Hai bảo mẫu N.T.A. và N.T.L. tại cơ quan Công an.
Ngày 05/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai bảo mẫu N.T.A. (30 tuổi) và N.T.L. (31 tuổi, cùng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra về hành vi giết người trong vụ án bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong.
Kết quả sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của bé Đ. là chấn thương sọ não, chảy máu và phù não. Qua đấu tranh, hai bị can này còn khai nhận nhiều lần bạo hành cháu Đ. để rèn vào quy củ của lớp vì bé là học sinh mới.
Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng cho biết, cơ sở trông trẻ của A. và L. là cơ sở tự phát, không đảm bảo, nhân chứng là các cháu bé chưa biết nói. Tuy nhiên, qua những vết thương trên người cháu bé, lực lượng chức năng đã nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, cơ sở trông trẻ này không có hệ thống camera giám sát. Quá trình làm việc, Công an cũng không nhận được sự hợp tác từ phía gia đình. Ngoài ra, khi biết bệnh tình cháu bé nặng, hai bảo mẫu trên còn thống nhất lời khai, để đối phó với lực lượng chức năng.
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thu thập lời khai, trích xuất camera, xác định vai trò của 02 bảo mẫu… để củng cố hồ sơ và có căn cứ xử lý hai bảo mẫu này theo quy định pháp luật.
Trong vụ án này, nếu hành vi của 02 bảo mẫu này được xác định là có dấu hiệu của tội "Giết người" quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015, thì khung hình phạt sẽ tương đối nghiêm khắc với tình tiết định khung giết người dưới 16 tuổi, khung hình phạt có thể từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Luật sư cũng cho hay, ngoài trách nhiệm hình sự, 02 bảo mẫu này cũng sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng đối với cháu bé, theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Chi phí cứu chữa trước đó, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền bồi thường tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất giảm sút của người liên quan. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Đối với hành vi thống nhất lời khai, để đối phó lực lượng chức năng, theo Luật sư, tâm lý tội phạm nói chung khi thực hiện hành vi phạm tội do lo sợ bị phát hiện, lo sợ sự trừng phạt của pháp luật do đó thường cố tình khai báo gian dối, trường hợp này nếu gây khó khăn cho cơ quan điều tra nhưng qua các tài liệu chứng cứ khác có sự phù hợp với các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ khác thì cơ quan điều tra vẫn đủ cơ sở để buộc tội các đối tượng, tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra đã buộc các đối tượng phải thừa nhận ngay sau đó về hành vi đánh đập cháu bé.
Do đó, việc khai báo gian dối, quanh co chối tội thì sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
HOÀNG MINH
Cán bộ, công chức, viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có được đi làm?