Một số kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013

18/06/2022 17:12 | 1 năm trước

(LSVN) – Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 phát sinh những tồn tại, bất cập như một số quy định trong Luật Đất đai 2013 chưa phù hợp với một số luật có liên quan, nhất là các luật về tài sản gắn liền với đất; nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.

Trang chủ

Ảnh minh họa. 

Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai, vừa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai thi hành. 

Tuy vậy, sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013 phát sinh những tồn tại, bất cập như một số quy định trong Luật Đất đai 2013 chưa phù hợp với một số luật có liên quan, nhất là các luật về tài sản gắn liền với đất; nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra...

Có thể khẳng định đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đa số người dân và sự ổn định, phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Qua thực tiễn nghiên cứu, triển khai Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, tác giả có một số ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung nội dung tại khoản 1 Điều 16 quy định về Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất. Hiện nay, Luật Đất đai chưa quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất do thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó, dẫn đến thiếu cơ sở pháp luật trong việc xác định căn cứ thu hồi và chính sách giải quyết đối với các hộ dân phải di dời tại nhà đất thu hồi theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP để cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.

Do đó, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

d) Thu hồi nhà đất do thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà đất do nhà nước quản lý”.

Đồng thời, bổ sung vào khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai về các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm: “thu hồi nhà đất do thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà đất do Nhà nước quản lý”… Việc lập phương án bồi thường hỗ trợ di dời cho các hộ gia đình, cá nhân phải di dời theo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thứ hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bởi tại khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai hiện hành quy định:

“3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày…”.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có những dự án thu hồi đất lớn, có nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nên việc quy định ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày là không thể thực hiện được.

Do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau: "a) UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày; trường hợp quy mô dự án lớn (trên 100 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất) thì việc ban hành Quyết định được thực hiện dài hơn nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định đầu tiên của dự án".

Thứ ba, đề nghị sửa đổi, bổ sung về thời điểm xác định giá đất. Tại khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai hiện hành quy định: “3. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Đồng thời, tại điểm b, khoản 1, Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Việc xác định giá đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:… b) Theo thời hạn sử dụng đất;…”

Căn cứ các quy định nêu trên, việc xác định giá đất phải đảm bảo thời điểm xác định giá đất và thời hạn sử dụng đất. Khi xác định giá đất cụ thể, đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thời điểm để xác định giá đất, nguyên nhân là do ngày ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… và thời hạn sử dụng đất chưa xác định cụ thể (như ngày ban hành quyết định là một ngày, nhưng thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn là chủ đầu tư), từ đó dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 108 như sau: “Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất”.

Ngoài ra, đề xuất bổ sung thời điểm xác định giá đất đối với các trường hợp xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất như sau: “Thời điểm xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất”.

                      Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                         Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Phân biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính