Ảnh minh họa.
Tội "Nhận hối lộ" được quy định tại Điều 354 BLHS 2015, gồm 6 khoản. Đối với tội phạm này, chủ thể là dấu hiệu rất quan trọng, người nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết yêu cầu của người đưa hối lộ nhưng không bắt buộc phải có trách nhiệm quản lý tài sản. Không chỉ trong khu vực Nhà nước mà ở khu vực ngoài Nhà nước, việc nhận hối lộ cũng có chung chế tài như khu vực Nhà nước.
Về hành vi, người phạm tội phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hoặc sẽ nhận lợi ích bất kỳ. Việc nhận hoặc sẽ nhận có thể diễn ra trực tiếp hoặc qua trung gian.
Về lỗi, rất rõ ràng, người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, người đó luôn mong muốn nhận được lợi ích từ người đưa hối lộ.
Về hình phạt, tội "Nhận hối lộ" được quy định hình phạt chính bao gồm tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình, trong đó tù có thời hạn được quy định thành 04 khung và kèm theo hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, tịch thu tài sản và phạt tiền. Quy định tại Điều 354 BLHS 2015 đang tồn tại một số vấn đề như sau:
1. Về chủ thể thụ hưởng lợi ích
Theo quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS: “Người nào…cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm…”. Từ quy định này có thể thấy rằng, khi có một người nhận lợi ích của một người khác để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đó thì đều đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội Nhận hối lộ mà không cần quan tâm chủ thể được thụ hưởng lợi ích đó là ai (chính người đó, người khác, tổ chức khác). Đồng thời, lợi ích đó có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Từ đó, trên thực tiễn có thể xảy ra trường hợp một người nhận lợi ích cho tổ chức nhân đạo, từ thiện (chẳng hạn cơ sở bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi,…) để làm một việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích đó thì vẫn phạm tội Nhận hối lộ. Điều này là chưa thật sự phù hợp.
Luật Phòng, chống tham nhũng có định nghĩa như sau: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Như vậy, nói đến tham nhũng là nói đến yếu tố vụ lợi trong khi việc nhận lợi ích vì mục đích hướng đến bên thứ ba hoạt động nhân đạo, từ thiện lại hoàn toàn không có yếu tố đó. Chính vì vậy, cần xem xét quy định có loại trừ một số trường hợp không có tính vụ lợi ra khỏi dấu hiệu mặt khách quan của tội "Nhận hối lộ".
2. Về dấu hiệu “Lợi ích phi vật chất”
Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì “Lợi ích phi vật chất” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục... Mặc dù về mặt pháp lý đã có một “định nghĩa” cụ thể về lợi ích phi vật chất nhưng định nghĩa trên còn chung chung, không cụ thể. Đồng thời, việc quy định như vậy cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc xác định tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.
Do đó, cần phải có thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể về xác định lợi ích phi vật chất, xác định giá trị, mức độ của lợi ích đó.
Tiếp theo, có thể thấy “lợi ích phi vật chất” chỉ xuất hiện duy nhất ở điểm b khoản 1 Điều 354 với khung hình phạt là từ 02-07 năm tù. Điều này thể hiện sự chủ quan, đánh đồng tất cả các trường hợp nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất mà không có sự phân hóa theo đúng nguyên tắc chung của pháp luật hình sự. Theo đó, lợi ích phi vật chất có nhiều dạng, nhiều loại với các mức độ rất khác nhau. Trong đó, không ít các lợi ích phi vật chất có thể quy đổi thành tiền như hối lộ tour du lịch; thuê người đi cùng hay có những lợi ích phi vật chất mang giá trị lớn mà thậm chí dùng 100.000.000 đồng (giá trị tối thiểu quy định tại điểm c khoản 2) cũng không thể đạt được như bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn tốt nghiệp… Do đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để phân hóa mức độ đối với hành vi nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất.
3. Về các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự
Tội "Nhận hối lộ" được quy định 11 tình tiết định khung tăng nặng quy định tại các khoản 2,3,4 Điều 354 BLHS. Trong đó, tác giả có một ý kiến như sau:
Thứ nhất, cả ba khoản 2,3,4 đều có tình tiết “Gây thiệt hại về tài sản…” nhưng mức khởi điểm của tình tiết này là từ 1.000.000.000 đồng. Đây là con số tương đối lớn và tình tiết này không nằm trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Việc gây thiệt hại về tài sản là tình tiết định khung tăng nặng chỉ có ý nghĩa nếu hành vi đó đã cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1. Điều này đồng nghĩa, nếu một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tài sản của một người khác trị giá 1.500.000 đồng (nhưng chưa bị xử lý kỷ luật, chưa bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng) và gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 1.000.000.000 đồng thì cũng không phạm tội bởi vì không đáp ứng điều kiện cấu thành cơ bản theo khoản 1 Điều 354.
Đây là thiếu sót của BLHS vì về bản chất tính chất nguy hiểm của nó còn cao hơn nhiều trường hợp phạm tội khác. Do đó, tác giả cho rằng cần bổ sung tình tiết này vào khoản 1 theo hướng “Gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”.
Thứ hai, về tình tiết “đòi hối lộ, sách nhiễu” tại điểm g khoản 2. Hiểu theo nghĩa thông thường, “đòi hối lộ” là việc người có chức vụ, quyền hạn chủ động đưa ra yêu cầu về việc nhận hoặc sẽ nhận lợi ích bất kỳ đối với một người nào đó trước khi làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của họ. “Sách nhiễu” được hiểu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đã cố tình gây ra những khó khăn, phiền phức không đáng có cho người tham gia quan hệ pháp luật nhằm vụ lợi.
Như vậy, có thể thấy rõ ràng rằng, khi một người có dấu hiệu “đòi hối lộ” hay “sách nhiễu” thì đương nhiên người đó “đã nhận hoặc sẽ nhận” một lợi ích bất kỳ. Do đó, “đòi hối lộ” và “sách nhiễu” đã bao hàm hành vi khách quan của tội "Nhận hối lộ" [1]. Do đó, cần bổ sung cấu thành cơ bản của tội phạm này thêm tình tiết “đòi hối lộ”. Khi đó, khoản 1 Điều 354 trở thành “Người nào… qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ….”.
Thứ ba, cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3 Điều 354 là “Nhận hối lộ là nguyên nhân gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người” [2]. Thực tiễn xảy ra rất nhiều trường hợp xuất phát từ việc nhận hối lộ đã khiến cho một số vi phạm không bị xử lý, dẫn đến hành vi vi phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng về người.
Ví dụ: Nhận hối lộ để bỏ qua hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn, sau đó từ người điều khiển phương tiện đã gây tai nạn làm chết người.
Rõ ràng, việc nhận hối lộ trong trường hợp thể hiện tính chất nguy hiểm cao hơn và nó là nguyên nhân gián tiếp khiến thiệt hại về người xảy ra trên thực tế. Do đó, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc.
4. Về hình phạt bổ sung
Khoản 5 Điều 354 quy định hai loại hình phạt bổ sung, trong đó hình phạt “Cấm đảm nhiệm chức vụ” là bắt buộc và hình phạt “Tiền” là có thể và giá trị phạt tiền là từ 30.000.000 đồng – 100.000.000 đồng. Xét riêng đối với hình phạt tiền, tất cả các tội phạm tham nhũng đều có chung cách quy định “có thể phạt tiền từ …. đến 100.000.000 đồng”.
Theo tác giả, cần quy định hình phạt tiền là bắt buộc phải áp dụng chứ không nên quy định có thể áp dụng như hiện nay. Đồng thời, đối với mức phạt tiền tối đa 100.000.000 đồng là cơ bản thấp so với các tình tiết định khung của điều luật. Do đó, cũng cần tăng mức tối đa của hình phạt tiền.
[1] Lưu Ngọc Ánh, Tội nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, trang 63. [2] Trần Văn Tri, Tội nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Luận văn thạc sĩ Luật học, trang 73. |
VĂN LINH
TAQS Khu vực Hải quân