn tố tụng trước đó chưa làm tốt công tác kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản làm cho bị cáo đã che giấu, tẩu tán tài sản nên đến giai đoạn thi hành án thì xác minh không có điều kiện để thi hành án.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng
Một là, cần quy định các biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản áp dụng đối với tài sản của người bị buộc tội từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trước hết, phải xác định quy định những biện pháp trên tinh thần biện pháp bảo đảm, không phải biện pháp cưỡng chế, do đó, tài sản bị phong tỏa, bị tạm giữ, bị thu giấy tờ có thể không phải là tài sản đã bị chiếm đoạt, đã gây thiệt hại nhưng vẫn áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm mục đích phục vụ việc thu hồi tài sản, bảo đảm bồi thường thiệt hại cho nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chủ thể gây thiệt hại.
Hai là, quy định các biện pháp phong toả tài sản, tạm giữ tài sản, tạm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thì giá trị tài sản bị phong tỏa không nhất thiết phải tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, các biện pháp này được áp dụng nhằm hạn chế việc đăng ký, giao dịch, tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản mà không làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản bị phong toả, tạm giữ.
Ba là, Hội đồng xét xử xác định rõ tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo trong vụ án có đồng phạm căn cứ vào tính chất, vai trò tham gia thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở xác định rõ tỉ lệ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của các bị cáo, một mặt để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, mặt khác là cơ sở quan trọng để thi hành án.
Bốn là, kiểm sát chặt chẽ về thủ tục tống đạt, niêm yết công khai các quyết định về thi hành án, việc xác minh điều kiện thi hành án và việc xử lý, định giá tài sản thi hành án, nhất là trong trường hợp có liên quan đến đồng sở hữu. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.